Chiến lược Giải pháp cho các ngành nghề khó khăn

Giải pháp cho các ngành nghề khó khăn

20
Cải cách là quá trình vô cùng khó khăn khi không có thời gian. Bạn phải làm gì khi quỹ thời gian có ít, trong khi ngành kinh doanh của bạn lại đang đứng trước vấn đề sống còn?
Từ sự khó khăn của ngành báo giấy
Giám đốc điều hành một toà báo hỏi tôi câu hỏi tương tự nhân cuộc trao đổi hồi đầu tháng 9/2008. Phần lớn các tổ chức đều cảm thấy bí bách về kinh tế trong thời gian gần đây, song ít có ngành nào gặp nhiều khó khăn như ngành phát hành báo giấy.
Số lượng ấn phẩm phát hành liên tục trượt dốc. Các nhà quảng cáo ồ ạt chuyển sang mạng Internet – địa hạt mà báo giấy ngày càng lép vế trước Google, Yahoo! và vô số các đối thủ khác.
Các công ty trong ngành báo giấy đang loay hoay thử nghiệm những cách thức mới nhằm mở rộng hình thức thông tin, song chưa thể bù đắp kịp thời và đầy đủ cho những thua lỗ trong lĩnh vực kinh doanh chính.
Hầu hết các giám đốc toà báo mà tôi có dịp trò chuyện đều thừa nhận rằng họ buộc phải đổi mới để giữ gìn uy tín. Họ biết rằng nếu không cải cách thì ít có hy vọng duy trì vai trò xứng đáng.
Tuy nhiên, việc thay đổi cách thức hoạt động và kiên trì cải cách trở nên cực kỳ khó khăn trước sức ép phải chấm dứt tình trạng thua lỗ trong lĩnh vực kinh doanh chính.
Đó là thách thức nan giải. Nó cảnh báo cho các công ty khác, dù không lâm vào tình cảnh bi đát như các công ty báo giấy, về tầm quan trọng của việc lựa chọn thời điểm cải cách.
Cải cách phải được bắt đầu ngay từ lúc công ty có đủ thời gian và tiềm lực cho phép tiến trình cải cách đạt được tốc độ bứt phá. Nếu ngành báo giấy đẩy mạnh cải cách từ giữa những năm 90, thì có lẽ hôm nay chúng ta đang bàn luận về một chủ đề hoàn toàn khác.
Tất nhiên, nói cho người khác về việc họ nên làm từ cách đây hàng chục năm chẳng mang lại lợi ích gì. Vì thế tôi đã khuyên vị giám đốc kể trên một số điều sau:
Thứ nhất, hãy giảm chi phí kiểm nghiệm các ý tưởng.
Chương 8 trong cuốn sách mà chúng tôi vừa ấn hành, “The innovator’s guide to growth”, đã khuyên các công ty nên “đầu tư ít để biết được nhiều điều” về các ý tưởng quan trọng. Khi các nguồn lực càng khan hiếm, bạn càng phải phát huy sáng tạo trong việc kiểm nghiệm những ý tưởng có tính then chốt.
Điều may mắn là giờ đây, việc phát triển và kiểm nghiệm các ý tưởng đã trở nên nhanh chóng và tiết kiệm hơn bao giờ hết. Điều đó là nhờ các phương pháp kiểm nghiệm như tổ chức thảo luận chuyên viên, mô phỏng mô hình giải pháp tiết kiệm và thuê công ty ngoài đánh giá về các sản phẩm thử nghiệm.
Thứ hai, tranh thủ có sáng tạo các nguồn lực bên ngoài.
Thiếu tiềm lực tài chính sẽ khiến cải cách gặp khó khăn, song thiếu nhân lực để triển khai các ý tưởng sẽ đưa cải cách vào ngõ cụt. Các công ty có nguồn lực hạn chế cần phải sáng tạo trong việc tìm kiếm các trợ thủ hỗ trợ cho những nỗ lực cải cách.
Các công ty phát hành báo giấy có thể xem xét khả năng dựa vào độc giả hoặc các thành viên gia đình, thậm chí là số nhân viên đã nghỉ hưu để thúc đẩy triển khai các ý tưởng. Thay vì tự sáng tạo mọi hình thức kinh doanh mới, các công ty phát hành báo giấy có thể tiếp thu ý tưởng mà các công ty khác đã khởi xướng, cũng giống như việc các công ty đã học hỏi ý tưởng của công ty kinh doanh bất động sản Zillow.
Thứ ba, hãy dũng cảm thu hẹp danh mục cải cách.
Phần lớn các công ty kêu ca là không có nguồn lực thì thực sự lại có nguồn lực rất dồi dào, nhưng chúng lại bị sử dụng sai mục đích.
Khi thời gian eo hẹp, các công ty không được phép nhân nhượng trước việc cải cách tràn lan mà phải cho dừng ngay những ý tưởng ít hứa hẹn nhất để có thể tập trung thực sự cho những ý tưởng có nhiều triển vọng nhất. Kể cả việc đó có dẫn tới nguy cơ sớm làm thui chột một ý tưởng lớn thì chấp nhận hy sinh một ý tưởng đơn lẻ vẫn còn hơn là hy sinh cả một chương trình cải cách chỉ vì không đạt được tiến triển.
Theo tôi, điều không may là những nhân tố tiêu cực sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới ngành báo giấy trong thời gian tới.
Các công ty đã đẩy mạnh cải cách sẽ trở thành những công ty cạnh tranh có thể tồn tại và vượt qua thời kỳ khó khăn hiện nay. Các công ty không tiến hành cải cách sẽ có lợi nhuận cận biên khá hơn trong vòng 12 – 18 tháng tới, song sẽ mất khả năng cạnh tranh dài hạn.

Theo Harvard Business Online