Con người “Kẻ thù”công sở phải đối phó thế nào?

“Kẻ thù”công sở phải đối phó thế nào?

2
Thật khó có thể khiến tất cả mọi người trong văn phòng yêu quý bạn. Đôi khi kể cả bạn không làm gì sai trái vẫn có đồng nghiệp coi bạn như “cái gai trong mắt”. Sự bất đồng với họ sẽ khiến bạn khó khăn và mệt mỏi hơn.
Bạn không nhất thiết phải tỏ thái độ đối nghịch hoàn toàn hay tỏ ra khúm núm trước anh/cô ấy nhưng tốt nhất hãy tìm cách hoà hợp, hạn chế mâu thuẫn gia tăng. Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp bạn thoải mái và kiểm soát tình huống một cách tốt nhất:
Tìm kiếm đồng minh
Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và dễ chịu hơn nếu có thể tìm được một người cùng chia sẻ những nỗi niềm về “kẻ thù” công sở. Hãy để ý xung quanh xem người có cùng đạo đức và tư tưởng giống bạn. Đồng nghiệp này cũng từng rơi vào tình huống bị “kẻ thù” công sở cướp công và thường tránh việc phải làm chung một dự án với anh/cô ấy giống như bạn. Trên hết, đây phải là người đáng tin cậy. Có một người cùng cảnh ngộ với mình còn giúp bạn có người chứng minh và bảo vệ mình khi có mâu thuẫn lớn xảy ra.
Không nói xấu “kẻ thù”
Khi có đồng minh, bạn dễ dàng rơi vào tình trạng như mình đã có chỗ dựa và muốn công khai “tuyên chuyến với “kẻ thù” công sở bằng cách nói xấu họ mọi lúc mọi nơi. Làm như vậy, bạn cũng trở thành một người xấu tính giống “kẻ thù” của mình. Thay vào đó, hãy hít thở thật sâu và kiềm chế mọi lời tức bực của mình.
Khi chia sẻ vấn đề này với sếp cũng vậy, hãy thể hiện sự bình tĩnh và khách quan. Tuy nhiên, chia sẻ về mối quan hệ không mấy tốt đẹp của mình với đồng nghiệp cùng cấp trên cũng không phải là giải pháp hay. Đối với những người quản lý và công ty nói chung, họ chỉ quan tâm tới chất lượng công việc của nhân viên. Vấn đề cá nhân của bạn với đồng nghiệp thậm chí không nằm trong danh sách ưu tiên của họ.
Tập trung vào công việc
Nếu chỉ mải chăm chăm vào sự bất đồng với kẻ thù, tìm cách “hạ bệ” anh/ cô ấy mà lơ là công việc, bạn đã giúp chính “kẻ thù” công sở đạt được mục đích của mình. Bạn nên tập trung hoàn thành công việc thật tốt.
Hãy tươi cười và “hạ gục” họ bằng những lời tán dương, sự yêu quý của sếp, đồng nghiệp khác vì chất lượng công việc xuất sắc của bạn. Chỉ lên tiếng bảo vệ bản thân nếu đồng nghiệp xấu tính kia có lời nói, hành động xúc phạm hay cản trở công việc của bạn. Hãy để mọi người thấy rằng bạn không làm gì sai cả và sự ganh ghét của đồng nghiệp kia chỉ là từ một phía.