Chiến lược Doanh nghiệp và tầm nhìn doanh nghiệp

Doanh nghiệp và tầm nhìn doanh nghiệp

9
Trong một buổi tọa đàm về tầm nhìn và các giá trị nền tảng của doanh nghiệp giữa các doanh nhân trẻ, một giám đốc và cũng là chủ doanh nghiệp bộc bạch:
…tuy công ty đã tồn tại được vài năm, nhưng bản thân ông cũng không rõ tầm nhìn và các giá trị nền tảng của doanh nghiệp mình là gì. Nghĩ lại, trường hợp như vị giám đốc kia không phải là hiếm trong thực trạng các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay.
Phần đông khi doanh nghiệp mới thành lập, nỗi bận tâm đầu tiên và lớn nhất của người chủ, người giám đốc là làm sao kiếm được tiền để tồn tại. Vượt qua được giai đoạn thử thách ban đầu cũng phải mất ít nhất hai, ba năm, đến lúc này anh mới có dịp nhìn lại và nhận ra rằng doanh nghiệp mình mới chỉ là một cỗ máy cơ học tạo lợi nhuận, và hình như đang thiếu một cái gì đó để có thể phát triển bền vững. Cái thiếu đó chính là tầm nhìn định hướng chiến lược cho doanh nghiệp phát triển.
Thiếu vắng điều này, chúng ta như người đi trong rừng rậm mà không có la bàn, đi trên biển lớn mà không có hải đồ. Khi doanh nghiệp mới thành lập, tất cả sức lực đều tập trung cho việc đẩy con thuyền doanh nghiệp ra khỏi bờ tránh bị sóng đánh quay trở lại, nhưng khi con thuyền đã ra khơi, áp lực bị xô trở lại bờ có giảm xuống, thì những câu hỏi: “Chúng ta sẽ đi đâu, về đâu?” bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều hơn. Đối với người thuyền trưởng tài ba, có thể căn cứ vào hải đồ, la bàn, nhìn sao, xem hướng gió… để tìm hướng cho con thuyền cặp đúng cảng mong đợi. 
Vậy người chủ doanh nghiệp căn cứ vào đâu để định hướng cho doanh nghiệp của mình đi đến bến bờ của thành công? Để định hướng được, người chủ doanh nghiệp, người giám đốc phải có được một tầm nhìn cho sự phát triển của doanh nghiệp mình. Đã khi nào chủ doanh nghiệp tự suy ngẫm, xem thử mình mong đợi gì từ công việc kinh doanh, từ doanh nghiệp, từ đội ngũ nhân viên đang cùng anh chèo chống con thuyền này ngoài việc làm giàu hay chưa? Tất nhiên mục đích đầu tiên của các doanh nhân là mưu tìm lợi nhuận, nhưng ngoài điều đó ra còn cần thêm cái gì khác nữa không? Trong phạm vi bài này, người viết chỉ xin đề cập đến một khía cạnh của vấn đề này. Đó là những nền tảng căn bản nhất của một tầm nhìn định hướng chiến lược cho mỗi doanh nghiệp.
Có người ví von tầm nhìn chiến lược hay tôn chỉ định hướng của doanh nghiệp quan trọng như bản hiến pháp của một quốc gia. Có lẽ điều này cũng không phải là quá cường điệu. Mọi hoạt động, định hướng phát triển của doanh nghiệp nhất nhất phải tuân theo tầm nhìn định hướng này. Mục tiêu từng thời kỳ có thể thay đổi, nhưng tầm nhìn, tôn chỉ định hướng của doanh nghiệp phải mang tính dài hạn và phải được phổ biến sâu rộng trong toàn công ty để mỗi thành viên hiểu, tự hào và toàn tâm, toàn ý thực hiện. Chính những điều này góp phần tạo nên phần hồn cho một doanh nghiệp, cái mà chúng ta hay gọi là văn hóa doanh nghiệp.
Nếu chúng ta hình dung, tầm nhìn định hướng và các giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp là một hình kim tự tháp có mặt đáy là một hình vuông, thì vị trí của tầm nhìn (vision) nằm ở đỉnh của kim tự tháp, còn bốn cạnh đáy của kim tự tháp chính là bốn giá trị nền tảng (core value) mà tầm nhìn của công ty phải hướng đến hay thỏa mãn được. Bốn cạnh đáy của kim tự tháp đó là: Khách hàng; người lao động trong doanh nghiệp; các cổ đông; và cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động. Điều này có nghĩa là định hướng theo tầm nhìn chiến lược đó, các hoạt động của doanh nghiệp phải mang lại giá trị cho cả bốn nhóm trên. Có thể hiểu nôm na là thiếu vắng một trong bốn nhóm, hoặc xem nhẹ một yếu tố nào, tầm nhìn định hướng sẽ thiếu đi sự vững chắc của một hình khối kim tự tháp – tượng trưng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Yếu tố thứ nhất là giá trị mang lại cho khách hàng. Ngày nay, trong tất cả các tài liệu về marketing, về quản trị đều nhấn mạnh tới định hướng khách hàng. Khách hàng chính là người mang lại nguồn lợi cho doanh nghiệp. Có khách hàng nghĩa là sẽ có doanh số, có lợi nhuận, khi đó công ty mới tồn tại và phát triển được. Thỏa mãn nhu cầu của khách hàng là mục tiêu của tất cả các công ty trong nền kinh tế thị trường. Nhưng chỉ dừng lại ở thỏa mãn là chưa đủ, các nhà nghiên cứu marketing còn chỉ ra rằng để khách hàng hài lòng với sản phẩm và dịch vụ của công ty mới chỉ là bước một.
Sản phẩm và dịch vụ của bạn tốt, nếu một công ty khác cũng tốt như vậy, chắc chắn sẽ có một số khách hàng bỏ bạn mà đi. Cao hơn nữa là bạn phải chiếm được tâm trí và trái tim của khách hàng. Bạn cần phải làm thế nào để khách hàng cảm thấy họ yêu sản phẩm, dịch vụ của công ty bạn, họ cảm thấy đó là một phần cuộc sống của họ, khi đó bạn sẽ thành công. Tầm nhìn chiến lược hay tôn chỉ định hướng của một doanh nghiệp phải hướng về khách hàng trước tiên, phải mang lại giá trị cho họ. Đó là giá trị nền tảng đầu tiên của tầm nhìn.
Mang lại giá trị cho người lao động trong công ty là giá trị nền tảng thứ hai. Doanh nghiệp của chúng ta phải thực sự quan tâm và mang lại lợi ích cho người lao động, những người đang ngày đêm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ đưa đến tay khách hàng. Họ chính là những người đại diện cho công ty tiếp xúc với khách hàng. Một công ty không quan tâm, chăm sóc những thành viên của mình, rất khó có thể quan tâm thực sự đến các khách hàng của mình. Vì thế ngày càng có nhiều công ty thực sự chăm lo đội ngũ của mình không chỉ bằng các chính sách, chế độ lương bổng thỏa đáng, mà còn là điều kiện phát triển nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến, cơ hội tham gia điều hành và cùng sở hữu doanh nghiệp qua các hình thức bán và chia cổ phần.
Giá trị nền tảng thứ ba của tầm nhìn định hướng chính là các giá trị mang lại cho cổ đông, cho chủ đầu tư. Nhà đầu tư bỏ tiền vào doanh nghiệp không phải chỉ để giải trí hay để làm công tác xã hội. Điều mà doanh nghiệp không được quên, đó là lợi nhuận mà nó mang lại qua các sản phẩm và dịch vụ của mình. Phải bảo toàn vốn và mang lại lợi nhuận cho cổ đông, cho những người chủ của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chỉ có “tiếng” mà không có “miếng”, e rằng về lâu, về dài doanh nghiệp đó không tồn tại được. Nhà đầu tư đã bỏ vốn phải có lời và doanh nghiệp phải có lợi nhuận để tái đầu tư, phát triển.
Mang lại giá trị cho cộng đồng, cho xã hội là điều mà các doanh nghiệp không được quên. Doanh nghiệp không chỉ chăm lo cho khách hàng, cho người lao động, cho chủ đầu tư mà còn cần quan tâm đến cộng đồng, nơi doanh nghiệp hoạt động, nơi thị trường muốn nhắm đến. Trong cộng đồng, ngoài khách hàng còn bao gồm cả người lao động, những người đang làm việc trong doanh nghiệp và đối với các công ty cổ phần đại chúng, nó còn bao gồm luôn các cổ đông hiện tại lẫn tiềm năng. Tạo ra giá trị cho cộng đồng cũng chính là tạo thêm giá trị cho ba yếu tố chúng ta đề cập ở trên.
Tầm nhìn định hướng của một doanh nghiệp phải dựa trên nền tảng mang lại cả bốn nhóm giá trị mà chúng ta đề cập. Có thể ở thời điểm này, mặt này được chú trọng hơn mặt kia một chút, ở thời điểm khác giá trị này ít hơn giá trị kia một tí, nhưng không thể thiếu vắng hoàn toàn một giá trị nào. Sự thiếu hụt một giá trị bất kỳ sẽ dẫn đến sự mất cân đối của cả hình khối kim tự tháp, và nếu không được điều chỉnh kịp thời, rất khó có thể nghĩ về sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Và cuối cùng, không ai có thể làm thay chủ doanh nghiệp, lãnh đạo công ty định hướng về tầm nhìn cho tổ chức của mình ngoài chính bản thân anh và những thành viên trong hội đồng. Anh phải tự mổ xẻ bản thân mình hay nói cách khác anh phải biết rõ ràng mình muốn điều gì, muốn doanh nghiệp mình giữ vị trí nào trong ngành kinh doanh này, công ty mình tạo dựng ra sẽ như thế nào trên thương trường sau 10 năm, 20 năm và lâu hơn nữa. Chỉ có anh mới có thể trả lời được các câu hỏi này.
“Một doanh nghiệp không có tầm nhìn sẽ giống như một người đi trong rừng mà không có la bàn, đi trên biển lớn mà không có hải đồ”.

Theo TBKTSG