Tin tức lưu trữ TT Phát triển Phần mềm “Đổi máu thay da” với CMMi

TT Phát triển Phần mềm “Đổi máu thay da” với CMMi

5
Tháng 7 năm 2010, Trung tâm Phát triển Phần mềm (TT PTPM) MISA, đã chính thức bắt tay vào xây dựng và áp dụng chuẩn CMMi nhằm cải thiện năng lực sản xuất phần mềm của công ty. Với mục tiêu năm 2011, MISA sẽ đạt đến chuẩn CMMi mức độ 3, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem, họ, những người phát triển phần mềm MISA, đang “làm CMMi” như thế nào?

CMMi là gì?

CMMi viết tắt cho Capability Maturity Model Integration (Mô hình trưởng
thành năng lực tích hợp), là một bộ những hướng dẫn và kinh nghiệm thực
tế (best practice) của các chuyên gia và tổ chức hàng đầu trong lĩnh
vực phát triển, cải tiến hoặc đánh giá các quy trình của những tổ chức
sản xuất phần mềm hoặc có liên quan đến phần mềm.

Mô hình này đã được Viện Kỹ nghệ phần mềm (SEI) của Mỹ bắt đầu phát
triển từ những năm 80, theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ về việc phải có
cách thức đánh giá năng lực của các nhà thầu cung cấp phần mềm cho
chính phủ Mỹ.

Mô hình CMMi không đưa ra chính các quy trình, mà đưa ra chỉ dẫn cho các
công ty để họ có thể tự mình xây dựng và cải tiến hiệu quả của các quy
trình làm việc của họ.


Tại sao MISA làm CMMi?

Với tôn chỉ lấy khách hàng làm trung tâm cho mọi hoạt động và việc thỏa mãn nhu cầu khách hàng là điều sống còn, MISA không ngừng tìm tòi và học những cách nghĩ, cách làm tiên tiến mà thế giới đã thành công để áp dụng vào hoạt động của mình. Với chuẩn CMMi, nhiều quốc gia có ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số phát triển trên thế giới từ lâu đã coi việc áp dụng là điều kiện cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh. Nắm bắt được những lợi ích của nó, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, trong đó có MISA đang đẩy mạnh việc áp dụng chuẩn CMMi trong công tác sản xuất phần mềm.

Việc triển khai chuẩn CMMi sẽ giúp cho công tác phát triển phần mềm của MISA đi vào quy củ, tính công nghiệp cao hơn và cải thiện năng lực của công ty, đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng thời nâng cao thương hiệu phần mềm MISA.

MISA làm CMMi như thế nào?

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có hai kiểu làm CMMi:

*Một là kiểu “luyện thi”: Kiểu này được áp dụng rộng rãi trên thế giới với những công ty làm dịch vụ outsourcing. Họ thường bắt đầu bằng việc làm tài liệu các quy trình được CMMi mô tả, cố ép một số dự án trong công ty thực hiện các quy trình này, rồi mời một hãng được SEI ủy quyền đến đánh giá, mong sao có thể nhanh chóng công bố “Chúng tôi đã đạt CMMi mức 3!” hoặc “Chúng tôi là công ty CMMi mức 5 đây!”. Những công bố ấy sẽ có thể giúp họ có thêm được nhiều khách hàng, nhưng nhiều kĩ sư trong công ty của họ sẽ coi các quy trình được đưa ra là không cần thiết hay không thích hợp.

*Hai là kiểu “học thật, hành ngay”: Theo cách này, “cải tiến quy trình” không phải chỉ là làm tài liệu cho chúng mà là dùng những “best practice” đã tồn tại ở công ty, hay ở đâu đó khác, để tích hợp “con người, nhiệm vụ, và công cụ” với nhau nhằm giải quyết vấn đề và đạt tới kết quả đặc biệt. Cho nên, cải tiến quy trình trở thành cải tiến của nhiều khía cạnh then chốt của tổ chức, chứ không chỉ là làm và phổ biến tài liệu quy trình.

Không nhằm mục đích “lấy chứng chỉ”, mà quyết tâm “thay đổi để phát triển”, để phần mềm của MISA thực sự và không ngừng là “Phần mềm phổ biến nhất, dễ sử dụng nhất, chuyên nghiệp nhất”, MISA đang từng bước và triệt để áp dụng những chỉ dẫn của CMMi để thể lệ hoá quy trình cho các hoạt động sản xuất, quản lý, đào tạo tại TT PTPM. Không chỉ chú trọng thể lệ hóa quy trình, MISA còn chú trọng cải tiến đồng bộ hai khía cạnh then chốt khác: con người và công cụ.

Về mặt con người: Các hoạt động đào tạo được đầu tư thực hiện dưới nhiều hình thức: đào tạo tập trung, đào tạo qua sinh hoạt câu lạc bộ, đào tạo qua trang E-Learning nội bộ, đào tạo qua hướng dẫn trực tiếp trong công việc. Các hoạt động tuyển dụng, đánh giá nhân viên thử việc, đánh giá nhân viên chính thức,… cũng đang được thực hiện chuẩn tắc hơn.

Về mặt công cụ: MISA đã đầu tư sử dụng công cụ Visual Studio 2010 Team Foundation Server (TFS) của hãng Microsoft. TFS là hệ thống quản lý vòng đời phần mềm tích hợp tất cả trong một: lưu trữ, chia sẻ mã nguồn, quản lý kế hoạch kiểm thử, quản lý lỗi, giao việc, theo dõi tình trạng chất lượng và tiến độ dự án… Ứng dụng TFS, các thành viên đội phát triển có thể cộng tác trực tuyến, kết hợp liên hoàn chức năng, theo những mẫu quy trình thông minh được TFS dựng sẵn tại mỗi thời điểm trong vòng đời phát triển phần mềm.

Như vậy, MISA chủ trương làm CMMi theo cách cải tiến toàn diện và ngay lập tức cả 3 khía cạnh then chốt: Quy trình, Con người và Công cụ của TT PTPM. Chủ trương này đặt TT PTPM vào một thách thức thay đổi cùng cơ hội phát triển lớn chưa từng có.