Kiến thức quản trị Từ Olympics 2012, doanh nghiệp Việt học được gì?

Từ Olympics 2012, doanh nghiệp Việt học được gì?

4
Các chiêu PR trong lễ khai mạc và bế mạc thu hút 4 tỷ lượt người xem truyền hình.
Olympics 2012 vừa kết thúc đã để lại cho chúng ta rất nhiều bài học sâu sắc. Đó là khả năng tổ chức tuyệt vời của người Anh.
Các siêu phẩm trong lễ khai mạc và bế mạc là màn PR tuyệt với của Liên hiệp Anh về đất nước, văn hóa, con người họ đến khoảng 4 tỷ lượt người xem truyền hình trên thế giới. 
Bên cạnh đó, qua kỳ Olympic này, chúng ta cũng thấy được tinh thần thể thao đậm nét trong các môn thi đấu. Những VĐV như Natalia Partyka ở bộ môn bóng bàn, Oscar Pistorius trên đường chạy, hay VĐV “mù” Im Dong- Huyn (chỉ có thị lực 1/10) người Hàn Quốc ở bộ môn bắn cung chính là những ngọn đuốc cháy sáng về tinh thần thi đấu, về khát vọng sống. Và chính những ngọn đuốc ấy đã làm sáng lên tinh thần Olympic truyền thống: một tinh thần vượt khó, một tinh thần đoàn kết, hòa hợp giữa con người với con người. 
Ngoài ra, tinh thần thi đấu trung thực cao thượng (fairplay), tinh thần tôn trọng khán giả, tôn trọng trọng tài, tôn trọng đối thủ, tinh thần minh bạch trong cuộc chơi…, tất cả đã làm nên một Olympic thành công mỹ mãn. 
Bất kỳ ai không tuân thủ tinh thần cao đẹp của cuộc chơi chắc chắn sẽ bị loại (tiêu biểu là 8 vận động viên cầu lông của các nước Châu Á bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia).
Vẫn biết rằng mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng rõ ràng có sự khác biệt rất lớn giữa Olympic và các đại hội thể thao khu vực như SEA Games hay ASIA Games. 
Bài học về tinh thần Olympic cũng là bài học giá trị cho các doanh nghiệp (DN) Việt nam trong hành trình từ “ao làng” ra “biển lớn”. Cụ thể:

Bài học về tinh thần tôn trọng 
Khi các DN Việt Nam có kế hoạch vươn ra thị trường nước ngoài thì yếu tố tôn trọng luật pháp, tôn trọng văn hóa, con người và tôn trọng đối thủ cạnh tranh ở thị trường mới là yếu tố tiên quyết đảm bảo đưa DN đi đúng hướng và phát triển. Đồng thời phải đảm bảo hài hòa lợi ích của DN với lợi ích của cộng đồng nơi DN mình đặt cơ sở kinh doanh. Như Tôn Tử từng nói: “Biết mình biết người” thì mới “trăm trận trăm thắng”.

Bài học về tính trung thực minh bạch 
Việt Nam đã gia nhập sân chơi toàn cầu là WTO, đang đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nghĩa là chúng ta phải chấp nhận và tuân thủ luật chơi trong đó yếu tố minh bạch và trung thực được đặt lên hàng đầu. Có như vậy thì sự phát triển của DN từ “ao làng” ra “biển lớn” mới bền vững được.
Minh bạch trong hoạt động bao gồm: chiến lược, kế hoạch kinh doanh rõ ràng; minh bạch trong công bố thông tin, trong báo cáo tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh. 
Phải xác định rõ ràng: minh bạch hay là phá sản? Và phải có cơ chế giám sát và thực hiện việc tuân thủ cơ chế minh bạch một cách chặt chẽ. Bài học của HSBC và Standard Chater gần đây bị Mỹ khui ra hàng loạt hoạt động tiếp tay cho tội phạm trong hoạt động rửa tiền và đang đối mặt với án phạt nặng của Mỹ là ví dụ tiêu biểu cho chúng ta tham khảo.

Bài học về tinh thần đoàn kết, vượt khó để vươn ra biển lớn
Vẫn biết rằng để vươn mình ra biển lớn thì sẽ phải đối mặt với nhiều con sóng lớn, thậm chí cả sóng thần. Chắc chắn DN Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức không chỉ trong cạnh tranh mà còn về môi trường kinh doanh, về văn hóa, về luật lệ và về nguồn lực. 
Tuy nhiên chúng ta dám ước mơ và có kế hoach biến ước mơ của mình thành hiện thực. Muốn đạt được điều đó thì tinh thần đoàn kết tập hợp được trí tuệ và nguồn lực quan trọng nữa là tinh thần dám vượt khó.
Cá nhân tôi tin rằng con người Việt, trí tuệ Việt và DN Việt hội đủ các yếu tố này để sẵn sàng vươn mình ra biển lớn trong tương lai gần.

Theo MBA. Bùi Mạnh Thắng