Kiến thức quản trị Tạo nền tảng phát triển mới

Tạo nền tảng phát triển mới

3
Đã có nhiều cảnh báo khi con số DN phá sản đang tăng cao trong lúc kinh tế gặp khủng hoảng. Tuy nhiên, trong khi rất nhiều chương trình hỗ trợ DN đưa ra thì nhiều chuyên gia vẫn nhấn mạnh chủ trương tái cơ cấu như một yêu cầu thanh lọc của quá trình phát triển. 

Theo đó, trong kinh doanh, việc các DN phá sản là lẽ thường tình. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, đó còn được xem là một sự “đào thải” cần thiết để tái cơ cấu, tạo một nền tảng mới cho DN và nền kinh tế phát triển.
Cách đây 10 năm, khi bất động sản (BĐS) nổi lên như là một lĩnh vực sinh lời “béo bở”, đã có hàng ngàn DN đổ xô đầu tư vào các dự án nhà đất với một mong ước mở rộng kinh doanh và nhanh chóng kiếm lời. Thế nhưng, sau một thời gian ngắn “sôi sục” với những “cơn sốt ảo của thị trường”, lĩnh vực này đang xuống dốc một cách nhanh chóng và kéo theo nhiều hệ lụy cho cả DN và nền kinh tế.
Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2011, có đến 90% DN BĐS bị thua lỗ, phải bán đổ bán tháo nhiều dự án quy mô lớn. Cho đến nửa đầu năm nay, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục và DN tiếp tục đối mặt với khó khăn kéo dài.
Trong khi đó, nhiều DN cũng đang “ngồi trên lửa” vì đầu tư chứng khoán. Trong thời kỳ chứng khoán “bùng nổ”, với khả năng sinh lời cao trong một thời gian ngắn, nhiều DN dù còn “lạ lẫm” và “non nớt” với thị trường này nhưng vẫn mạnh dạn đầu tư. Chính điều này càng khiến các DN dính vào đầu tư chứng khoán “lao đao” trước sự trồi sụt bất thường của thị trường.
“Trào lưu đám đông” là xu hướng dễ thấy ở phần lớn các DN trong nước. Việc các DN đua nhau đầu tư vào những lĩnh vực “có ăn” đã tạo nên những “cơn sốt ảo”, không phản ánh đúng thực trạng của các lĩnh vực này. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn mắc sai lầm khi đầu tư vào những kênh đầu tư dài hạn nhiều rủi ro nhiều như bất động sản, chứng khoán, tín dụng… Những kênh đầu tư này đòi hỏi nguồn vốn khá lớn cũng như khả năng chịu đựng lâu dài. Nhiều DN không đủ vốn, vay vốn với giá trị lớn tại ngân hàng, càng làm gia tăng khả năng thua lỗ một khi kênh đầu tư không hiệu quả.
Tầm nhìn ngắn hạn, muốn nhanh chóng thu lợi cao nhưng lại quên xây dựng những vấn đề nền tảng như tìm hiểu thị trường, tạo dựng thương hiệu, phát triển nhân lực,… đã khiến các DN đang phải gánh chịu những hậu quả do chính mình gây ra.
Đã đến lúc, các DN tự nhìn lại mình, xây dựng nền tảng vững chắc, phát triển bề sâu chứ không phải chỉ trên chiều rộng. Mỗi DN phải có con đường riêng và xây dựng những giá trị riêng chứ không thể mãi chạy theo số đông với tư duy “ăn xổi ở thì”. Và điều đó đã đến, nó đang là đòi hỏi, cũng là cơ hội cho các DN Việt, đó là quá trình tái cơ cấu đang được thúc giục mạnh mẽ.
Phần lớn các DN Việt Nam sở hữu nguồn vốn khiêm tốn, lại có sở trường kinh doanh ở các hạng mục nhỏ lẻ. Vì thế, nên chọn hướng đi phù hợp với chiến lược phát triển. Tận dụng những lợi thế sẵn có như: am hiểu thị trường nội địa, nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ, chính sách ưu đãi của Nhà nước… để tập trung phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo dựng nguồn lực để mở rộng dần quy mô.
Trong quá trình đó, cần chú trọng xây dựng thương hiệu và có chiến lược phát triển dài hạn. Trên thực tế, có rất nhiều DN giành được nhiều thành công vì chính sự cố gắng của mình dựa trên việc xây dựng “nền móng” vững chắc.
Bài học đắt giá từ “thập kỉ mất mát” của Nhật Bản cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm nhiều điều. Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài trong suốt thập kỉ 1990 của Nhật Bản này bắt nguồn từ sự phát triển bong bóng đầu cơ trong những năm 1980, khi các nhà đầu tư rót tiền ồ ạt vào thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Bình quân hàng năm trong suốt thập niên 1990, tổng sản phẩm quốc nội thực tế của Nhật Bản lẫn tổng sản phẩm quốc dân bình quân đầu người chỉ tăng 0,5%, thấp hơn so với hầu hết các nước công nghiệp tiên tiến khác.
Đây là lời cảnh tỉnh cho nhiều doanh nghiệp khi “liều lĩnh” đầu tư vào những lĩnh vực đầy bất trắc như bất động sản, chứng khoán trong khi bản thân còn thiếu kiến thức lẫn kinh nghiệm trong những lĩnh vực này.
Một bài học khác dành cho Việt Nam là nên tập trung vào “sở trường”, hạn chế “sở đoản”. Trong khi với thế mạnh nông nghiệp, các DN Việt lại không “mặn mà” với điểm mạnh này mà lại chạy đua, “cổ súy” cho những lĩnh vực mà mình còn yếu kém như bất động sản, chứng khoán, tín dụng, công nghiệp ô tô,… Với nền kinh tế toàn cầu luôn chứa đựng nhiều bất ổn, sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, nguy cơ xung đột vũ trang và chiến tranh tăng cao thì “an ninh lương thực” trở thành vấn đề nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Thiết nghĩ, chúng ta nên đầu tư đúng mức cho nông nghiệp và có những chính sách phát triển hợp lí, biến nông nghiệp trở thành thế mạnh để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.

Theo Kinhtetapdoan