Con người Khi giám đốc điều hành đi công tác

Khi giám đốc điều hành đi công tác

54
Đối với các giám đốc điều hành thường xuyên phải đi công tác xa thì điều họ quan tâm không phải là kết quả tích cực của những chuyến công tác ấy, mà là làm sao tránh xảy ra tình trạng “vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm”.

Giám đốc điều hành phải kiêm luôn các việc đối ngoại lẫn đối nội là điều tương đối phổ biến, đặc biệt là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cùng với giám đốc kinh doanh, thậm chí là thay thế vai trò của giám đốc kinh doanh, giám đốc phải thường xuyên đi gặp khách hàng để
đem về các hợp đồng nhằm đảm bảo thực hiện được kế hoạch doanh thu cho công ty.
Ngoài ra, họ có thể phải kiêm nhiệm cả chức vụ trưởng một bộ phận nào đó trong doanh nghiệp (nhân sự, hành chính văn phòng, tài chính kế toán, tiếp thị, thương hiệu…), thậm chí là phải kiêm luôn việc quyết định các vấn đề về chuyên môn hoặc về quy trình sản xuất.
Dễ thấy rằng các việc liên quan đến khách hàng luôn được ưu tiên hơn vì đem lại doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp, ngoài ra còn mang tính thách thức cao về mặt cơ hội đối với giám đốc điều hành.
Từ đó, nếu một lãnh đạo doanh nghiệp quá bận rộn với việc kinh doanh và quan hệ đối ngoại thì người ấy khó lòng quán xuyến được các việc thường nhật trong nội bộ doanh nghiệp. Chia sẻ gánh vác này cho những người được tín nhiệm hoặc các trưởng bộ phận là xu hướng thường thấy.
Tuy nhiên, tất cả các hoạt động nội bộ lại liên quan nhiều đến vấn đề nhân sự. Đội ngũ nhân viên có nhiệm vụ cùng thao tác để các cỗ máy doanh nghiệp vận hành trôi chảy, tạo ra các sản phẩm hàng hóa giúp doanh nghiệp trụ vững trên thị trường.
Mối quan hệ với khách hàng có thể thay đổi thường xuyên, nhưng nhân sự là sức mạnh nội tại, phải được duy trì ổn định, nếu không nói là cần thường xuyên quan tâm hoàn thiện. Một giám đốc điều hành khó phát huy được tối đa sức mạnh doanh nghiệp nếu mặt nhân sự, tức là sức mạnh nội tại “có vấn đề”.
Hồi thế kỷ thứ XIII, Hưng Đạo Vương làm nên kỳ tích dẹp tan đội quân Nguyên – Mông đã giày xéo cả thế giới. Bên cạnh những chiến công lừng lẫy như Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Hàm Tử…, Trần Quốc Tuấn còn chỉ đạo quân ta lập nên chiến công tại ải Chi Lăng. Ở nơi đây, quân Nguyên đã rơi vào hố bẫy ngựa, bị phục binh của ta dùng mã tấu phát đứt chân ngựa.
Quân Nguyên vốn thiện chiến trên lưng ngựa khi bị đẩy ra khỏi sở trường, rơi vào sở đoản nên đã bị tiêu diệt hết. Một lãnh đạo doanh nghiệp nếu xa rời đội ngũ nhân viên của mình thì cũng giống như một viên tướng giỏi cưỡi ngựa dùng đao, nếu ngựa què, phải đứng trên mặt đất một mình thì khó mà phát huy được tối đa năng lực.
Vậy làm thế nào để giám đốc điều hành nắm bắt được tường tận và khách quan về tình hình nội bộ? Làm sao để không bị lệ thuộc vào một, một vài nhân sự chủ chốt mà công việc vẫn tiến triển đều đặn ngay cả khi giám đốc không có mặt tại doanh nghiệp?
Câu trả lời cho những câu hỏi trên đều đã có trong sách lược của các chuyên gia tư vấn về quản trị nguồn nhân lực. Thế nhưng, để hiểu tường tận và vận dụng cho đúng thì chỉ có người trong cuộc mới có thể làm được.
Cốt lõi vấn đề vẫn nằm ở câu thành ngữ “Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm”. Trong tiếng Anh cũng có câu tương tự là “When the cat’s away, the mice will play” (Mèo đi vắng thì chuột chơi đùa).
Lần theo câu thành ngữ tiếng Anh, chúng ta nhớ đến một mẹo vặt: Khi nghe tiếng chuột kêu “chít chít”, chỉ cần giả tiếng mèo kêu “meo meo” là lũ chuột sẽ im hơi lặng tiếng.
Trong sử Trung Hoa có tích Khổng Minh chết mà vẫn đuổi được Tư Mã Ý. Trước khi chết, Khổng Minh dặn dò Dương Nghi:
“Sau khi ta chết, không nên phát tang, nên làm một cái khám to, để thây ta ngồi trong khám, lấy bảy hạt gạo bỏ vào miệng, dưới chân đặt một ngọn đèn sáng. Trong quân cứ giữ vẻ yên ổn như thường, chớ có khóc lóc, có thế thì ngôi tướng tinh không rơi xuống, âm hồn ta tự khắc cũng nhấc lên được. Tư Mã Ý thấy tướng tinh không sao, trong bụng còn hồ nghi.
Quân ta rút về nên để trại sau rút trước, rồi lần lượt trại nọ đến trại kia, từ từ mà lui. Nếu Tư Mã Ý đuổi theo, ngươi nên dàn thành trận thế, quay cờ đánh trống trở lại, rồi đem bộ tượng gỗ của ta khi trước, đặt lên trên xe đẩy ra trước trận, sai tướng sĩ đứng dàn hai bên. Tư Mã Ý trông thấy, tất phải sợ mà chạy”.
Không thể liệt kê ra đầy đủ các mẹo “giả tiếng mèo”, nhưng hẳn các giám đốc điều hành cũng đã có một số chiêu trong cẩm nang của mình để tùy cơ ứng biến.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn