Marketing Tìm hạt nhân phòng marketing

Tìm hạt nhân phòng marketing

2
Một trong những nhân sự then chốt của một doanh nghiệp là người quản lý và phát triển nhãn hiệu (brand/product manager), là hạt nhân của phòng marketing.

Xuất phát từ công việc thú vị nhưng cũng đầy thử thách: nghiên cứu người tiêu dùng, phát triển ý tưởng sản phẩm, xây dựng định vị, phát triển ý tưởng quảng cáo và truyền thông, tổ chức khuyến mãi và kích hoạt cho nhãn hiệu, xác định mức giá và quản trị tài chính nhãn hiệu…, người quản lý nhãn hiệu phải chăm lo và chịu trách nhiệm hoàn toàn cho đứa con tinh thần của mình.
Họ là người phải tính toán và phân tích dữ liệu về người tiêu dùng như các nhà toán học, nhưng lại là người phải đánh giá về hình ảnh và âm nhạc cho các đoạn quảng cáo chẳng khác gì các nhà phê bình nghệ thuật! Chính vì yêu cầu kỹ năng phức tạp như vậy, nhân lực quản lý nhãn hiệu giỏi quả là “như lá mùa thu”!
Người ta thường tìm kiếm các nhà quản lý nhãn hiệu được đào tạo chuyên nghiệp trong các công ty nổi tiếng. Điều đó chỉ đúng trong quá khứ và chỉ diễn ra tại một số công ty lớn, khi họ đổ bộ vào đem theo kỹ năng và kinh nghiệm truyền đạt lại cho đội ngũ địa phương nhằm phát triển các chiến lược marketing dành riêng cho thị trường Việt Nam. Chính điều này giúp hình thành một nhóm nhỏ nhân sự marketing giỏi nghiệp vụ toàn diện và được đào tạo bài bản.
Nhưng tình hình hiện nay đã khác đi khi các công ty lớn chuyển sang sử dụng chiến lược toàn cầu hóa và các nhân sự marketing trong nước chỉ làm mỗi việc áp dụng (adaptation) các chiến lược này vào thị trường Việt Nam. Như vậy, các công ty nước ngoài từ nay sẽ chỉ chú trọng phát triển các kỹ năng thực thi (execution) cho nhân viên của họ mà thôi. 
Do vậy, nếu doanh nghiệp bạn đang nhắm đến những người quản lý nhãn hiệu làm cho các công ty lớn thì nên cẩn trọng, vì chính tính chuyên môn hóa của họ sẽ khó đáp ứng được nhu cầu đa dạng của công ty bạn. 
Với các doanh nghiệp Việt Nam, thông thường công việc quản lý và phát triển nhãn hiệu do các giám đốc hay các ông chủ trực tiếp đảm nhận. Một số chủ doanh nghiệp bằng tài năng cá nhân đã đem lại những thành công vang dội cho thương hiệu nhưng họ lại không “giải mã” và “truyền” lại được cho đội ngũ của mình. 
Nói cách khác, họ không có một phương pháp và tiến trình marketing chuyên nghiệp để bảo đảm tính bền vững, nhất quán cho thương hiệu và để dựa vào đó giúp đào luyện, phát triển nhân viên marketing.
Vậy thì lối ra nào cho giải pháp nhân sự marketing?
Vội vã tìm kiếm những người giỏi từ các công ty khác để lắp vào bộ máy chưa đồng bộ thường không đem lại kết quả, vì mỗi doanh nghiệp đều có những nét đặc thù riêng. Kinh nghiệm thành công từ một số công ty trong nước cho thấy một cách làm hiệu quả: sử dụng một nhóm tư vấn rất am tường và có kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng thương hiệu.
Nhóm tư vấn này cùng ban lãnh đạo đề ra chiến lược marketing dài hạn, thực hiện việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực marketing cho doanh nghiệp. Thời gian đầu họ sẽ trực tiếp giúp doanh nghiệp thực thi các nhiệm vụ marketing trước mắt, sau đó sẽ hướng dẫn cho các nhân viên mới được tuyển dụng và sau cùng sẽ là chìa khóa trao tay. 
Cách làm này đòi hỏi sự quyết tâm và kiên trì, nhưng kết quả là doanh nghiệp sẽ được thừa hưởng một đội ngũ và một hệ thống quản trị marketing thích hợp cho riêng mình.
Về lâu về dài có thể khẳng định một điều: các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhân tài marketing đam mê nghề. Trong môi trường năng động, khả năng sáng tạo của họ sẽ được phát triển. Chính vì vậy, như đã phân tích, sự linh hoạt trong marketing đang và sẽ là ưu thế lớn của các công ty địa phương.

Theo Hoidoanhnhan