Chiến lược Tuyển người nhanh, nhiều mà vẫn hiệu quả!

Tuyển người nhanh, nhiều mà vẫn hiệu quả!

20
Tuyển người tài chưa bao giờ dễ, chứ đừng nói chi đến việc tuyển đến 300 người chỉ trong vài tháng. Đó là hoàn cảnh ngặt nghèo mà doanh nghiệp chuyên bán hàng giảm giá trực tuyến LivingSocial gặp phải. Trong 8 tháng đầu năm, công ty đã phải tìm thuê thêm đến 320 người, và dự tính nâng tổng số nhân viên lên 500 vào cuối năm. Chính CEO kiêm nhà đồng sáng lập Tim O’Shaughnessy thấy rằng đó là: “Sự tăng trưởng nhân sự điên rồ”.
Tuyển dụng nhiều với tốc độ chóng mặt như vậy sẽ gặp nhiều thử thách, nên LivingSocial phải tạo hệ thống và chiến lược thuê tuyển của riêng mình. Tim cho biết: “Chúng tôi đã thành lập văn hóa doanh nghiệp tuyệt vời. Nhưng khi thêm vào thật nhiều người trong khoảng thời gian ngắn như vậy, thì phải tìm ra cách vừa duy trì văn hóa doanh nghiệp vừa bảo đảm doanh nghiệp tiến triển mạnh mẽ xứng với tiềm năng”.
LivingSocial đang hoạt động trong ngành “nóng” của thời đại. Công ty 3 năm tuổi này bắt đầu là nhà phát triển ứng dụng cho Facebook, và bây giờ chuyển sang cạnh tranh với những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mua nhóm trực tuyến (ví dụ như giảm 50% giá vé massage cho nhóm người mua trong khoảng thời gian quy định)… LivingSocial kết hợp hoạt động với những doanh nghiệp địa phương. Và thị trường dịch vụ mua nhóm đang tăng trưởng nhanh và đầy cạnh tranh.
LivingSocial đã quyên được 44 triệu USD đầu tư mạo hiểm để mở rộng phát triển, bao gồm việc lập thêm những văn phòng bán hàng tại 80 thành phố khắp Bắc Mỹ và 1 tại London. Mỗi văn phòng cần những nhân viên địa phương có thể kết nối với các doanh nghiệp nhỏ trong khu vực để tìm sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho khách mua hàng.
Nước Mỹ rộng lớn. Tim thấy rằng điều khó khăn nhất là tìm nhân viên từ những vùng xa khỏi đại bản doanh mà vẫn phải đáp ứng văn hóa LivingSocial. Đầu tiên, công ty liên kết với những nhà tuyển dụng địa phương để chọn khoảng 5 đến 10 ứng cử viên cho mỗi vị trí nhân sự. Sau đó là phỏng vấn qua điện thoại và cuối cùng thì các quản lý của LivingSocial sẽ bay đến tận nơi để phỏng vấn tuyển người trực tiếp.

Tim cho biết: “Tôi mong mọi người sẽ thấy thoải mái và tin tưởng mình để không ngại gặp gỡ và trao đổi trong quá trình làm việc và cống hiến cho doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, theo giám đốc nhân sự của LivingSocial Alan Clifford, thì ngay từ vòng đầu, nhà tuyển dụng địa phương cũng làm không xong, vì không nắm vững thông tin và văn hóa LivingSocial. Vậy nên, có nhiều lúc các lãnh đạo công ty không hài lòng bất cứ người nào trong số các ứng cử viên và phải trở về tay trắng hoặc bay tới bay lui nhiều lần. Nhận thấy tiến độ thuê tuyển quá chậm, Clifford quyết định thay đổi: đem mọi người đến với doanh nghiệp.
Hiện giờ, cách LivingSocial thuê tuyển nhân sự là sau khi ứng cử viên trải qua từ 3 đến 6 lần phỏng vấn điện thoại sẽ được công ty trả phí bay đến đại bản doanh ở D.C để được quản lý phòng nhân sự và những phòng khác trực tiếp phỏng vấn nhiều vòng.
Dù tốn thời gian, nhưng Tim tin rằng đáng để thực hiện. Clifford dùng công cụ trực tuyến Jobvite và bảng tính được e-mail để lên lịch phỏng vấn và ghi lại nhận xét về các ứng cử viên.
Mọi ứng cử viên đều phải bị nhóm “cảnh sát văn hóa” phỏng vấn, để bảo đảm họ có thể hòa nhập với tập thể LivingSocial. Một trong những “kẻ gác cổng” là CFO Jake Maas, nhân viên thứ 5 gia nhập LivingSocial, từ những ngày đầu. Maas cho biết: “Tôi nhắm đến những người có cùng triết lý kinh doanh như những nhà sáng lập đây… Tôi muốn cùng làm việc với những thành viên có thể làm việc nhóm và có khao khát tạo đột phá”.
Hiện tại, chi phí đi lại trong quá trình thuê tuyển rất cao, nhưng Maas tin rằng đáng để đầu tư. Vì ban đầu càng gắt thì về sau người nhân viên càng gắn bó với LivingSocial. Đỡ tốn tiền thuê tuyển lại. Anh tự tin cách làm hiện tại là hiệu quả nhất vì có thể “thuê những người đúng ý nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất”.
Điều quan trọng hơn thuê tuyển chính là gắn kết tập thể rộng lớn xa cách về mặt địa lý. Đó là lý do công ty thường tổ chức các lớp huấn luyện cho nhân viên mới ở đại bản doanh. Thỉnh thoảng vài tuần một lần, CEO Tim còn dùng cơm trưa thân mật với nhóm các nhân viên mới.
Tim tin tưởng: “Điều quan trọng là giúp những nhân viên hứng thú làm việc và đóng góp cho thành công của công ty. Đó là bảo đảm cho sự phát triển trường tồn của LivingSocial”.
Tim còn có một chiêu bài dụ nhân viên nữa là kem. Gần đây, anh đặt tủ lạnh trong văn phòng, và luôn chất đầy kem. Anh tiết lộ chiêu bài này là của một giáo sư ngày xưa, có tủ kem để dụ sinh viên đến văn phòng.
Tim cho biết: “Tôi mong mọi người sẽ thấy thoải mái và tin tưởng mình để không ngại gặp gỡ và trao đổi trong quá trình làm việc và cống hiến cho doanh nghiệp”.
“Tôi đến phòng làm việc của anh Tim từ ngày thứ hai đi làm và chia sẻ vài ý tưởng. Rồi anh chỉ cho tôi ai đang đảm nhận phần việc đó và khuyến khích tôi đến bàn bạc với họ để có thể thực hiện sâu sát hơn”, thành viên nhóm phát triển kinh doanh Laura Kennedy kể.
Những nhân viên ở các thành phố xa dĩ nhiên không có kem. Nhưng thay vào đó, Tim tổ chức trò chuyện trực tuyến mỗi chiều thứ Sáu. Sau khi các trưởng ban báo cáo tình hình hoạt động trong 5, 10 phút, thì Tim và những quản lý cấp cao trả lời trực tiếp từng thắc mắc của các nhân viên. “15, 30 phút đó là cách chúng tôi giúp những nhân viên làm việc xa trụ sở chính có cảm giác họ ở ngay bên chúng tôi đây, gần gũi và gắn kết hơn”.
Để đoàn kết tập thể hơn nữa, LivingSocial còn tổ chức hội nghị bán hàng toàn quốc vào tháng 7 qua, tài trợ cho tất cả nhân viên bay đến D.C để cùng thảo luận chiến lược hoạt động 6 tháng tiếp theo. Rồi đến tháng 8, công ty tổ chức LivingSocial Olympics, là sự kiện mà tất cả những nhân viên ở D.C, hầu hết đều tầm 30 tuổi, đến tập trung tại một sân chơi lớn để ăn thịt nướng ngoài trời và thi tài trong chuỗi những trò chơi vận động team building.
Tim tin tưởng: “Điều quan trọng là giúp những nhân viên hứng thú làm việc và đóng góp cho thành công của công ty. Đó là bảo đảm cho sự phát triển trường tồn của LivingSocial”.

Theo LHDN