Kiến thức quản trị Bí quyết “tề gia” trong văn hóa doang nghiệp

Bí quyết “tề gia” trong văn hóa doang nghiệp

4
Người xưa có câu “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” với ý nghĩa muốn làm được việc lớn thì phải ổn định việc nhà trước. Trong kinh doanh cũng vậy, muốn “đối ngoại” tốt thì nhà quản trị trước tiên phải “tề gia”, tức “đối nội” giỏi.
Quả thực, “đối nội” sao cho khéo để nhân viên yêu quý công ty như gia đình, hết lòng vì công việc cũng là một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp (DN). Chìa khóa thành công chính là việc xây dựng văn hóa DN.
Chắc móng thì vững nhà 
Kỳ thực, đáp án cho bài toán “đối nội” nằm ở sự tương đồng giữa những giá trị nền tảng của công ty và những giá trị mà nhân viên theo đuổi. Nói cách khác, đó chính là sự hòa hợp giữa văn hóa DN và từng thành viên trong công ty. Vậy văn hóa DN là gì? 
Có thể hiểu nôm na văn hóa DN là hệ thống những giá trị mà toàn thể thành viên DN cùng chia sẻ, chấp nhận, đề cao và ứng xử theo nhằm thực hiện sứ mệnh mà DN theo đuổi.

Những giá trị bất thành văn đó được thể hiện ra bên ngoài qua triết lý kinh doanh của công ty, hay các quy tắc ứng xử giữa các thành viên trong công ty với nhau và qua cả những yếu tố hữu hình như môi trường làm việc, cơ sở vật chất, đồng phục hay ấn phẩm truyền thống của công ty. 
Các chuyên gia quản trị đều khẳng định văn hóa DN chính là tài sản vô hình quý giá góp phần tạo nên thành công cho DN. Có thể ví von văn hóa DN như là phần móng của một căn nhà, tuy “vô hình” nhưng lại có ảnh hưởng to lớn. Chắc móng thì mới vững nhà!

Theo một khảo sát tại Mỹ cho thấy một DN tuân thủ và thực hiện văn hóa DN một cách chính đáng có thể làm gia tăng giá trị DN tới 200%. Đối với nhân viên, văn hóa công ty đôi khi giống như một cái “mỏ neo” vững chắc khiến cho nhân viên tự “trói” mình vào sự sống còn của DN. 
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trên thế giới như hiện nay, tại nhiều công ty, nhân viên sẵn sàng chia sẻ khó khăn với DN, chấp nhận giảm lương, tăng giờ làm… cùng chia sẻ khó khăn, giúp DN “vượt khó”. Có được điều đó là vì cái tình của nhân viên với DN được vun đắp bởi văn hóa của công ty.
Những vết xe đổ cần tránh
Thực tế cho thấy, việc tìm ra “cái mỏ neo đúng nghĩa” giữ nhân viên làm việc ổn định và hiệu quả, giúp cho DN phát triển bền vững vẫn đang là niềm trăn trở của nhiều doanh nhân. Mỗi DN sẽ có hướng đi riêng trong việc xây dựng văn hóa công ty, tuy nhiên, cần tránh những “vết xe đổ” phổ biến sau:

1. Chiến lược kinh doanh tốt là đủ: Đa phần những người làm kinh doanh đều đề cao việc xây dựng một chiến lược kinh doanh tốt hơn là xây dựng văn hóa công ty. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Trường Kinh tế học London (London School of Economics), văn hóa có ảnh hưởng đến các yếu tố tạo nên sự thành công của chiến lược kinh doanh gấp 8 lần so với bản thân chiến lược kinh doanh.

Nói cách khác, thành công của DN được quyết định bởi yếu tố con người, mà trong đó văn hóa là sợi dây vô hình gắn kết tạo nên sức mạnh cho DN chứ không phải là yếu tố vốn hay kỹ thuật. Một khi những giá trị và niềm tin chuyển tải qua văn hóa công ty được chia sẻ giữa DN và nhân viên thì nó sẽ trở thành động lực thúc đẩy từng nhân viên làm việc hết mình vì sự thành công của DN.

Rõ ràng chiến lược kinh doanh tốt là chưa đủ đối với sự phát triển bền vững của DN. Nhà quản trị cần phải nhớ “tề gia” trước khi tính đến chuyện “bình thiên hạ”.

2. “Bất chiến tự nhiên thành”: Trên thực tế, một số nhà quản trị cho rằng văn hóa công ty tự nhiên sẽ hình thành sau quá trình xây dựng công ty. Điều này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, để văn hóa DN trở thành công cụ quản lý hiệu quả thì không hề có chuyện “bất chiến tự nhiên thành”, mà nó là kết quả của nhận thức và quyết tâm của lãnh đạo công ty.

Văn hóa DN vững mạnh ở những công ty hàng đầu thế giới như Google, Wal-Mart hay Apple đều là kết quả của những định hướng kỹ lưỡng, và sự đầu tư dài hạn cùng với dấu ấn của những nhà lãnh đạo. Nếu không được xây dựng và tổ chức tốt, văn hóa tự bản thân nó sẽ trở thành chướng ngại chứ không phải là động lực cho sự thành công của công ty. 

3. Người thắp lửa không biết giữ lửa: Nhà quản lý DN với vai trò đầu tàu phải là những “kiến trúc sư” xây dựng và phát triển văn hóa DN. Hơn ai hết, chính họ là những người hiểu DN mình nhất, biết được đích xác những giá trị nào là nền tảng cho sự phát triển bền vững của DN để từ đó hình thành nên sứ mệnh hay tầm nhìn định hướng cho DN.

Mặt khác, lãnh đạo còn phải nêu gương: tuân theo và làm đúng những gì họ đã cam kết trong văn hóa DN. Có như thế, nhân viên càng xác lập sự tin tưởng đối với công ty và nhà quản lý.

Thế mới biết, lãnh đạo DN là người thắp lửa thì cần phải là người giữ lửa, chứ không nên “khoán trắng” việc xây dựng văn hóa DN cho bộ phận nhân sự hoặc nhà tư vấn.

4. Sao chép thành công: Văn hóa DN cũng không thể cắt dán, sao chép của DN này áp dụng cho một DN khác. Nhà quản trị có thể tham khảo, nghiên cứu tầm nhìn hay văn hóa của những công ty khác nhưng không thể sao chép chúng.

Vì nếu các giá trị nền tảng không xuất phát từ chính “tâm” của DN, tuyên bố những gì không phải là mình thì sẽ dễ đánh mất niềm tin nơi khách hàng, đối tác và thậm chí là chính nhân viên công ty cũng không cảm thấy tự tin với những gì tuyên bố. Đơn giản là vì nó không phải là chính mình. 

5. Xây dựng văn hóa theo kiểu chỉ tay năm ngón: Trong suy nghĩ lẽ thường của nhiều doanh nhân, văn hóa DN là của DN. Nhưng nghĩ kỹ thì nhân viên mới chính là “ADN” của văn hóa công ty.

Những giá trị thật sự của công ty là những giá trị mà nhân viên mang đến nơi làm việc và cùng chia sẻ với nhau. Người lãnh đạo là điều kiện cần còn nhân viên chính là điều kiện đủ để văn hóa DN định hình và phát triển.

Vì thế, nếu xây dựng văn hóa công ty theo kiểu “chỉ tay năm ngón” không chóng thì chày sẽ “xôi hỏng bỏng không”. Văn hóa công ty cần được hình thành qua con đường “từ trái tim đến trái tim”. 
Để làm được điều này nhà quản trị cần phải thật sự xây dựng những chính sách nhân sự lấy nhân viên làm trung tâm. Bên cạnh đó, một hệ thống truyền thông nội bộ hiệu quả nhằm giúp mọi nhân viên hiểu rõ các giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, tầm nhìn của công ty cũng như bản chất công việc mà nhân viên đảm nhiệm sẽ hỗ trợ việc định hình văn hóa công ty.

Một khi các giá trị bản thân của nhân viên và văn hóa công ty tìm được tiếng nói chung thì chắc chắn nhân viên đó sẽ là tài sản tạo ra giá trị gia tăng bền vững cho DN

Theo Nhuongquyenvietnam