Chiến lược Kế sách: Đổi áo ăn tiệc

Kế sách: Đổi áo ăn tiệc

28
Quạ Đen nổi tiếng là thông thái trong các loài vật. Chả thế mà con người còn in cả sách ca tụng trí thông minh của nó, kể chuyện nó biết nhặt sỏi thả vào lọ để lấy nước uống. Quạ Đen có tính luộm thuộm, búi xùi, lông lúc nào cũng bù xù bẩn thỉu, nhếch nhác. Nhưng nhờ sự nổi tiếng của mình, Quạ Đen vẫn thường hay được các nhà mời tới để xin lời khuyên bảo hoặc dự những dịp hội, đám cho thêm phần long trọng.
Một ngày đẹp trời, Phượng Hoàng tổ chức một bữa tiệc lớn để kết nghĩa hàng xóm với muông thú rừng bên. Lẽ đương nhiên Quạ Đen cũng được mời tới làm thượng khách. Đúng ngày giờ dự tiệc, Quạ Đen tự tin thủng thẳng đi tới khu hội, lũ trật tự viên nhìn bộ dạng của Quạ Đen bèn sắp cho nó ngồi cùng lũ gia nhân đi theo khách mời. Quạ Đen bực mình lắm, nó lớn tiếng quát mắng ầm ĩ và cho rằng mình đang bị xúc phạm, rằng mình đang bị vô ơn. Nghe tiếng ồn, Phượng Hoàng chạy ra thấy vậy bèn vội đón Quạ Đen vào khu thượng khách. Lạ lùng thay khi vào đến nơi thì Quạ Đen bỗng chựng lại trước những ánh mắt lạ lẫm không thân thiện của những vị khách mời, theo ánh mắt của họ, Quạ Đen vội cúi xuống nhìn bộ dạng của mình, rồi lại ngẩng lên nhìn vẻ sang trọng của mọi người xung quanh. Bỗng Quạ Đen thấy mất hết tự tin, nó thấy bộ dạng của mình thật lạc lõng trong khung cảnh đẹp đẽ, sang trọng này. Quạ Đen bừng tỉnh vội đi gột rửa lông cánh, chải chuốt cẩn thận rồi mới quay lại dự tiệc. Tại đó Quạ Đen được đón chào trọng vọng tương xứng với dáng vẻ tươm tất, uy nghi và thông thái của nó. 
Sau bữa đó Quạ Đen hiểu ra rằng với những người hàng xóm quen biết đã lâu, quen nhờ vả vào tài của nó thì người ta cũng không hay để ý. Nhưng ra ngoài thiên hạ nếu chỉ ỷ tài mà không chú ý dáng vẻ của mình thì cũng khó mà được chấp nhận. Từ đó Quạ Đen ta luôn chú ý chăm chút bộ dạng của mình và ngày càng trở nên nổi tiếng, được trọng vọng ở mọi vùng.
Một câu chuyện ngụ ngôn về loài vật nhưng có nhiều điều rất đáng để suy ngẫm. Dân ta có câu “Cái nết đánh chết cái đẹp”, “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”… Trong mọi tình huống, chất lượng, bản chất bên trong mới là cái đáng quan tâm hơn cả. Một sinh viên học giỏi, kiến thức tốt nhưng không có thái độ đúng, không chú ý tới hình thức bên ngoài thì khả năng bị đánh trượt khi đi xin việc còn cao hơn một sinh viên khá nhưng thái độ, hình thức chỉn chu.
Giờ quan niệm cũng đổi khác hơn. “Cái nết” tốt rồi, người ta vẫn mong muốn càng đẹp càng tốt. Đã qua rồi cái thời bao cấp khó khăn, mọi vật dụng đều ưu tiên số 1 là giá trị sử dụng. Có mà dùng là may mắn, ít ai nghĩ tới chuyện hình thức phải đẹp, phải bắt mắt.
Tốt gỗ tốt cả nước sơn là mong muốn và phương châm kinh doanh của người làm ăn bây giờ. Sản phẩm muốn tồn tại đương nhiên phải có giá trị sử dụng đích thực. Nhưng giữa bạt ngàn hàng hóa, tây có, tàu có, ta có, cùng một giá trị sử dụng, người tiêu dùng bây giờ còn đòi hỏi sản phẩm phải có hình thức, kiểu dáng, mẫu mã đẹp. 
Kế sách “Đổi áo ăn tiệc” thể hiện rõ nhất trong ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống ở nước ta. Có thể kể đến các làng nghề làm đồ gỗ chẳng hạn. Có khoảng 200 làng với những cái tên như Đồng Ky (Bắc Ninh), Vân Hà (Đông Anh, Hà Nội), Chuôn Ngọ (Phú Xuyên, Hà Tây), Trực Ninh (Nam Định)… từ bao đời nay đã quen thuộc với người dân các tỉnh phía Bắc, nhất là những người sành chơi đồ gỗ mỹ nghệ. Ở phía Nam, các làng nghề mộc nổi tiếng thuộc về các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Đắc Lắc, Đồng Nai…
Trong thời kỳ bao cấp, các làng nghề này hầu như cung cấp sản phẩm cho các đơn hàng của thị trường quen thuộc với những đơn hàng của Nhà nước với những mẫu mã đơn giản, cổ truyền”. Nhưng đến những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX, trước tình trạng thị trường Đông Âu bị mất, ngành đồ gỗ Việt Nam phải đối mặt sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường và bộc lộ những hạn chế.
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ là một nghề tự do, thợ lành nghề tiếp thu kinh nghiệm qua phương thức “Cha truyền con nối” chứ không có trường lớp đào tạo cơ bản. Đồ gỗ mỹ nghệ của ta vì thế còn đơn điệu về kiểu dáng, thiếu tính chuyên nghiệp trong thiết kế… Ngay thị trường trong nước, cũng do mẫu mã đơn điệu mà đa số khách hàng chỉ đặt hàng theo sở thích riêng nên hình thức bán lẻ vẫn là chủ yếu.
Để tìm được thị trường của mình, ngoài việc duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, đồ gỗ Việt Nam còn cần phải tăng cường đầu tư để đa dạng hóa mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm để làm vừa lòng các thị trường mà tại đó khách hàng sẵn sàng trả giá cao gấp 3 lần cho một sản phẩm có mẫu mã đẹp với chất lượng bằng các sản phẩm khác cùng loại.
Tìm ra hướng đi đúng, tập trung vào việc cải tiến mẫu mã, đồ gỗ Việt Nam hiện nay đã được đánh giá là mẫu mã đa dạng, phong phú, tinh xảo, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu sản phẩm gỗ có tên tuổi trong khu vực và đang nổi lên như một nước xuất khẩu đồ gỗ đầy tiềm năng của thế giới. Bốn thị trường quan trọng của đồ gỗ Việt Nam là châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ và lãnh thổ Đài Loan, trong đó Hoa Kỳ là thị trường có tốc độ phát triển cao nhất: 128% trong năm 2003 và dự kiến 150% trong năm 2004.
Như vậy, trong kinh doanh, dưới kinh tế tự cung tự cấp, người ta thường chú trọng tới giá trị sử dụng mà ít chú trọng hình thức. Nhưng trong kinh tế thị trường, hàng hóa tràn ngập lẽ đương nhiên cùng một giá trị sử dụng người ta sẽ chọn sản phẩm có hình thức đẹp và hoàn mỹ hơn. Và nếu ai không tuân thủ yếu tố này, chắc chắn sẽ thất bại trước đối thủ cạnh tranh