Kiến thức quản trị Cổ phần hóa – Hướng đi tái cấu trúc doanh nghiệp nhà...

Cổ phần hóa – Hướng đi tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước

9

Cổ phần hoá phải tiếp tục là hướng đi chính trong quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Thậm chí, đây là con đường ngắn nhất để áp đặt kỷ luật thị trường cạnh tranh đối với khu vực doanh nghiệp này, như mục tiêu mà Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) đã nhấn mạnh khi xác định ưu tiên tái cấu trúc DNNN, với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. 
Những câu chuyện thành công của Vinamilk, REE… đã chứng minh rằng, nếu không cổ phần hoá, không mở cửa để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, bao gồm cả vốn, nhân lực, công nghệ và tư duy quản trị minh bạch, hiệu quả, thì khu vực DNNN sẽ khó có thêm những thương hiệu lớn, mang tính dẫn hướng, đi đầu trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước như mong muốn.
Sự chậm trễ đáng ngại của hoạt động cổ phần hóa DNNN trong thời gian gần đây, cộng với hàng loạt bất cập, tồn tại trong cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước, khiến nhiều người lo ngại về khả năng xuất hiện thêm những Vinashin, Vinalines…
Phải nhắc lại, ngay từ đầu năm 2011, khi hàng loạt sai phạm trong hoạt động của một số tập đoàn, DNNN lớn phát lộ sau các cuộc thanh tra, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh rằng, cổ phần hoá là một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm 2011 đối với các tập đoàn, tổng công ty 91. Mục tiêu được đặt ra rất rõ là, đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại đơn vị thành viên để nâng cao chất lượng, năng suất, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ, chi phối. Nhưng, kết thúc năm 2011, mới có 60 doanh nghiệp hoàn tất cổ phần hoá.
Thị trường lại kỳ vọng vào khả năng đột phá của cổ phần hoá DNNN trong năm 2012, khi quyết tâm chính trị trong tái cơ cấu DNNN được thông suốt trong cả bộ máy chính trị, hệ thống chính quyền từ cấp trung ương tới địa phương. Sáu tháng đầu năm, con số chính thức mà Bộ Tài chính đưa ra vỏn vẹn 6 doanh nghiệp trong số 93 doanh nghiệp trong kế hoạch phải hoàn tất cổ phần của cả năm 2012.
Tuy vậy, không thấy có ai bị phê bình, khiển trách hay kỷ luật về sự chậm trễ này. Quan trọng hơn, khả năng hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá 573 doanh nghiệp trong giai đoạn 2012 – 2015 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ càng trở nên khó khăn hơn.
Trở ngại cho hoạt động cổ phần hoá DNNN đang tăng lên khi thị trường chứng khoán vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn, nền kinh tế đang rất khó khăn. Trong khi đó, mục tiêu bảo toàn vốn nhà nước hay hiệu quả lâu dài cho DNNN trong các kế hoạch cổ phần hoá vẫn chưa được làm rõ.
Ngược trở lại thời điểm khủng hoảng kinh tế bắt đầu, từ 2008 đến nay, trong số 117 DNNN cổ phần hoá bán đấu giá cổ phần lần đầu ở các sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội, chỉ có 39 doanh nghiệp thành công, 9 doanh nghiệp không có người đăng ký mua.
Trong khi đó, doanh nghiệp trong danh sách cổ phần hoá đa phần có quy mô lớn, tình hình tài chính phức tạp. Việc tính lợi thế của doanh nghiệp vào giá trị doanh nghiệp, trong khi hiệu quả sản xuất – kinh doanh kém khiến giá trị của không ít doanh nghiệp tăng cao một cách bất hợp lý…
Có lẽ, quan điểm và cách thức cổ phần hoá phải được thống nhất một cách rõ ràng, công khai, minh bạch rằng, cần tạo sự thay đổi về chất lượng, hiệu quả trong từng doanh nghiệp về lâu dài. Theo đó, những doanh nghiệp không đủ năng lực, nên để phá sản, giải thể. Cùng với đó, lộ trình cổ phần hóa phải được minh bạch và theo tín hiệu của thị trường, bởi nếu không minh bạch, cổ phần hóa sẽ là kênh tốt cho tham nhũng, là cơ hội cho các nhóm lợi ích thâu tóm tài sản của Nhà nước với giá rẻ.

Theo Bảo Duy