Marketing Liên kết tìm vốn quốc tế

Liên kết tìm vốn quốc tế

1
Liên kết với thị trường chứng khoán (TTCK) các nước ASEAN, phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra nước ngoài hay niêm yết trên các sàn chứng khoán ngoại là những cách để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể huy động được vốn quốc tế. 
Liên thông thị trường vốn
Ngày 18.9 vừa qua, tại Kuala Lumpur (Malaysia), việc kết nối giao dịch trực tiếp giữa 2 Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Malaysia và Sở GDCK Singapore đã chính thức diễn ra. Đây là bước đi đầu tiên trong kế hoạch liên thông thị trường vốn khu vực ASEAN, được cam kết bởi các Bộ trưởng Tài chính các quốc gia ASEAN. Phát biểu tại buổi lễ, ông Magnus Bocker, Tổng giám đốc Sở GDCK Singapore cho biết, việc kết nối này nhằm tăng cường hiệu quả đối với các giao dịch xuyên biên giới, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho các tổ chức trung gian với một mạng lưới khách hàng rộng lớn hơn.
Theo dự kiến, vào tháng 10 tới sẽ đến lượt Thái Lan thực hiện kết nối với Malaysia và Singapore. Khi đó, 3 TTCK lớn nhất trong các Sở GDCK ASEAN trở thành 1 với gần 3.000 công ty niêm yết, có tổng giá trị vốn hóa thị trường gần 1.400 tỉ USD, chiếm khoảng 70% ASEAN. 4 Sở GDCK Hà Nội, TP.HCM, Indonesia và Philippines cũng chuẩn bị kết nối vào những năm tới. 
Khi hoàn thành việc kết nối 7 Sở GDCK ASEAN, một TTCK chung của khu vực được hình thành với 3.600 công ty niêm yết, tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt khoảng 2.100 tỉ USD. Khi đó, các nhà đầu tư ASEAN có thể giao dịch trên TTCK khu vực mà không cần phải ra nước ngoài để mở tài khoản như hiện nay. Với Việt Nam, thị trường liên thông này sẽ tạo ra cơ hội thu hút nguồn vốn của các nhà đầu tư chứng khoán ASEAN, tăng tính thanh khoản cho thị trường. Đồng thời, các DN trong nước cũng dễ huy động vốn ngoại hơn.

DN phải tự đánh giá lại mình
Tại hội thảo “Thâm nhập nguồn vốn quốc tế thông qua TTCK London” tổ chức tại TP.HCM ngày 26.9 với sự tham gia của Thị trưởng London, ông Alderman David Wootton, các DN đã được nghe giới thiệu về hoạt động của trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu này. Cũng giống như nhiều TTCK đã phát triển lâu đời, Sở GDCK London (LSE) quản lý nhiều sàn niêm yết khác nhau như thị trường chính, thị trường đầu tư thay thế (AIM) với các quy định khác nhau, bao gồm nhiều loại chứng khoán và nhiều công cụ giao dịch.
Để niêm yết được cổ phiếu (CP) trên sàn này, các DN phải tuân thủ đầy đủ các quy định khá nghiêm ngặt. Bà Katya Kuznetsova – Giám đốc Trung tâm phát hành lần đầu ra công chúng, Tập đoàn PricewaterhouseCoopers – chỉ ra rằng các công ty ở những thị trường mới nổi như Việt Nam đang tồn tại những vấn đề phổ biến như không minh bạch, thông tin tài chính thiếu mức tin cậy cần thiết, không có hệ thống quản trị phù hợp, thiếu hiệu quả trong việc trao đổi thông tin với nhà đầu tư và thị trường, thiếu các chương trình ngăn chặn và phát hiện gian lận… Phải khắc phục được các nhược điểm này, DN mới có thể phát hành hay niêm yết CP trên sàn chứng khoán ngoại. Tuy nhiên, các DN Việt Nam có thể thực hiện gọi vốn thông qua nhiều hình thức khác nhau như phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi, thông qua chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDRs)… Chẳng hạn trong năm 2011, hơn 23,32 triệu GDRs của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai do Deutsche Bank Trust Company Americas phát hành đã được niêm yết tại LSE. Hay giữa năm 2012 vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã hoàn thành việc huy động 300 triệu USD thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi và niêm yết lượng trái phiếu này trên TTCK Singapore.
Theo ông Johan Nyvene – TGĐ Công ty chứng khoán TP.HCM – cơ hội thu hút vốn ngoại của DN trong nước khá nhiều. Điều quan trọng là để có thể khai thác được các cơ hội này, DN phải tự đánh giá lại mình.
Cơ hội nhưng còn rào cản
TS Nguyễn Sơn – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN – đánh giá đây là cơ hội cho TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, vướng mắc là TTCK Việt Nam và các thị trường trong khu vực vẫn còn nhiều sự khác biệt. Không chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật mà quan trọng nhất là sự kết nối đó đảm bảo cho nhà đầu tư có thể giao dịch tại chỗ thông qua hệ thống thanh toán bù trừ tại các TTCK khác nhau. Hiện một số quy định của nước ta vẫn là những rào cản cho việc kết nối này như hạn chế tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại các DN chỉ ở mức 49% (ở các ngân hàng là 30%), chưa tự do hóa tài khoản vốn (liên quan đến việc chuyển đổi giữa tiền đồng và ngoại tệ)… Do đó, lộ trình kết nối của Việt Nam với thị trường vốn ASEAN có thể sẽ kéo dài.

Theo Kinhtetapdoan