Tin tức - Sự kiện Cần nỗ lực dài hơi trong việc đưa âm nhạc dân tộc...

Cần nỗ lực dài hơi trong việc đưa âm nhạc dân tộc vào trường học

19
So với các môn học khác, âm nhạc là môn học có tuổi đời non trẻ, mới triển khai đại trà trên phạm vi toàn quốc từ năm 2000 đến nay với thời lượng 1 tuần/tiết dành cho hai bậc tiểu học và THCS. 
Ảnh minh họa
Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, chương trình sách giáo khoa mới đã chú trọng đưa âm nhạc vào giảng dạy ở trường học, trong đó có phát triển bộ môn âm nhạc dân tộc.

Giáo viên: Nhìn đâu cũng thiếu!

Theo ông Bùi Anh Tôn, chuyên viên Âm nhạc – Mỹ thuật, Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), hiện nay âm nhạc mới đưa vào giảng dạy ở hai bậc tiểu học và THCS với thời lượng 1 tiết/tuần, 35 tiết/năm đối với tiểu học và 37 tiết/năm đối với THCS. Tuy nhiên, nếu như ở tiểu học, chỉ có 435/514 trường học triển khai bộ môn âm nhạc (chiếm tỷ lệ 84,6%) với 557 giáo viên giảng dạy, bình quân 1,07 giáo viên/trường thì ở THCS, con số này là 454 giáo viên trên tổng số 259 trường, chiếm tỷ lệ 1,75 giáo viên/trường. “Nhưng nếu xét về yêu cầu hiểu biết và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc, toàn TP chỉ có 96 giáo viên tiểu học và 16 giáo viên THCS đáp ứng yêu cầu, trong đó mới có 6 giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc dân tộc”, ông Bùi Anh Tôn cho biết. Ngoài ra, theo báo cáo của Sở GD-ĐT, đội ngũ giáo viên âm nhạc ở các trường hiện nay có trình độ không đồng đều do có quá nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên chuyên ngành này. Trong đó, nhiều cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc không được đào tạo thêm về nghiệp vụ sư phạm nên gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy. Trước thực tế đó, nhiều trường phải sử dụng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm dạy nhạc, kết hợp việc dạy nhạc thường xuyên ở lớp với việc mời các nghệ sĩ, câu lạc bộ, đội nhóm chuyên nghiệp về trường biểu diễn để nâng cao khả năng cảm thụ cho học sinh.    
    
Riêng ở bậc THPT, âm nhạc hiện nay chỉ được xem là một trong những môn tự chọn. Tùy thuộc vào số lượng học sinh đăng ký, các trường sẽ mời giáo viên thỉnh giảng về tổ chức dạy học phù hợp tình hình thực tế. Dự kiến chương trình sách giáo khoa mới sau năm 2018 chính thức đưa âm nhạc vào giảng dạy ở THPT. Tuy nhiên, theo cô Vũ Thị Thu Trang, giáo viên Trường THPT Bình Phú (quận 6), học sinh THPT hiện nay quá tập trung vào việc học chữ nên ít có thời gian tham gia đều đặn các hoạt động giảng dạy về âm nhạc. Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động của nhà trường còn eo hẹp, trong khi các hoạt động văn nghệ và giáo dục âm nhạc cần nhiều kinh phí, phải có đội ngũ giáo viên hiểu biết chuyên sâu về âm nhạc. Do đó, giải pháp “chữa cháy” hiện nay của Trường THPT Bình Phú là đưa âm nhạc dân tộc vào một trong những nội dung sinh hoạt thường xuyên của tiết chào cờ, lồng ghép nội dung âm nhạc dân tộc vào phần văn học dân gian khối 10… Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần có thêm nhiều hướng dẫn từ phía cơ quan chủ quản. 

Cần sự chung tay phối hợp    

UBND TPHCM vừa có dự thảo đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020”. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8), giống như đề án về dạy và học ngoại ngữ trước đây, TP đã dành nhiều tâm huyết cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng Anh, lực lượng nòng cốt thực hiện đề án. Do đó, “để triển khai hiệu quả đề án giáo dục âm nhạc dân tộc, tôi nghĩ vấn đề đầu tiên và cũng là cốt lõi chính là việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về âm nhạc cho đội ngũ giáo viên”, bà Thanh bày tỏ. Đồng quan điểm, ông Trần Tấn Tài, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận 5, đề nghị Sở GD-ĐT thường xuyên tổ chức những đợt tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên âm nhạc, đặc biệt về kiến thức chuyên môn âm nhạc dân tộc. Bởi thực tế hiện nay cho thấy các trường đang làm theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng”, trường nào có giáo viên hiểu biết về âm nhạc dân tộc, được lãnh đạo quan tâm, phụ huynh ủng hộ thì triển khai tốt, ngược lại đơn vị nào muốn triển khai nhưng không có nhân lực thì hoạt động này cũng rơi vào cảnh im hơi lặng tiếng. 

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, kêu gọi các đơn vị tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện đề án trình UBND TP chính thức ban hành vào cuối năm 2016. Trong thời gian chờ đề án triển khai, các trường vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm, thường xuyên tổ chức những buổi giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa các đơn vị để góp phần đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với học sinh TP.
Theo dự thảo đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020” của UBND TP, lộ trình thực hiện gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn tìm hiểu thị hiếu âm nhạc và thành lập câu lạc bộ (năm 2016-2018); giai đoạn nghe, nhận biết, thưởng thức và có cảm xúc về âm nhạc dân tộc (năm 2018-2019); giai đoạn thực hành biểu diễn âm nhạc dân tộc (2019-2020). Kinh phí thực hiện do ngân sách nhà nước cấp phối hợp với các nguồn đóng góp xã hội hóa.

Theo SaiGongiaiphong