Tin tức - Sự kiện Khả năng làm chủ cuộc chơi của tài năng nhí tiếng Anh

Khả năng làm chủ cuộc chơi của tài năng nhí tiếng Anh

23
Cuộc thi Olympic “Tài năng tiếng Anh” toàn quốc lần thứ 3, khu vực miền Trung – Tây Nguyên, em Hoàng Bảo Linh (học sinh lớp 5E, trường Tiểu học Trung Đô, TP Vinh) là thí sinh nhỏ tuổi nhất của Nghệ An đã xuất sắc giành giải nhất (ngoài cùng bên phải)
Ảnh minh họa
Trẻ con “không thích xem hoạt hình”

Gặp Hoàng Bảo Linh lúc em vừa kết thúc giờ học trên lớp buổi sáng, ấn tượng đầu tiên về cô bé 10 tuổi đang mặc áo đồng phục trường là vẻ hoạt bát, tự tin toát lên từ gương mặt đến giọng nói.

Trở về từ Đà Nẵng đã hơn một tuần nhưng Bảo Linh vẫn chưa quên được cảm xúc khi tên của mình được đọc lên với kết quả giải nhất cuộc thi “Tài năng tiếng Anh”: “Em rất hồi hộp sau đó thì rất vui vì mình đã đạt được kết quả mong đợi nhất”!

Trước khi đến với kỳ thi Tài năng tiếng Anh khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Hoàng Bảo Linh phải tham gia vượt qua hàng trăm bạn khác trong tỉnh để lọt vào vào trong, “mang chuông đi đánh xứ người”.

Ở vòng thi tỉnh, xét về điểm thi IOE trước đó, Linh chỉ xếp hạng thứ 40. Nhưng cô bé đã đạt được kỳ tích về cho mình và cho trường khi vượt qua 3 phần thi viết, phỏng vấn, và hùng biện với điểm số cao nhất.

Em chia sẻ, phỏng vấn thường là vòng thi đáng lo nhất vì “mặt đối mặt” với giám khảo nhưng ở đó em lại chia sẻ được rất nhiều điều qua việc hỏi đáp.

Các thầy cô hỏi Linh về tác hại của việc xem ti vi, em đã trả lời: “Xem ti vi mình có được thêm rất nhiều thông tin bổ ích, nhưng nếu xem quá nhiều sẽ mất thời gian, ảnh hưởng đến mắt.

Việc say mê xem phim còn khiến mình quên đi những nhiệm vụ khác cần phải làm và trở nên lười biếng. Vì thế, khi xem ti vi, cần biết chọn đúng kênh phù hợp với lứa tuổi của mình, và có thời gian xem nhất định”.

Mới là học sinh lớp 5, Hoàng Bảo Linh đã khiến người đối diện đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi vẻ hoạt bát, vui vẻ, và chững chạc như người lớn của mình.

Nhưng trò chuyện, chia sẻ về trải nghiệm có được sau khi vượt qua các thử thách, Bảo Linh lại lộ ra khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú, cùng những suy nghĩ rất đỗi trẻ thơ.

Phần thi hùng biện, em bắt thăm được chủ đề “nói về bộ phim hoạt hình mà em yêu thích nhất”, thời gian chuẩn bị là 15 phút. Với nhiều bạn khác, phim hoạt hình có thể là một đam mê, một sở thích, và một phần không thể thiếu được ở độ tuổi nhí.

Tuy nhiên, Hoàng Bảo Linh lại “không thích xem phim hoạt hình, nó “thật trẻ con”. Lúc đó, em đã tự sáng tác ra một bộ phim hoạt hình và đặt tên cho nó là “A good dream”.

Nội dung bộ phim tưởng tượng xoay quanh câu chuyện một cô bé xinh xắn, nhưng lười biếng, không gọn gàng sạch sẽ, ham chơi, không giúp đỡ bố mẹ.

Có một con chuột hôi hám thấy thế, bèn đòi kết bạn với cô bé, vì thấy cô bé giống mình. Cô bé sợ quá, nhưng không thể nào chạy trốn được, con chuột cứ ở trước mặt, mặc cho cô la hét trong sợ hãi rồi giật mình tỉnh giấc.

Hóa ra, đó chỉ là một giấc mơ. Cô bé liền chạy đi tìm mẹ, ôm chặt mẹ và nói: Mẹ ơi con biết lỗi rồi, con không muốn làm bạn với chuột, con hứa sẽ thay đổi, trở nên chăm chỉ, sạch sẽ, ngăn nắp…

Vượt qua vòng thi tuyển cấp tỉnh bước vào vòng thi khu vực, lần này, đề tài hùng biện của Bảo Linh là: “Hoạt động em yêu thích nhất ở trường là gì?” cô bé là không ngần ngại đưa ra ý kiến em thích nhất là giờ ra chơi.

“Có thể mọi người nghĩ rằng ở trường thì hoạt động chủ yếu là học, và bọn em sẽ phải thích một hoạt động học tập nào đó, nhưng em tin không chỉ em mà nhiều bạn khác cũng đều thích giờ ra chơi, thích được nghỉ ngơi.

Trong giờ chơi, bọn em có rất nhiều trò chơi như: nhảy dây, đá bóng, chạy nhảy, hay tranh thủ tập các động tác thể dục. Giờ ra chơi, bọn em cũng có thể sinh hoạt nhóm, tranh luận về nhiều chủ đề. Vì thế, em thấy giờ ra chơi rất thú vị và bổ ích”, Linh nói.

Ở 2 nội dung còn lại 3 “What’s the topic” (Học sinh xem các hình ảnh và đưa ra chủ đề chung), “Are you a good communicator” (xem các video có chủ đề và xử lý các tình huống) thì Linh cho biết em đã có kinh nghiệm từ việc thường xuyên xem các video, đọc sách, xem tranh ở nhà.

“Nhưng mỗi người đều thi riêng, nên em không biết các bạn trước và sau mình thi như thế nào, em chỉ nói theo tất cả suy nghĩ và hiểu biết mình có được”. Cũng chính vì thế, khi giành được giải nhất toàn cuộc thi, Linh vừa vui mừng nhưng cũng cảm thấy bất ngờ.

Chơi với tiếng Anh

Hoàng Bảo Linh chia sẻ, em được làm quen với tiếng Anh từ mẫu giáo. Nhưng lúc đó, mẹ chỉ cho em chơi với các từ mới qua tranh ảnh, các bài hát thiếu nhi. Sang học kỳ 2 lớp 1 em mới bắt đầu được mẹ cho đi học tại các trung tâm ngoại ngữ.

Đồng thời, tiếng Anh cũng là một môn được học ở trường. Tuy nhiên, Linh chưa bao giờ chịu áp lực khi học ngoại ngữ. Cho đến tận lúc này, em vẫn “học mà chơi” với tiếng Anh, như một trò chơi ngày càng thí vị, hấp dẫn, đầy mới lạ cho em thêm nhiều kiến thức.

Em thích đọc sách truyện, vì thế, bố mẹ đã mua cho những cuốn truyện tranh, truyện thiếu nhi song ngữ để em vừa phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, vừa quen mặt chữ tiếng Anh.

“Ở nhà, em thường xem các video tiếng Anh, vì mỗi video đều có một nội dung nói về điều gì đó như: ngày đầu tiên đến lớp, học chào hỏi, sở thích của bản thân, công việc hằng ngày, các trò chơi…

Qua đó em học phát âm và cũng học được thêm nhiều từ vựng. Đó là cách học tiếng Anh mỗi lúc rảnh rỗi mà em thích nhất” – Bảo Linh chia sẻ.

Ngoài ra, em cũng đăng ký lớp học tiếng trẻ em trực tuyến trên mạng, học phát âm qua từ điển tách ghép âm… Cô giáo Đồng Thị Vân, Giáo viên dạy Tiếng Anh của Linh ở Trường Tiểu học Trung Đô cũng cho biết:

Có thể, nếu về ngữ pháp hoặc vốn từ, Linh cũng chỉ tương đối như các bạn. Nhưng Linh lại phát âm chuẩn, tự tin có khả năng diễn đạt tốt, làm chủ sân khấu. Bí quyết học Tiếng Anh cũng Linh cũng rất đơn giản: nghe nhiều và tập nói nhiều.

Đặc biệt, ở trường, các thầy cô cũng tổ chức CLB tiếng Anh và mỗi năm thường sinh hoạt tập thể trước toàn trường 3 – 4 lần. Đó những dịp để Linh thể hiện khả năng hùng biện, thể hiện các ý tưởng của mình trước đám đông mà không bị lúng túng.

Và, điều quan trọng nữa là Linh có bố mẹ, chị gái luôn động viên em học tập mà không đặt cho em quá nhiều áp lực. Để từ đó, em tự biết tìm đến và nuôi dưỡng đam mê, sở thích của riêng mình. Tin rằng, với niềm vui say trong học tập, Hoàng Bảo Linh sẽ gặt hái thêm được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.

Theo Giaoducthoidai