Kiến thức quản trị Yếu tố cốt lõi của sự thành công bền vững

Yếu tố cốt lõi của sự thành công bền vững

10
Giáo sư Stevenson đã nghiên cứu về ý nghĩa và nguyên nhân dẫn đến sự thành đạt của những người nổi tiếng, và tìm ra rằng thành công bền vững được xây dựng trên 4 nền tảng: những thành tích đã đạt được, hạnh phúc, vị trí của bạn trong mọi người và những gì để lại cho đời. Dĩ nhiên, chúng ta cần khá nhiều thời gian và nỗ lực mới có thể đạt được cả 4 yếu tố đó.

Chắc hẳn bạn phải biết Bill Gates, J.K. Rowling hay Madonna chứ? Họ là những người tài năng, họ thông minh và lanh lợi. Vậy, họ có phải là những người thành công chăng?
Hay như câu hỏi mà một vị giáo sư danh tiếng, Howard H.Stevenson đã nêu lên, bạn có thật sự muốn trở nên nổi tiếng và thành công như họ hay không? Quan trọng hơn nữa, bạn có muốn tương lai của con cái bạn giống như họ hay không? Giáo sư cũng kết luận: việc định ra một chuẩn mực cho cái được gọi là “thành đạt” cho bản thân không hề dễ dàng chút nào.

Ông cũng phân tích: tất cả những sách vở viết về sự thành đạt đều thúc giục người đọc phải “đặt ra một mục tiêu và luôn luôn nhằm đến nó”, nhưng lại chẳng bao giờ nhắc đến những khía cạnh về một cuộc sống được coi là lý tưởng như gia đình, giải trí, giao thiệp, hay thậm chí chỉ là khoảng thời gian bạn được dành riêng cho bản thân mình và những sở thích cá nhân. Rõ ràng, lời khuyên ấy quá đơn giản và ai cũng đã biết, cho nên để đạt được cái gì đó thì áp lực sẽ là vô cùng lớn.

Giáo sư Stevenson đã nghiên cứu về ý nghĩa và nguyên nhân dẫn đến sự thành đạt của những người nổi tiếng, và tìm ra rằng thành công bền vững được xây dựng trên 4 nền tảng: những thành tích đã đạt được, hạnh phúc, vị trí của bạn trong mọi người và những gì để lại. Dĩ nhiên, chúng ta cần khá nhiều thời gian và nỗ lực mới có thể đạt được cả 4 yếu tố đó.

Những người theo quan điểm cũ về sự thành đạt thường có rất nhiều phẩm chất tích cực, thế nhưng khi nhìn vào bản chất của những tính cách đó, người ta phát hiện ra mầm mống của tai hoạ. Họ quả thật có niềm đam mê, thậm chí là bị ám ảnh bởi niềm đam mê đó, họ còn có thái độ rất tích cực. Nhưng Stevenson loại bỏ hết những yếu tố đó. Theo ông, người thành đạt thực sự phải là người biết hoà hợp mục đích và khả năng của mình; phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro; phải là người làm việc tận tâm và cạnh tranh quyết liệt; phải biết vượt qua thử thách và không thoả mãn với những điều kiện mà mình có.
Howard Stevenson cũng nêu lên một vấn đề lớn. Đó là dường như bất cứ ai ham muốn thành đạt cũng có một niềm đam mê, và thường thì người ta không thể dứt ra nổi niềm say mê đó. Khi đã muốn cái gì đó, người ta sẽ cố đạt bằng được, thậm chí cả khi điều đó không còn phù hợp nữa. Đôi khi những dữ liệu và thông tin quý báu lại bị bỏ lỡ chỉ vì người ta quá tập trung vào chỗ khác. Việc say mê một điều gì đó là tốt, nhưng bạn đã bao giờ lâm vào cảnh phải chịu thua cuộc chỉ vì quá đam mê chưa?
Thành công đến không dễ bởi nhiều lẽ khác. Thời gian trôi, con người thay đổi, cách cảm nhận cuộc sống của mỗi người cũng như cách cuộc đời nhìn nhận bạn cũng thay đổi. Sự thoả mãn có thể khiến người ta trở thành kiêu hãnh, và rồi từ kiêu hãnh thành tự phụ từ lúc nào. Và tình cờ, đây cũng là cốt lõi của tất cả những bi kịch trong truyền thuyết Hy Lạp xưa nay. Vậy thì,

Thế nào là thành đạt?

Howard Stevenson và đồng nghiệp Nash của ông đồng tình rằng, thành đạt là một trạng thái, là sự kết hợp độc nhất của sự hài lòng với những gì đã đạt được mà mỗi người tự đặt ra cho mình. Trạng thái ấy rất bấp bênh và không bền lâu, nó không nằm trọn trong một thời điểm nào cả. Trạng thái ấy hiện diện dựa trên cả hai mặt lý trí và tình cảm.

Hai nhà nghiên cứu này đã phỏng vấn những người được bình chọn là thực sự thành đạt và đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp, và đã tìm ra ba nỗi sợ hãi lớn nhất của họ. Đó là:
“Tôi sẽ thất bại!” 
“Tôi sẽ thành công, nhưng như thế vẫn là chưa đủ!” 
“Tôi sẽ thành công, nhưng tôi sẽ phải bán cả lương tâm và linh hồn!”
Nghiên cứu còn cho thấy động cơ đạt được thành công của con người rất phức tạp và dựa trên tình cảm nhiều. Hầu hết họ đều muốn có quyền lực và sự thoả mãn, và lý do phổ biến nhất theo điều tra của Stevenson và Nash là muốn thay đổi thế giới! Những người được ngưỡng mộ thường có tiêu chuẩn về đạo đức khá cao, vì thế mà sự thành đạt cần thiết phải có yếu tố đạo đức. Hơn thế nữa, những người thành đạt không hề ngủ quên trong chiến thắng, mà họ luôn luôn tiến lên và tự hoàn thiện mình.
Từ những nghiên cứu ban đầu đó, Stevenson và Nash đã có thể rút ra một vài kết luận về những đặc trưng của thành công bền vững. Ông nói, những người thực sự thành đạt có thể chứng tỏ giá trị và tính riêng biệt của cá nhân mình, họ không muốn ai coi mình là mẫu mực, bởi họ sợ rằng đó không phải là con người thực của họ. Họ nhận thức rõ nhược điểm của mình, và muốn tất cả biết rằng họ cũng có lúc mắc sai lầm hay có những việc họ vẫn chưa làm được, và rằng họ vẫn còn phải nỗ lực nhiều. Những điểm chung nổi bật của những người thành đạt là:
• Họ chỉ đơn giản nhận lấy những cơ hội mà cuộc sống đem lại, họ làm những gì có thể với khả năng của mình
• Họ không mấy khi hối hận, bởi đã tránh được nhiều quyết định có thể khiến họ hối hận sau này.
• Họ luôn tận hưởng cuộc sống thực tại, họ hài lòng với những gì mình có và nhận được trong cuộc sống. Họ có thể mỉm cười khi nhìn hoàng hôn xuống, bởi họ hiểu rõ rằng chỉ vài phút nữa thôi, cảnh huy hoàng ấy sẽ không còn ở trước mắt.
Tóm lại, họ biết cách hài lòng với hiện tại của bản thân.

Thành công bền vững mang lại điều gì?

Theo Stevenson, thành công thực sự sẽ mang lại sự hài lòng khi người ta:
• Đạt được mục đích: bạn có bao giờ lấy của cải, danh tiếng, quyền lực làm thước đo cho những thành tích của mình không?
• Hạnh phúc: bạn có thực sự bằng lòng và thoả mãn với cuộc sống của mình không?
• Được coi trọng, có chỗ đứng: bạn có thể tác động lên người khác bằng những giá trị của bản thân không?
• Để lại cái gì đó cho thế hệ sau: bạn đã bao giờ thổi được những giá trị và thành tựu của mình vào cuộc sống của ai đó nhằm để lại điều gì đó cho cuộc đời chưa?
Những yếu tố trên hoàn toàn khác nhau. Thành tựu đó có thể là trong hiện tại hay trong quá khứ, nhiều người không mấy hài lòng với những gì mình đã đạt được trong quá khứ, và niềm vui đến với họ trong quá trình phấn đấu chứ không phải khi đã đạt được mục đích. Người ta khát khao thực hiện mục đích của mình để có được danh tiếng, quyền lực và niềm kiêu hãnh, nhưng cũng có thể là do sự ganh ghét, tham lam và nỗi sợ hãi thúc đẩy. Như vậy, giá trị của bản thân mỗi người và động lực đưa họ đến thành công cũng góp phần tạo ra giá trị của thành tựu.

3 yếu tố còn lại cũng phức tạp không kém. Nếu lúc nào bạn cũng cảm thấy hài lòng và thoả mãn với cuộc sống, thì bạn phấn đấu để đạt được thành công để làm gì? Một trong những nguyên nhân khiến bạn phải thành công là vì bạn không hài lòng và không thấy hạnh phúc. Và người ta có nên đợi đến cuối đời mới để lại cái gì đó cho đời không?

Vị trí của bạn trong mọi người xung quanh được xây nên từ những gì bạn làm cho người khác, còn thành công thì liên quan đến việc bạn cảm nhận và đánh giá bản thân như thế nào. Nếu bạn nghĩ về hạnh phúc, đó là việc của hiện tại. Hạnh phúc chỉ là của hiện tại, còn những gì bạn để lại là vĩnh viễn, và bạn phải trăn trở để làm được điều đó!

Nhiều người nghĩ rằng con đường đi đến thành công phải trải bằng toàn thành tích và chiến thắng, và rằng càng chiến thắng nhiều thì họ sẽ càng hạnh phúc. Nếu họ đạt được thành công phù hợp, họ sẽ được tôn trọng và đó cũng chính là điều họ để lại trên đời. Nhưng thật khó có thể tìm được một lối đi hoàn hảo đến vậy, hơn nữa, việc thực hiện theo quan niệm của bạn về thành công chỉ bằng một vài hành động cụ thể là không thể.

Một số người mà Stevenson và Nash phỏng vấn đạt được đỉnh cao của thành công khi họ cảm nhận hết những niềm vui và thoả mãn với 4 yếu tố trên. Nhưng đây không phải là dấu hiệu tốt, bởi những yếu tố đó tạo ra những sắc thái tình cảm đối lập mà khi cảm nhận được yếu tố này thì người ta lại bị mất yếu tố kia.

Nếu như tất cả những gì bạn quan tâm là thành công trong nghiệp kinh doanh của mình, thì bạn sẽ khó có thể để lại được điều gì cho những người đi sau, bởi bạn không cho phép họ thất bại hay mắc sai lầm, và chính bạn sẽ là người quyết định mọi việc.
Stevenson so sánh việc này với trò tung hứng. Khi chơi trò này, người chơi phải chú ý đến tất cả những trái bóng trên tay. Thứ hai là, mỗi lần chạm tay vào trái bóng, người đó phải truyền lực cho nó, phải ném nó lên cao, mặc kệ nó trong khi tiếp tục truyền lực cho những trái bóng khác. Việc này đòi hỏi người chơi phải luyện tập rất nhiều. Và một điều cuối cùng, người tung hứng phải bắt được trái bóng rơi xuống, bởi trái bóng quan trọng nhất là trái sẽ rơi xuống đất.

Khi thành công không dễ dàng đạt được

Nguyên nhân của việc này là:
• Không có sự hoà hợp giữa mục đích của bạn với giá trị, niềm tin và những thành tích mà bạn đạt được
• Phụ thuộc quá nhiều vào một điểm mạnh duy nhất, hãy nhớ rằng bạn phải luôn luôn để mắt tới tất cả những trái bóng trên tay!
• Không thể thay đổi để thích nghi với những tình huống mới
• Đặt nhầm trọng tâm: con cái bạn có làm nên thành công cho cuộc đời bạn không? Nhiều người sẽ nói rằng, tôi muốn con cái tôi được hạnh phúc, khi chúng được sung sướng là tôi thấy sung sướng rồi. Nhưng nếu con tôi không thể vào được trường tốt, nó sẽ không thể sung sướng được, và như thế thì tôi không thể hạnh phúc. Đó chính là những người phủ nhận hoàn toàn vị trí của gia đình trong thành công của mình.
Vậy thì, câu hỏi mà Stevenson đưa ra là, trường hợp lý tưởng nhất là gì? Bạn sẽ cảm thấy thoả mãn về mặt nào trong 4 yếu tố đó? Điều đó phụ thuộc vào việc bạn tự đánh giá bản thân mình về 4 mặt đó. Bạn cảm thấy bế tắc và khó khăn về mặt nào? Bao nhiêu lâu bạn thay đổi niềm vui của mình một lần? Nếu bạn nói, thời gian đó là 25 năm, thì bạn sẽ tiếp tục thành công đấy. Còn nếu câu trả lời của bạn là, lúc nào tôi cũng hưởng trọn vẹn tất cả những niềm vui đó, thì bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được cái gì cả. 

Theo thegioimarketing