Kiến thức quản trị Bài học của những người ở lại và cái chết của Zing...

Bài học của những người ở lại và cái chết của Zing Deal

20
Vinagame vừa tuyên bố khai tử trang mua chung Zing Deal thì Peace Soft lại quyết định nhảy vào thị trường này. Cuộc chơi đang đầy kịch tính!
Trong thông báo “khai tử” Zing Deal, Vinagame (VNG) không hề nhắc đến nguyên nhân dẫn tới cái chết của website này. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia trong ngành thì Zing Deal phải sớm chấm dứt hoạt động là do VNG đã không tập trung đầu tư đúng mức. Trước đó, khi tham gia thị trường mua chung, VNG đã được đánh giá là một đối thủ lớn, bởi đây là một công ty có nền tài chính vững mạnh, đội ngũ kỹ thuật nhiều kinh nghiệm, cơ sở dữ liệu người dùng hùng hậu từ mạng xã hội Zing Me và kênh truyền thông Zing News. Cái chết của Zing Deal khiến người ta thấm thía rằng, kẻ mạnh cũng có khi thua nếu không có một chiến lược phù hợp.
“Lính mới” Peace Soft
Trong bối cảnh đó, Peace Soft – một tên tuổi lớn khác của làng thương mại điện tử – sau hơn 1 năm đứng ngoài cuộc chơi lại vừa chính thức “tham chiến” bằng website 1top.vn. Theo người đứng đầu Peace Soft, đây là thời điểm chín muồi để công ty này tham gia thị trường mua theo nhóm.
Trong khi nhiều người tỏ ra hoài nghi về khả năng thành công của 1top.vn thì ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc của Peace Soft, lại tỏ ra hết sức tự tin. Ông Bình cho hay, hầu hết các website mua theo nhóm hiện nay đang chiếm dụng tiền giữ hộ (tiền mà khách hàng mua phiếu giảm giá của doanh nghiệp niêm yết trên website – DN) trong thời gian dài, lấy nhà cung cấp sau trả nhà cung cấp trước… khiến cho lòng tin của các nhà cung cấp ngày càng sụt giảm. Thêm vào đó, các nhà cung cấp đang dần cảm thấy mô hình mua theo nhóm không còn mang lại hiệu quả marketing hữu hiệu nữa, khi phải chịu chi phí hoa hồng khá cao (15 – 30% trả cho các website mua theo nhóm), mức giảm giá sâu (40 – 60%) nhưng khách hàng lại chỉ đến với họ khi có đợt giảm giá. Từ phía người dùng, ngoài những thiệt hại như mua phải hàng kém chất lượng, hàng không đúng mô tả, họ còn không được hoàn lại tiền khi không sử dụng phiếu giảm giá… “1top.vn sẽ khắc phục những nhược điểm đó”, ông Bình quả quyết. Cụ thể là nhà cung cấp sẽ được thanh toán ngay vào tài khoảnNganluong.vn khi người mua sử dụng phiếu, đồng thời nhà cung cấp cũng hoàn toàn được chủ động về tần suất chạy, mặt hàng, số lượng phiếu… do được cung cấp tài khoản ngay trên website. Mức chi phí bán hàng mà các nhà cung cấp phải trả cho Peace Soft là 9 – 13% (giảm gần 50% so với các website khác). Về phía người tiêu dùng, Peace Soft sẽ trả lại 70% số tiền nếu không dùng phiếu và họ được hoàn lại tiền hoặc đổi sản phẩm nếu mua phải hàng không đúng với quảng cáo…
Giới chuyên môn đánh giá những điểm mới mà 1top.vn cung cấp sẽ lấy lại được phần nào niềm tin của khách hàng vào thị trường này. Nhưng liệu Peace Soft có còn giữ đúng chữ tín khi đã chạy tốt? Bởi lẽ trước đó, các website mua theo nhóm đều cam kết bán hàng đúng chất lượng, nhưng chỉ một thời gian sau đã xảy ra chuyện “mượn đầu heo nấu cháo”. Câu hỏi Peace Soft sẽ thắng hay thua trên thị trường mua theo nhóm còn phải đợi thời gian trả lời. Nhưng ít ra, những gì mà doanh nghiệp này cam kết cũng đã tạo ra một lực đẩy để những website mua theo nhóm phải nâng cao chất lượng của mình và giữ chữ tín với khách hàng.
Và bài học của những người ở lại
Zing Deal đến thời điểm sụp đổ chỉ chiếm 1% thị phần và Peace Soft mới chỉ chân ướt chân ráo vào nghề, nhưng những động thái này cũng là lời cảnh báo đối với các đơn vị kinh doanh mô hình mua theo nhóm. Bà Giao Võ, Giám đốc chi nhánh Nhóm Mua Hà Nội thẳng thắn thừa nhận, việc cạnh tranh để chiếm thị phần của các website mua theo nhóm vừa qua phần nào đã làm giảm tính trung thực về giá, tỷ lệ giảm giá, chất lượng sản phẩm của các nhà cung cấp… và hậu quả để lại là dần dần đánh mất niềm tin của khách hàng vào dịch vụ này. Về việc nhiều khách hàng phàn nàn về chất lượng dịch vụ kém, sản phẩm không đúng như mô tả, bà Giao Võ cho biết, đa số các đối tác cung cấp vì sợ bị kẹt vốn nên đã ký kết với nhiều website có cùng mô hình và chạy chương trình cách nhau chỉ vài ngày, vài tuần nên dẫn đến việc không đủ hàng để giao cho khách. Thêm vào đó, nhiều nhà cung cấp có sự thay đổi chủ doanh nghiệp hoặc đóng cửa ngừng kinh doanh đã không thông báo cho các website mua theo nhóm biết để bảo vệ quyền lợi khách hàng. Đến khi khách hàng sử dụng dịch vụ hoặc đổi sản phẩm không được, gửi đơn kiện thì họ mới biết sự việc…
Khi niềm tin của khách hàng vào các website mua chung ngày càng giảm, bản thân công ty đứng đầu thị trường về mô hình này là Nhóm Mua cũng cảm thấy việc giữ được vị trí của mình không còn là chuyện đơn giản. Trước mắt, đơn vị này chỉ lựa chọn những doanh nghiệp có uy tín, có thương hiệu để hợp tác. “Mô hình mua theo nhóm là một con dao 2 lưỡi. Nếu doanh nghiệp làm đúng và làm tốt thì sẽ gặt hái được nhiều thành công, nhưng nếu chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt hoặc làm ăn gian dối để lừa khách hàng thì kết quả sẽ rất bi thảm. Năm 2012 sẽ là mốc đánh dấu cho sự sàng lọc của mô hình này”, bà Giao Võ kết luận.
Có cái nhìn lạc quan hơn, bà Trương Tố Linh, Giám đốc thương hiệu Hot Deal cho rằng, việc các website đóng cửa là sự sàng lọc luôn có trong bất cứ một ngành kinh doanh nào. “Ngành mua hàng theo nhóm có đặc điểm là dòng tiền dương ngay từ thời gian bắt đầu nên khả năng “giam tiền” là rất ít, trừ các website có quan điểm kinh doanh không tốt. Tôi tin rằng số này, chiếm tỷ trọng không lớn”, bà Linh nhận định.
Nói về việc làm sao để các doanh nghiệp có thể đạt hiệu quả xây dựng thương hiệu tốt nhất trên các website mua theo nhóm bà Linh cho rằng, sự tinh tế trong thiết kế deal, cấu trúc deal để hấp dẫn khách hàng mà doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ không tốn kém quá nhiều chi phí là một yếu tố quan trọng mà các đơn vị làm deal phải lưu ý. Chỉ khi niềm tin của người tiêu dùng, của các doanh nghiệp quay trở lại thì các website mua theo nhóm mới có thể khởi sắc và phát triển.

Theo Bích Ngọc