Đào tạo Làm thế nào để nắm bắt tâm lý nhân viên

Làm thế nào để nắm bắt tâm lý nhân viên

137
Một cái bắt tay, một cái vỗ vai thân tình của sếp đối với nhân viên là điều không khó. Thế nhưng nhiều sếp coi đó là việc vớ vẩn, mất thời gian. Vô tình, họ đã tạo ra khoảng cách với nhân viên, những người luôn mong muốn mình được thừa nhận, được tôn trọng, được động viên, khích lệ.

Động viên một cách trực tiếp

Việc động viên trực tiếp được coi là một công cụ rất hữu hiệu để khuyến khích, chia sẻ với người lao động, kéo họ xích lại gần mình hơn.

Tâm lý chung của các nhân viên thường là có cái gì đó e dè, ngại ngùng khi tiếp xúc trực tiếp với “sếp”. Dường như có một rào cản vô hình nào đó giữa nhân viên với “sếp”. Là sếp, bạn sẽ phải là người chủ động xóa bỏ cái rào cản ấy. Để làm được việc này hoàn toàn không khó, chỉ cần bạn thực sự quan tâm đến nhân viên của mình.

Hãy tự hỏi rằng mình có hòa đồng cùng anh em không? Mình có kiệm lời khen ngợi nhân viên không? Những buổi liên hoan hay du lịch dã ngoại là một hình thức giúp bạn “vi hành” vào thế giới thật của cộng đồng nhân viên của mình. Ở đây, bạn hãy sống thật, thể hiện mình là một người rất hòa đồng. Cũng chỉ có ở đây, bạn sẽ có điều kiện tốt nhất để tìm hiểu và chia sẻ một cách trực tiếp mọi buồn vui với từng người.

Chia sẻ thông tin

Anh Cường, Giám đốc một công ty chuyên kinh doanh thiết bị công nghiệp cho biết: “Mình luôn chia sẻ mọi thông tin với nhân viên. Qua đó, mọi người đều biết rõ tình hình kinh doanh của công ty, kể cả những lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi. Mọi người sẽ hiểu và đồng lòng cùng mình vượt qua nhũng giai đoạn khó khăn. Đương nhiên, sẽ có ý kiến cho rằng nếu thông tin kinh doanh tốt thì không sao, nhưng liệu doanh số bán hàng đi xuống, công ty làm ăn thua lỗ có gây ra tâm lý chán nản đối với nhân viên không? Mình không nghĩ vậy, nếu bạn thật sự quan tâm đến nhân viên, sẵn sàng chia sẻ mọi điều thì họ sẽ tự thấy rằng mình cần phải làm gì để công ty vượt qua khó khăn”.

Ngoài ra, bạn cũng cần xây dựng mối quan hệ giữa người với người trong doanh nghiệp, bao gồm tinh thần tôn trọng, tin tưởng, hỗ trợ lẫn nhau, cùng chung sức. Đó chính là môi trường làm việc thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau của mọi thành viên trong một tổ chức.

Theo Tạp chí Nhà quản lý