Con người Bí quyết “lấy lòng” nhân viên

Bí quyết “lấy lòng” nhân viên

14
Có hàng ngàn cách để nhân viên có thể “lấy lòng” sếp và được “thuận buồm xuôi gió” trên con đường công danh, sự nghiệp. Tuy nhiên, không phải chỉ riêng nhân viên mới cần “lấy lòng” sếp mà đôi khi các vị sếp cũng cần có những chiến thuật để “lấy lòng” nhân viên của mình.
Trong kinh doanh, thành công lớn nhất của một doanh nghiệp không phải là việc doanh nghiệp đó tạo ra được bao nhiêu lợi nhuận, mà điều quan trọng là doanh nghiệp đó đã đem lại những gì cho nhân viên của mình. Do vậy, nhân viên luôn đóng vai trò quan trọng và là yếu tố quyết định thành công hay thất bại của một doanh nghiệp.
Đào tạo được một nhân viên giỏi đã khó những giữ chân được nhân viên đó ở lại phục vụ cho tổ chức của mình lại càng khó hơn. Nếu nhà lãnh đạo không khôn khéo, rất có thể công ty sẽ mất đi nguồn nhân lực dồi dào quyết định thành công- đó là những nhân viên ưu tú nhất.
Dưới đây là 6 bí quyết đơn giản giúp nhà lãnh đạo “lấy lòng” nhân viên:
Niềm tin
Niềm tin cần phải được thể hiện ở cả 2 phía: niềm tin từ lãnh đạo đối với nhân viên và ngược lại, niềm tin của nhân viên dành cho người lãnh đạo. Là người đứng đầu công ty, bạn cần chứng tỏ cho nhân viên thấy được sức mạnh của tinh thần đoàn kết và ý chí của nhà lãnh đạo, giúp cho họ cảm thấy an toàn khi làm việc với bạn. Đồng thời, hãy tin tưởng ở họ và động viên họ cố gắng hết mình vì công việc. Trên thế giới, các hiện tượng bạo động nơi công sở, đình công, bỏ việc…đều là những hậu quả đáng tiếc do mất niềm tin.
Trách nhiệm 
Người lãnh đạo luôn cần có trách nhiệm khi quản lý công ty. Nếu bạn sai lầm, hãy thẳng thắn thừa nhận trước toàn thể nhân viên. Điều đó không làm cho bạn yếu kém trước nhân viên, mà ngược lại, nó sẽ khiến nhân viên càng thêm kính phục và yêu mến bạn. Bởi bạn là một con người trách nhiệm, biết nhận lỗi và sửa lỗi chứ không bao giờ tránh né sai lầm.
Văn hóa
Văn hóa ở đây bao gồm văn hóa tổ chức và văn hóa của nhà lãnh đạo. Văn hóa tổ chức luôn được xem như linh hồn, “tính cách” của tổ chức và mọi nhân viên trong công ty. Chính vì vậy, xây dựng văn hóa tổ chức đồng nghĩa với việc tạo dựng bầu không khí văn hóa lành mạnh cho nhân viên. Sau khi xây dựng được văn hóa tổ chức, nó sẽ trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của nhân viên.
Cơ hội
Con người không bao giờ hài lòng với những gì mình đang có mà luôn hi vọng những điều tốt đẹp hơn. Đó là lí do con người luôn hướng đến tương lai, nhìn về phía trước, chứ ít khi quay lại sau lưng. Nhân viên của bạn cũng vậy. Họ luôn tìm kiếm những cơ hội, cơ hội tăng lương, cơ hội thăng tiến, cơ hội học tập phát triển. Và vì vậy, bạn cần tạo điều kiện giúp cho nhân viên có cơ hội hoàn thành mơ ước. Bên cạnh đó, bạn cũng cần theo dõi và xử lý kịp thời để tránh cơ hội bị biến thành “hiểm họa” do một vài sai lầm nào đó.
Công nhận
Một số nhân viên thích được khen thưởng bằng việc tăng lương, nghỉ phép, đi du lịch… Điều đó không hề khó khăn đối với các nhà lãnh đạo. Nhưng cái nhân viên cần nhất, bao giờ cũng là sự công nhận. Họ cần sự đánh giá chính xác cho những cố gắng và nỗ lực suốt một thời gian dài. Họ cần sự thừa nhận từ đồng nghiệp và cấp trên. Đôi khi, sự thừa nhận chỉ đơn giản là một lời khen, một cái gật đầu, một cái bắt tay, hay thậm chí một ánh mắt trìu mến từ sếp…cũng đủ làm nhân viên “mát lòng”.

Lương thưởng
Suy cho cùng, con người làm việc là vì tiền. Vì thế, sẽ là vô nghĩa nếu như nhà lãnh đạo không thể cung cấp những đảm bảo về mặt tài chính cho nhân viên. Lương thưởng đóng vai trò quan trọng nhưng trong mọi trường hợp, nó không phải là yếu tố quyết định. 

Theo VnMedia