Con người Giữ vững đam mê nghề nghiệp cho bạn trẻ

Giữ vững đam mê nghề nghiệp cho bạn trẻ

11
Ngày nay, hiện tượng các bạn trẻ nhảy việc đã trở nên phổ biến. Họ “nhảy” liên tục trong thời gian ngắn để chạy theo những ngành nghề nóng nhất, thu nhập cao, thời thượng…
Muốn có thu nhập để trang trải cuộc sống, muốn “sành điệu”, theo kịp thời đại, muốn thử thách… là những nhu cầu chính đáng của mỗi người! Thế nhưng, nhảy việc liên tục lại làm lãng phí chính thời gian của bạn, bởi bạn sẽ không kịp tận dụng và phát triển hết những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được qua các công việc trước đó. Thậm chí có người “nhảy” sang làm những việc không đúng với đam mê, sở trường, dẫn đến những chuỗi ngày làm việc với tâm lý nặng nề và rồi phải “nhảy” tiếp.


Từ cổ học tinh hoa…
Cổ học tinh hoa có truyện Giữ lấy nghề mình rất thú vị. Truyện kể: Nước Trịnh có người học nghề làm dù được 3 năm rồi đi hành nghề. Trời đại hạn, không ai dùng đến dù, anh bèn chuyển sang học nghề làm gàu tát nước thêm 3 năm nữa. Lúc đó thì trời mưa to, chẳng ai dùng đến gàu, anh đành quay về hành nghề làm dù như trước.
Không lâu sau đó, nước có giặc, dân làng đi lính cả, ai cũng phải mặc y phục nhà binh, không cần đến dù. Anh bèn chuyển sang học nghề đúc binh khí. Lúc thành thạo thì giặc cũng đã tan. Anh thì già quách rồi.
Lưu Cơ bình rằng: “Nghề nghiệp thành hay bại dù là lỡ thời cũng không nên đổ cho trời đất mà tất cả do người. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” quả không sai. Người có gan, đam mê công việc thì dù lỡ thời vẫn vững tin giữ lấy nghề, vì nghề chắc đã thành, chẳng chóng thì chầy cũng có đất dụng. Chớ cứ nay nghề này, mai nghề khác, như hòn đá lăn mãi không bao giờ mọc rêu, thì chỉ nhọc xác, già rồi mà chẳng tinh thông gì cả. Chẳng ai tin tưởng tay nghề mình nữa”.

… Đến lời khuyên của ông tổ phong trào hướng đạo sinh thế giới
Baden Powell, ông tổ của phong trào hướng đạo sinh thế giới từng nói: “Điều thích thú của việc đi săn là “đánh hơi” và theo dấu mà tiến tới chứ không hẳn phải là việc giết được con mồi. Khi còn trẻ, chưa có chỗ làm, tôi chấp nhận lấy chỗ nào gặp trước, giữ đó cho đến khi gặp chỗ tốt hơn. Với con giun, anh có thể câu được con tôm, với con tôm, anh có thể câu được con cá. Với con cá, anh sẽ câu được con rái. Con vật này có tấm da đáng giá đây. Đó là lời khuyên của một thương gia tự tạo lấy cơ nghiệp của mình. Nếu tấm da đó làm được áo ấm cho kẻ khác, điều này đồng nghĩa anh đã thành công. Chẳng những anh kiếm ra tiền mà còn làm việc có ích cho kẻ khác”.
Quan điểm trên của Powell rất chí lý, nhấn vào 2 yếu tố quan trọng của công việc: lòng đam mê và giá trị công việc. Nếu bạn xem việc săn được con mồi là ngày lĩnh lương (hay thành quả công việc đạt được) thì chính việc theo dấu con mồi là niềm đam mê công việc của bạn.
Bạn là chuyên viên PR, hẳn việc viết thông cáo báo chí, giao tế cùng các phóng viên báo đài, xử lý khủng hoảng… thú vị hơn nhiều so với việc nhận lương. Là một nhà báo, khoảng thời gian được tiếp cận với thông tin, với muôn mặt xã hội, cảm giác đọc “thành quả” của mình với bút danh trên mặt báo… sung sướng hơn việc lĩnh nhuận bút. Những người đam mê câu cá đều khẳng định họ thích không gian tĩnh lặng (để nghĩ suy giải quyết các vấn đề nhức nhối) khi chờ cá đớp mồi hơn là việc câu được cá. Họ đùa rằng: “Tôi bị cá “câu” thì chính xác hơn.”
Và đừng quên giá trị công việc của bạn đối với lợi ích của mọi người như lời khuyên của Powell. Là một chuyên viên IT, bạn có quyền tự hào một điều đơn giản là ngăn chặn virus xâm nhập vào “công việc” của các đồng nghiệp; là một giáo viên, bạn đang truyền đạt kiến thức cho một thế hệ tương lai của đất nước… Chắc chắn rằng cảm giác được làm một việc quan trọng và hữu ích cho xã hội sẽ tốt hơn rất nhiều so với cảm giác chỉ đơn thuần là có một công việc yêu thích để làm (hoặc mang lại thu nhập mong muốn).

Theo kienthuckinhte