Tin tức Hướng dẫn doanh nghiệp SME chuyển đổi số để bứt phá trong...

Hướng dẫn doanh nghiệp SME chuyển đổi số để bứt phá trong bối cảnh mới

248

Sáng 24/6/2022, Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội (HanoiBA) phối hợp cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) thực hiện chương trình CEO Exchange 02 – 2022 với chủ đề Hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp SME – 26 lĩnh vực ngành nghề.

Chương trình có sự tham dự của:

  • Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch HanoiBA, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần MISA;
  • Ông An Ngọc Thao, Phó Tổng thư ký VINASA
  • Ông Lâm Quang Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng xây dựng Khung Chuyển đổi số, Chủ tịch Công ty Cổ phần Giải pháp Quản lý SSG
  • Ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần MISA
  • Ông Cao Hoàng Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại & Phát triển Công nghệ FSI
  • Ông Nguyễn Minh Quý – Co Founder & CTO Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo
Chương trình CEO EXCHANGE 02 – 2022 với sự tham dự của những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực CNTT

Phát biểu tại chương trình, Ông Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, tại Việt Nam hiện nay có hơn 90% doanh nghiệp không biết cách làm như thế nào để chuyển đổi số, 72% doanh nghiệp không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, 69% doanh nghiệp không biết chọn giải pháp nào, nhà cung cấp nào uy tín để hỗ trợ chuyển đổi số nhanh chóng, hiệu quả. Xuất phát từ dữ liệu khảo sát thực tế này, VINASA đặt ra mục tiêu xây dựng bộ giải pháp, tài liệu hướng dẫn các doanh nghiệp giải quyết được những vấn đề nan giải trong quá trình chuyển đổi số.

“Hơn 20 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam như MISA, FSI, Sapo, SSG, Viettel, FPT,…đã tập hợp lại trong suốt 3 tháng để cùng nhau xây dựng lên bộ khung chuyển đổi số cho từng ngành nghề. Đến thời điểm hiện tại đã xây dựng được bộ khung chuyển đổi số cho 26 ngành nghề như F&B, bất động sản, sản xuất, thương mại, xây dựng,…Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng bộ khung chuyển đổi số cho các ngành nghề mới  để giúp doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số 1 cách nhanh chóng, hiệu quả nhất”, ông Hoàng chia sẻ. 

Ông Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội (HanoiBA)

Theo đó, việc xây dựng bộ khung chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp doanh nghiệp định vị được vị trí của mình trên hành trình chuyển đổi số. Từ đó tìm kiếm những giải pháp để đưa doanh nghiệp phát triển và tạo ra những đột phá mạnh mẽ. Đồng thời, bộ khung chuyển đổi số còn hướng dẫn cho các SME lựa chọn sử dụng công cụ phần mềm phù hợp để áp dụng vào lộ trình chuyển đối số.

Nội dung khung chuyển đổi số cho SME bao gồm 4 phần. Thứ nhất là Tổng quan ngành. Trong đó bao gồm thống kê thị trường, các loại hình doanh nghiệp và xu hướng phát triển ngành. Thứ 2 là phân chia các cấp độ chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Thứ ba là đưa ra các giải pháp, dịch vụ số cơ bản và thứ 4 là các kỹ năng công nghệ cần đào tạo.

Bộ khung Chuyển đổi Số cho SME

Cụ thể, quá trình chuyển đổi số được chia thành 3 cấp độ từ thấp đến cao để doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện từng bước. Cấp độ 1 – Sẵn sàng. Đây là giai đoạn doanh nghiệp có thể chuyển đổi số những hoạt động kinh doanh thiết yếu. Cấp độ 2 – Tăng trưởng. Đây là giai đoạn doanh nghiệp tự động hóa những hoạt động sản xuất kinh doanh. Cấp độ 3 – Đột phá. Đây là cấp độ cần sử dụng dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu để giúp doanh nghiệp có thể khám phá ra thị trường mới, sản phẩm mới.

Đối với mỗi cấp độ sẽ chia thành 2 loại giải pháp. Thứ nhất là giải pháp cơ bản. Đó là giải pháp mà doanh nghiệp nào cũng cần phải sử dụng như Tài chính – Kế toán, Kinh doanh – Marketing, Nhân sự,… Thứ 2 là giải pháp chuyên dụng được xây dựng mang tính chuyên biệt dành cho các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Theo ông Lâm Quang Nam, bộ khung chuyển đổi số cho 26 ngành nghề này không phải ngẫu nhiên mà được lựa chọn căn cứ vào quá trình các doanh nghiệp công nghệ thông tin từng có thời gian triển khai dịch vụ chuyển đổi số cho các ngành này. Từ sự hiểu biết và kinh nghiệm đó, các chuyên gia đúc rút xây dựng nên khung chuyển đổi số.

Ông Lâm Quang Nam – Phó Chủ tịch Hội đồng xây dựng Khung Chuyển đổi số, Chủ tịch Công ty Cổ phần Giải pháp Quản lý SSG

Ông Nam cũng nhấn mạnh, để chuyển đổi số, trước tiên các SME cần phải có tinh thần chủ động bao gồm: chủ động chọn lựa giải pháp, chủ động đánh giá lại công việc mình đang làm để sắp xếp việc cần làm trước và những vấn đề cần cải thiện. Thứ 2 là doanh nghiệp có thể sử dụng bộ khung chuyển đổi số đã được đăng tải lên website của VINASA để tự đánh giá xem doanh nghiệp mình đang ở cấp độ nào. Và cuối cùng là tham khảo tư vấn từ các chuyên gia.

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia cũng lần lượt chia sẻ một số giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp như nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS giúp chuyển đổi số hoạt động quản trị doanh nghiệp cho SME; Giải pháp quản lý bán hàng Sapo giúp các doanh nghiệp bán lẻ nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh; Hệ thống tự động hóa doanh nghiệp WEONE giúp quản trị và điều hành doanh nghiệp tự động từ xa và toàn diện từ nhân sự cho đến quy trình làm việc.

Chia sẻ về nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS, ông Lê Hồng Quang cho biết đây là bộ giải pháp thuộc cấp độ cơ bản mà mọi doanh nghiệp đều cần sử dụng. MISA AMIS là nền tảng quản trị toàn diện nhất cho doanh nghiệp xoay quanh 4 mảng cốt lõi: Tài chính, Kinh doanh, Nhân sự và Điều hành.

Ông Lê Hồng Quang – Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần MISA

“Trong quá trình triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy 3 vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp thường gặp phải đó là: Hệ thống ERP có đầy đủ chứng năng và chi phí cao chưa phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các giải pháp riêng lẻ trên thị trường thì phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ tuy nhiên không đảm bảo theo suốt được quá trình phát triển của doanh nghiệp. Mặt khác, phần lớn các giải pháp riêng lẻ không kết nối được với nhau gây khó khăn trong quá trình tổng hợp và ảnh hưởng đến quyết định điều hành doanh nghiệp”, ông Quang phân tích.

Bởi vậy, nền tảng MISA AMIS được xây dựng để giải quyết ba bài toán lớn mà các SME gặp phải khi ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số

Ông Cao Hoàng Anh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại & Phát triển Công nghệ FSI
Ông Nguyễn Minh Quý – Co Founder & CTO Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo

Đặc biệt, hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ không cần đầu tư hạ tầng và chuyên trách CNTT vì đã có các bên tư vấn giải pháp, hạ tầng số cho thuê, hạ tầng phần mềm. VINASA và HanoiBA cam kết sẽ cùng các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực CNTT tiếp tục phát triển thêm bộ khung chuyển đổi số dành cho các ngành nghề khác và sát cánh cùng SME tạo nên đột phá trong hành trình chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.