Quản trị khách hàng Da giày lại vướng quy tắc xuất xứ

Da giày lại vướng quy tắc xuất xứ

26
Lời tòa soạn: Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa các Hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác lớn trên thế giới, như: FTA VN – EU, FTA VN – Liên minh thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan và đặc biệt là TPP. Bắt đầu từ số báo này, DĐDN sẽ mở chuyên mục “Mở cửa hội nhập”, đăng tải những bài viết, phân tích, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để giúp DN hiểu rõ hơn về những cơ hội cũng như rào cản kỹ thuật, thách thức khi tham gia sân chơi quốc tế. 
Ảnh minh họa

Để được hưởng mức thuế ưu đãi, bên cạnh các tiêu chuẩn kỹ thuật, da giày VN còn phải đáp ứng được Quy tắc xuất xứ, ít nhất 50% trị giá xuất xưởng của sản phẩm phải được tạo ra từ các nước TPP

Giống như dệt may, ngành da giầy VN đang đứng trước nhiều cơ hội khi VN đang tiếp cận hàng loạt các FTA và đặc biệt là TPP. Tuy nhiên, ngành này cũng đang gặp phải tình trạng không tự chủ được nguồn nguyên liệu khiến những cơ hội có thể sẽ bị vuột mất nếu không tìm được hướng đi phù hợp…
Cánh cửa TPP đang đến rất gần nhưng dường như “bài toán” nguyên liệu của ngành da giầy vẫn chưa thể có lời giải ngay do ngành này vẫn chưa có những quy hoạch bài bản và tầm nhìn chiến lược.
70% DN ?phụ thuộc
Theo quy định TPP, để được hưởng mức thuế ưu đãi, bên cạnh các tiêu chuẩn kỹ thuật, da giày VN còn phải đáp ứng được Quy tắc xuất xứ, ít nhất 50% trị giá xuất xưởng của sản phẩm phải được tạo ra từ các nước TPP. Đây lại chính là điểm yếu của các DN da giày VN bởi vẫn phải phụ thuộc vào việc nhập nguyên phụ liệu.
Thực tế dù đã chủ động được một phần nguyên liệu tùy từng chủng loại sản phẩm như: giầy vải 100%, một số dòng sản phẩm khác cũng đã chủ động được từ 30-40%, nhưng vẫn có khoảng 70% DNNVV vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập từ 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, các quốc gia không tham gia trong TPP. Vì vậy, thời gian tới sẽ buộc các DN da giầy VN phải tìm các nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các quốc gia khác trong TPP.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng dệt may – da giầy vẫn tăng tới 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái, với trị giá trên 3,07 tỷ USD
Ông Nguyễn Văn Khánh – Tổng thư ký Hội Da giày TP HCM lo ngại, hiện cả nước có khoảng 500 DN da giày, trong đó có 30% làm hàng XK, điều đáng nói là 70% trong số này đang làm gia công dưới nhiều hình thức khác nhau. Chỉ có khoảng 10 DN làm hàng theo dạng FOB là các DN da giầy lớn như: Cty như Giày Thái Bình, Đông Hưng, An Lạc, Vinh Thông…. là có sự chuẩn bị về mọi mặt, đón chờ các FTA, còn phần lớn là chuẩn bị chưa kỹ càng.
Hình thành vùng nguyên liệu
70% DNNVV vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập từ 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.
Ông Bùi Đức Thuấn – Chủ tịch Lefaso thừa nhận, ngành nguyên phụ liệu VN chưa phát triển là do đa số DN làm gia công nên không có trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Để phát triển các trung tâm này, DN phải có các catalogue nguyên liệu mùa mới. Rồi như một vòng luẩn quẩn, vì không có catalogue nguyên liệu mùa mới nên DN không chịu làm R&D sản phẩm mà đi gia công.

Vì vậy theo Lefaso, để giải quyết vấn đề nguyên liệu, bên cạnh việc hình thành hai KCN thuộc da ở phía Bắc và Nam, thành lập các trung tâm R&D… cần sớm hình thành các cụm công nghiệp nhỏ tại các khu vực trọng điểm sản xuất những vật tư chiến lược khác là da tổng hợp, đế giày và phụ liệu trang trí nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa như kế hoạch trên. Riêng với TP Hồ Chí Minh, Lefaso cũng đã đề xuất hỗ trợ thành lập một trung tâm cung cấp nguyên liệu để các thương hiệu có cơ sở chọn lựa.
Ngoài ra, bắt buộc ngành da giầy phải hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế – nguyên, phụ liệu – sản xuất – phân phối trong cộng đồng các thành viên TPP. Nói như ông Diệp Thành Kiệt – Phó Chủ tịch Lefaso: “Nếu không thể gia tăng giá trị và sản lượng ở 3 phân khúc còn lại: thiết kế, nghiên cứu tạo sản phẩm mới; tạo năng lực sản xuất; phân phối sản phẩm thì sau 5 năm nữa ngành da giầy sẽ không thể tăng trưởng được”.
Rõ ràng, TPP không phải là một cơ hội để phát triển trong ngắn hạn, mà quan trọng hơn là cần tận dụng cơ hội này như một “đòn bẩy” để gia tăng năng lực cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho ngành da giầy VN.

Theo dddn