Marketing Nắm bắt được khó khăn của khách hàng và lợi thế

Nắm bắt được khó khăn của khách hàng và lợi thế

56
Hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp cũng như cho khách hàng, điều cốt lõi là phải nắm được nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, nắm được những tiền đề để phát sinh nhu cầu mới chính là việc làm tạo lợi thế cho mình.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, 2012 là một năm tiếp tục khó khăn và sẽ là năm khó khăn nhất từ dư âm của khủng hoảng kinh tế tạo nên. Tuy vậy, đó chỉ là tình hình chung.
Với riêng doanh nghiệp Việt Nam, có một khó khăn khác đang chờ đợi: khó khăn mang tên 2015. Theo lộ trình hội nhập, đến năm 2015 Chính phủ sẽ chính thức tháo bỏ tất cả các rào cản thuế quan cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Lúc này, doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh rất cao. Như vậy, nhu cầu của doanh nghiệp khi đó là phải nâng cao khả năng hoạt động và tối ưu nguồn lực để có thể đối mặt với áp lực cạnh tranh toàn diện.
Tuy nhiên, tái cấu trúc và tối ưu nguồn lực cũng như nâng cao năng lực quản lý phải được chuẩn bị từ trước.
Khó khăn kinh tế lại là giai đoạn để chữa bệnh thâm dụng vốn và tái cấu trúc kinh tế bền vững; thời điểm không thể phát triển, mở rộng quy mô cũng chính là lúc doanh nghiệp hoạch định lại chiến lược kinh doanh, tinh gọn sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh…
Trong đó, áp dụng quản trị – công nghệ để tăng năng suất lao động: Thời kỳ đầu tư chiều rộng từ thâm dụng vốn đã không còn hiệu quả.
Doanh nghiệp phải tập trung đầu tư chiều sâu, tái lập quy trình sản xuất theo hướng nâng cao năng suất lao động trong khâu sản xuất dựa trên công nghệ mới và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Đó chính là lý do dẫn đến nhu cầu hoạch định, quản lý nguồn lực của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là rất lớn.
Chẳng hạn, trong năm 2011, BnA Corp. đã triển khai đến 4 dự án hoạch định nguồn lực doanh nghiệp cho các công ty Việt Nam, nhưng con số này sẽ còn tăng trong năm 2012 vì nhu cầu của doanh nghiệp thực sự là rất lớn.
Không chỉ tiên liệu khó khăn của khách hàng, một trong những chiến lược khác mà BnA Corp. áp dụng là tìm kiếm thị trường tiềm năng.
Ví dụ, trong bối cảnh chung, ngành nào cũng khó khăn, cũng cần giải pháp hoạch định nguồn lực, nhưng phân khúc “màu mỡ” nhất cho những đơn vị cung cấp dịch vụ ERP này lại là bất động sản.
Đây là lĩnh vực rất cần quản lý nguồn vốn, quản lý khách hàng… nhưng đáng tiếc, các đơn vị kinh doanh bất động sản lại chưa để mắt đến giải pháp hoạch định nguồn lực. Đó cũng là một trong những lý do gây khó khăn cho hoạt động của họ.

Theo DNSG