Kiến thức quản trị Nguy cơ mất doanh nghiệp bởi những khoản vay cá nhân

Nguy cơ mất doanh nghiệp bởi những khoản vay cá nhân

12
Một hiện tượng phổ biến hiện nay là DN vay vốn của cá nhân để cải thiện khả năng thanh toán khi vay ngân hàng gặp khó. Bài viết này cảnh báo nguy cơ bị thâu tóm bởi món vay tưởng như rất hời này. 

Không khẳng định mọi quyết định đưa vốn cá nhân ra cứu doanh nghiệp trong lúc khó là có mưu đồ thâu tóm cá nhân. Tuy nhiên, bằng hình thức cho doanh nghiệp của mình vay vốn, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã nhanh chóng củng cố được tiếng nói của mình. Vừa là lãnh đạo, là cổ đông lớn, là chủ nợ to nhất của doanh nghiệp.
Một hệ lụy có thể xảy ra từ việc vay vốn của lãnh đạo đồng thời là cổ đông lớn nhất là Điều kiện vay vốn lãnh đạo cũng được chính lãnh đạo đưa ra hoặc ít nhất là có ảnh hưởng lớn. Nhiều khi, điều kiện đó chính là quyền được xử lý tài sản của công ty.
Phải lưu ý thêm, theo luật định, nếu doanh nghiệp phá sản, giải thể, tài sản còn lại sẽ được ưu tiên giải quyết cho chủ nợ trước khi giải quyết cho chủ sở hữu. 
Mạnh thường quân bất ngờ
Bị huỷ niêm yết bắt buộc từ đầu tháng 5 năm 2012 nhưng thị trường vẫn chưa quên Công ty Cổ phần Basa (mã BAS) bởi những con sóng giá và cũng bởi điệp khúc lỗ của doanh nghiệp này.
BCTC cuối quý I/2012 bất ngờ với khoản tiền Chủ tịch HĐQT cho vay 81 tỷ đồng và đến hết quý II tăng lên 82,66 tỷ đồng. 48,74 tỷ đồng nợ ngân hàng ACB, 3,62 tỷ đồng nợ HSBC được trả hết. 
Phải nói thêm rằng, khi BAS rời sàn, giá trị vốn hóa của BAS lúc đó hủy niêm yết chỉ vỏn vẹn còn chưa đầy 15 tỷ đồng. Mạnh thường quân đồng thời là Chủ tịch HĐQT công ty đang nắm đến 36,44% vốn. Tổng tài sản tại thời điểm kết thúc quý II/2012 của BAS là 139,4 tỷ đồng và tổng nợ là 94,79 tỷ đồng trong đó 82,66 tỷ đồng là nợ ông Võ Tấn Minh.
Khoản vay của ông Võ Tấn Minh được thế chấp bằng tài sản hữu hình và vô hình. Ông Minh được nhận lãi suất 13,2%/ năm. Liệu lãi suất có đủ hấp dẫn để ông Minh đưa lượng tiền lớn ra trả nợ giúp BAS? Động cơ cho vay của Chủ tịch cũng không bị giới phân tích đem ra mổ xẻ bởi lẽ BAS rời sàn sau 3 năm liên tiếp lỗ và lặng im. 
Quyết định giải thể BAS đã được ĐHCĐ thường niên 2012 thông qua. Câu chuyện còn lại chỉ là thực hiện giải thể ra sao. Thông tin dành cho cổ đông chỉ còn được đăng tải trên website doanh nghiệp và không nhiều người biết đến. Nỗi đau của các cổ đông khác vẫn còn nhưng họ gần như chấp nhận như một bài học lớn về chọn mặt gửi vàng. 
Cổ đông lớn đến Chủ tịch HĐQT và vai chủ nợ
Ông Yang Xiao Dong (Dương Hiểu Đông) của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An (TAS) đã nhanh chóng củng cố quyền lực tại TAS. Trở thành cổ đông lớn nắm giữ 5,37% vốn từ hồi đầu năm 2012, ông Dương Hiểu Đông liên tục mua, đăng ký mua vào. Tại ĐHCĐ, ông được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT hồi cuối tháng 4/2012. 
Đến nay, ngoài vai trò Chủ tịch HĐQT, ông Dương Hiểu Đông còn là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ nắm giữ hơn 14% và điều đáng chú ý nhất là ông cũng là chủ nợ của TAS. Tại thời điểm kết thúc quý II, ông Đông cho TAS vay 29,82 tỷ đồng và đây là khoản vay dài hạn DUY NHẤT của TAS. 
Vì sao ông Dương Hiểu Đông đưa tài sản cá nhân để cho công ty vay khi hàng loạt lình xình vi phạm về hoạt động môi giới và cung cấp dịch vụ cho khách hàng, việc doanh nghiệp này bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục và vướng án bị kiểm soát đặc biệt liên tục xảy ra? Ông Dương Hiểu Đông không nắm rõ tình hình thực sự của TAS và ra tay cứu thanh khoản cho TAS hay còn những mục đích khác?
Nhà đầu tư hẳn vẫn nhớ, ĐHCĐ thường niên của TAS đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ 139 tỷ đồng hiện tại lên 300 tỷ đồng theo hình thức phát hành riêng lẻ trong bối cảnh TAS thua lỗ triền miên. Kể từ ngày 15/9/2012, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được phép thành lập công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Quy định này sẽ mở đường cho nhà đầu tư ngoại nới room sở hữu tại CTCK. Kế hoạch phát hành của TAS hiện chỉ mới thông qua về mặt chủ trương và đến nay vẫn chưa có động thái thực hiện nhưng nếu không cẩn trọng, việc một hoặc 1 nhóm cổ đông tận dụng cơ hội tăng tỷ lệ sở hữu là điều có thể xảy ra.
Những cảnh báo
Gặp khó vay vốn, thanh khoản rơi vào bế tắc, dòng vốn mạnh thường quân cho vay trong nhiều trường hợp là cứu cánh của doanh nghiệp. 
Không khẳng định mọi quyết định đưa vốn cá nhân ra cứu doanh nghiệp trong lúc khó là có mưu đồ thâu tóm cá nhân. Tuy nhiên, nhìn cơ cấu sở hữu và quá trình củng cố quyền lực của một/ một nhóm người thông qua câu chuyện lấy tiền túi cho doanh nghiệp vay có thể thấy đây là một lỗ hổng cần cảnh tỉnh cho doanh nghiệp. Trước khi đi đến quyết định dùng vốn vay cá nhân nào đó hay phát hành riêng lẻ thì phải suy tính kỹ nếu không muốn doanh nghiệp rơi vào tay người khác.
Bởi người lãnh đạo cấp cao là người có thể đưa ra những chiến lược trình ĐHCĐ, và bởi sở hữu lớn, ĐHCĐ lại bị ảnh hưởng bởi chính tiếng nói của chính họ nên trước khi doanh nghiệp quyết định vay vốn cá nhân nên suy xét kỹ những động cơ có thể có của người cho vay.

Theo Kinhtetapdoan