Tin tức - Sự kiện Nghỉ hè trong… trường nội trú?

Nghỉ hè trong… trường nội trú?

15

Mùa hè đang đến, nhiều phụ huynh phải tìm chỗ gửi con, kể cả cho con vào trường nội trú.


Ảnh minh họa

Gửi ngay khi kết thúc năm học
Theo ông Hoàng Cao Đăng, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nhật Tân (Q.Gò Vấp, TP.HCM), mấy năm gần đây số lượng phụ huynh gửi con học nội trú trong dịp hè ngày càng nhiều. Hầu hết phụ huynh muốn gửi con ngay sau khi kết thúc năm học. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho năm học mới, trường phải sửa chữa, tu bổ lại lớp học và cho thầy cô nghỉ ngơi nên khóa học hè thường bắt đầu từ giữa tháng 6.
Ông Đăng chia sẻ: “Trong kỳ học hè, những học sinh (HS) sắp bước vào lớp 1 sẽ được hỗ trợ kỹ năng để vào năm học mới hòa nhập tốt nhất. Còn HS từ lớp hai trở lên sẽ tổ chức học theo chủ đề trải nghiệm và sáng tạo. Buổi sáng HS sẽ được ôn tập và hệ thống lại kiến thức. Thời gian khác trong ngày sẽ chú trọng vào việc dạy kỹ năng và tổ chức vui chơi đúng với tinh thần của một kỳ nghỉ hè như tham gia các hoạt động thể dục thể thao, âm nhạc, tập thể dục nhịp điệu, học làm nông dân…”.

Gửi con vào chùa

Nhiều phụ huynh còn cho con tham gia rèn luyện giá trị sống ở các chùa. Chị Bùi Thị Hương (phụ huynh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1) cho rằng chọn hình thức cho con tham gia vào các khóa này với mong muốn con sẽ hiểu về Phật pháp để tự tu thân. “Việc con tham gia khóa rèn luyện giá trị sống mùa hè là hoạt động lành mạnh và rất tốt. Ở độ tuổi học THCS thì tâm sinh lý của con thường rất bất ổn, tới chùa tuân thủ quy tắc của chùa sẽ khiến con có ý thức tự giác hơn”, chị Hương nói.
Chi phí cho một khóa học hè kéo dài hơn 1 tháng ở các trường nội trú từ 5 – 7 triệu đồng. Chị Triệu Thị Hinh, có con đang theo học tại một trường nội trú Q.Gò Vấp, cho biết: “Chi phí 5 triệu cho một tháng gửi con vào trường nội trú là không lớn. Những năm trước nghỉ hè tôi thường cho con về quê chơi với ông bà để cháu gần gũi với họ hàng mà mình cũng rảnh tay lo công việc. Tuy nhiên, cho con về quê mà lòng không yên tâm vì ở quê có ao hồ… sợ con ham chơi, ông bà không theo kịp thì nguy hiểm. Phần khác vì cả năm mới được gặp cháu nên ông bà rất chiều, cho ăn thoải mái, đến khi hết hè về lại thành phố lại mệt mỏi với chuyện giảm cân. Năm nay tôi thay đổi chiến lược, cho vào trường nội trú”.
Ba năm liền gửi con ở trường nội trú, anh Hoàng Quân, phụ huynh một HS Trường Nhật Tân (Q.Gò Vấp), cho biết: “Vợ chồng tôi thường xuyên đi nước ngoài nên thời gian dành cho con ít. Chúng tôi chọn cách gửi con vào nội trú trong những tháng hè để có thể yên tâm đi công tác. Suốt thời gian ở nội trú trẻ được ôn lại kiến thức cũ, học được các kỹ năng trong cuộc sống. Mỗi khi kết thúc khóa học tôi thấy con mình trưởng thành hơn nên rất yên tâm”.
Sửa tính xấu của con ?
Nhiều phụ huynh cho rằng việc gửi con vào các trường nội trú trong kỳ nghỉ hè là một cách hữu ích để trị tính xấu của con. “Thường ngày ở nhà tôi khan cổ mới gọi được con dậy đi học. Mền gối đều do ba mẹ gấp. Sau lần đến nhà bạn thấy con người ta học nội trú mới lớp 2 mà đã biết tự làm việc cá nhân nên tôi quyết định năm nay sẽ áp dụng cách này để thay đổi tính lề mề, ỷ lại vào ba mẹ của con”, chị Trần Hương (một phụ huynh ở Q.10) cho biết.
Chị Hương nói thêm: “Nhà có đứa con duy nhất nên khi nghe tin hè này con phải vào trường nội trú ông bà cháu không đồng ý nhưng tôi muốn thử, biết đâu lại có hiệu quả thật sự. Nghỉ hè không chỉ quan tâm tới việc cho con chơi mà còn là dịp để ba mẹ sửa tính xấu cho con”.
Tương tự, chị Phùng Thị Nga (có con học Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1) chia sẻ: “Nhiều phụ huynh thường chọn cách gửi con ở nhà giáo viên chi phí khoảng 3 – 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây chỉ là hình thức nhờ người trông con, không bổ ích, sẽ làm con buồn chán. Tôi dự tính hơn một tháng gửi con vào trường nội trú sẽ “giả lơ” để con có thời gian quan sát các bạn xung quanh. Học cách chăm sóc bản thân khi không có ba mẹ bên cạnh và rèn luyện cho con có ý thức tự lập”. Mắt rơm rớm, chị Nga nói: “Từ nhỏ đến giờ tôi chưa từng xa con nhiều ngày nên đây cũng là thử thách với cả gia đình. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là phương pháp khá tốt, thời gian cũng không quá lâu nên sẽ cố gắng được. Chỉ mong sau thời gian ngắn ở nội trú con sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về tình thương của cha mẹ”.

Còn chị Trần Thảo Nguyên, một phụ huynh ở Q.1, hy vọng con mình sẽ “lột xác”, thay đổi sau kỳ “huấn luyện” này. Chị cho biết con trai năm nay lên lớp 8 và bắt đầu có một số biểu hiện ương bướng của tuổi dậy thì, lại mải chơi, thường xuyên chơi game. “Tôi đã đăng ký cho con theo học nội trú, nhưng cháu chưa chịu, chồng tôi cũng xót con, sợ con không theo được nếp sống khuôn khổ. Tuy nhiên, tôi quyết tâm đưa con vào trường nội trú coi như bắt đầu khóa rèn luyện ngắn hạn”.
Hầu hết các phụ huynh lựa chọn trường nội trú ở khu vực thành phố để tiện việc đưa đón và đưa con đi chơi cuối tuần, những lúc nhớ thì có thể đón con về nhà ngay.

Theo Thanh niên