Con người Làm thế nào để tạo hứng thú làm việc cho nhân viên?

Làm thế nào để tạo hứng thú làm việc cho nhân viên?

5
Niềm hạnh phúc của nhân viên sẽ mang lại niềm vui cho khách hàng và gia tăng doanh số, lợi nhuận cho công ty. Hiểu được điều này, người lãnh đạo cần xây dựng môi trường làm việc khiến ai cũng cảm thấy vui vẻ và được coi trọng.
Để làm được điều này, đồng thời giữ chân nhân tài cho công ty, các nhà quản lý có thể áp dụng các cách sau:
Một nhân viên thoả mãn biết chính xác mục tiêu của mình hàng ngày.
Trao quyền
Một nhà lãnh đạo tốt sẽ không kiểm soát từng chi tiết nhỏ trong từng nhiệm vụ của nhân viên. Thay vào đó, họ trao quyền, giúp cấp dưới được tự chủ trong công việc. Về dài hạn, cách để nhân viên mắc lỗi và tự sửa sai này sẽ dẫn tới đội ngũ làm việc thông thái, tự tin, hiệu quả và có khả năng hơn. Và công ty mang đến sự linh hoạt trong thời gian làm việc, kì nghỉ sẽ có môi trường làm việc vui vẻ và tạo dựng mối quan hệ gắn bó hơn với nhân viên.
Lắng nghe
Rất nhiều mối quan hệ cá nhân phải chấm dứt khi một người trong đó không chịu lắng nghe người kia. Điều này cũng đúng với mối quan hệ công việc. Nhân viên muốn được người giám sát, quản lý, giám đốc công ty lắng nghe và coi trọng. Việc này đơn giản chỉ là một cuộc nói chuyện thân tình trong giờ nghỉ hay ăn trưa giữa lãnh đạo và cấp dưới, chú ý tới những ý kiến, nguyện vọng của nhân viên về công ty. Dù đơn giản nhưng hiệu quả mà chúng mang lại sẽ rất lớn.

Khen ngợi
Đánh giá, ca ngợi và tôn trọng là những yếu tố trọng yếu của sự thoả mãn trong công việc cũng như tinh thần lạc quan đối với với nhân viên. Nhà quản lý nên tận dụng mọi cơ hội để ghi nhận nỗ lực và kết quả làm việc xuất sắc của họ. Những lời động viên, phần thưởng như vậy sẽ khiến nhân viên có động lực hơn, từ đó cống hiến nhiều hơn. Ngoài ra, cơ hội thăng tiến và phát triển cao hơn cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong thị trường lao động. Cung cấp các cơ hội phát triển nghề nghiệp, đào tạo chuyên môn có thể mang lại cho công ty một đội ngũ nhân viên tràn đầy nhiệt huyết và chất lượng.
Đặt mục tiêu
Một nhân viên thoả mãn biết chính xác mục tiêu của mình hàng ngày. Hãy rõ ràng về cả mục tiêu của cá nhân cũng như của công ty. Nếu nhân viên không chắc chắn đích đến của mình, họ sẽ bất an và có ít động lực để vươn tới thành công. Người quản lý nên đặt ra những mục tiêu rõ ràng, cụ thể cho nhân viên hàng ngày cũng như trong dài hạn. Và khi trách nhiệm hay ưu tiên công việc thay đổi, bạn không chỉ cần truyền đạt mục đích mới mà còn phải giải thích một cách thuyết phục lý do cho những thay đổi đó.
Ủng hộ
Chúng ta đều biết “Khách hàng là thượng đế”, “Khách hàng luôn luôn đúng”. Nhiều người quản lý vì những khẩu hiệu đó mà quên đi ý kiến, cảm giác của nhân viên khi có mâu thuẫn. Sự thoả mãn của khách hàng là yếu tố cốt lõi trong kinh doanh, nhưng hãy nhớ rằng nhân viên không hạnh phúc sẽ tạo ra những sản phẩm, dịch vụ thiếu chất lượng. Vì vậy, hãy cho nhân viên thấy họ luôn có sự hậu thuẫn, ủng hộ từ sếp và công ty.