Tin tức - Sự kiện Thi vào lớp 10 THPT còn “căng” hơn Đại học?

Thi vào lớp 10 THPT còn “căng” hơn Đại học?

14

Căng thẳng là tâm lý chung của nhiều học sinh lớp 9 đang luyện thi để bằng mọi giá kiếm được tấm vé vào lớp 10 những trường THPT mà họ cho là tốt nhất.


Ảnh minh họa

Ăn bánh mì, cơm hộp luyện thi
Chỉ còn vài ngày nữa là hàng trăm ngàn học sinh (HS) lớp 9 sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Không khí học tập đang vô cùng căng thẳng ở một số trung tâm luyện thi trong những ngày này. Nhiều phụ huynh mua bánh mì, cơm hộp đợi sẵn ở cổng trường tranh thủ cho con ăn tạm trước khi chuyển ca học tiếp.
Một số giáo viên có kinh nghiệm luyện thi nhận định sức cạnh tranh của HS thi vào lớp 10, đặc biệt vào các trường chuyên, còn căng thẳng hơn vào ĐH, CĐ. Lý do là hầu hết các HS chủ định thi chuyên đều là HS xuất sắc tại các trường THCS, hoặc học chuyên từ lớp 6, nền tảng kiến thức đều đã vững, sức học tương đương nhau, quyết tâm đều lớn nên “cuộc chiến” này sẽ rất khốc liệt. Chỉ cần kém nhau 0,5 điểm là có thể trượt mất cơ hội vào học tại các trường chuyên có chất lượng đào tạo tốt nhất.
Nhìn chị Bùi Bạch Hằng, có con học lớp 9 Trường THCS chuyên Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) tay xách hộp cơm, tay cầm lịch học được đánh dấu dày đặc của con, trực chiến ở Trung tâm luyện thi Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM), nhiều người không khỏi ái ngại. Nhưng chị Hằng lại rất phấn chấn: “Cháu nhà tôi đặt mục tiêu thi vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nên ngoài thời gian học ở nhà còn phải đến nhà giáo viên học thêm”.
Chị Hằng cho biết nhiều HS trong lớp của con mình chỉ đi ôn luyện ở trung tâm nhưng như vậy không chắc đậu nên chị xoay thêm nhiều hướng ôn thi khác. “Tôi sắp xếp cho con học 4 môn toán, văn, tiếng Anh, hóa ở trường. Vừa tan học tôi đợi sẵn rồi chở con học ca 2 ở trung tâm khác. Ngoài ra, tôi còn chở con tới nhà giáo viên học thêm 2 môn toán, hóa. Nhờ có người quen giúp nên tôi mời thêm được giáo viên tiếng Anh và văn có tiếng dạy giỏi ở Trường Lê Hồng Phong về nhà dạy thêm. Tôi nghĩ ngoài việc nắm chắc kiến thức thì kinh nghiệm đoán đề thi của những giáo viên này còn quý hơn vàng”, chị Hằng cho biết. Chỉ vào hộp cơm trên tay, chị nói mấy ngày nay vội ôn thi, không có thời gian ghé qua nhà nên hai mẹ con đều phải ăn cơm hộp. Chúng tôi hỏi chị có lo việc học quá nhiều nơi sẽ làm con chị bị rối và thời gian học quá nhiều liệu sức khỏe con chị có chịu nổi? Chị Hằng cười: “Đâu phải cả năm con tôi đều học như vậy đâu. Cả năm chỉ có tháng này là vất vả thôi. Nếu không gắng thi cho được thì 3 năm THPT còn mệt mỏi hơn”.
Vừa tan học ở một trung tâm luyện thi, Nguyễn Anh Bằng (HS Trường THCS Lê Quý Đôn) tranh thủ ôn lại bài lúc đợi ba mẹ tới đón. Bằng nói: “Cả tháng nay áp lực học thi của em rất lớn, một tuần 3 buổi em về tới nhà đều đã hơn 21 giờ”. Theo Bằng thì thời điểm này để tổng hợp kiến thức và chuẩn bị tâm lý ôn thi là tốt nhất. Dù biết vậy nhưng vì lo lắng nên Bằng muốn nhét thêm chút kiến thức. Theo Bằng: “Năm nay em thi vào Trường chuyên Trần Đại Nghĩa nên cũng khá căng. Tuy tỷ lệ chọi không cao như ĐH nhưng rất “cứng” vì hầu hết những bạn đăng ký thi chuyên đều đã xác định lực học trước”.

Lo “học tài thi phận”
Không chỉ HS đăng ký thi vào trường chuyên căng thẳng mà những HS muốn vào trường THPT lấy từ khoảng 30 điểm trở lên cũng ôn luyện sôi nổi không kém. Những HS này chủ yếu ôn thi ngay tại trường THCS vì cho rằng học ở trường nhiều năm quen với cách dạy của nhiều giáo viên ở trường nên tiếp nhận tốt hơn.
Lê Trần Uyên Vy (HS lớp 9 Trường THCS Lê Lợi) nói: “Vào ĐH bây giờ có rất nhiều lựa chọn. Một ngành nghề có rất nhiều trường đào tạo nên cơ hội đậu ĐH cũng rất cao. Ngoài ra, nếu không đậu nguyện vọng này thì vẫn có thể nộp nguyện vọng vào trường khác. Còn thi lớp 10 thì khác. Chúng em không có nhiều lựa chọn như thế mà phải đi đúng tuyến, chọn đúng trường. Chỉ cần thi rớt thì rất có thể phải vào học tại trung tâm GDTX hoặc trường tư thục”.
Để không bị mất tập trung trong lúc học, nhiều HS tìm tới nhà thờ, chùa để học cho yên tĩnh. Hoàng Toàn Thắng (HS Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3) cho biết: “Nhà em bán hàng ăn rất ồn ào, không có không gian riêng nên nhiều ngày nay cứ sáng sớm thức dậy ăn sáng xong là em xách theo cơm mẹ bới sẵn chạy ra nhà thờ học. Trưa ăn xong thì ngủ luôn ở đó, chiều mới về nhà”.
Thắng chia sẻ thêm: “Năm nay em thi vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Năm ngoái trường này lấy điểm chuẩn là gần 40 điểm. Em nghĩ là số điểm này vừa với sức học của mình nhưng sợ học tài thi phận nên em gắng ôn luyện thật kỹ trước khi thi để nếu thi trượt thì sau này không phải tiếc”.
Cùng đi học với Thắng là Bùi Hoàng Phúc. Phúc cho biết: “Em cũng chọn thi vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nhưng do lực học yếu hơn Thắng nên rất run. Mấy ngày nay em luôn nghĩ nếu mình thi trượt THPT thì thế giới sẽ sụp đổ. Nếu phải vào học ở trường khác em sẽ rất buồn…”.

Theo Thanh niên