Đào tạo Sẽ làm gì khi bị “cấm” làm việc với đối thủ ?

Sẽ làm gì khi bị “cấm” làm việc với đối thủ ?

12
Bạn được đề nghị một chỗ làm mới với một chức vụ và mức lương mới tương đối hấp dẫn. Đã đến lúc Bạn phải đặt bút ký vào tờ cam kết và Hợp đồng lao động. Cầm tập hồ sơ giấy tờ trên tay và nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, Bạn chợt phát hiện ra một vấn đề, rằng sau khi nghỉ việc tại công ty này, trong một thời gian nhất định, Bạn không được phép làm việc hoặc cộng tác với bất cứ một công ty đối thủ cạnh tranh nào. Bạn sẽ làm gì với tình huống đó?

Điều khoản đặc biệt trong hợp đồng:

“Sau khi thôi việc tại công ty chúng tôi, nếu không được sự đồng ý của chúng tôi bằng văn bản, Anh/Chị không được phép làm việc hay cộng tác với bất cứ một công ty đối thủ nào của chúng tôi trong vòng nửa năm (hoặc hơn thế tùy vào từng công ty cụ thể).”

Điều khoản này, thoạt nghe thì có vẻ như rất khó lọt tai, nhưng thật ra cũng chỉ là một điều khoản chung chung rút ra từ thực tế của nhiều công ty. Các công ty này đã bỏ tiền để đào tạo, huấn luyện các nhân viên của mình với mục đích họ sẽ là những thành viên trung thành nhất, nhiệt huyết nhất. Nhưng chuyện chảy máu chất xám là điều không tránh khỏi, việc nhảy từ chỗ làm này sang chỗ làm khác, đặc biệt là việc nhảy sang làm cho các đối thủ cạnh tranh của các nhân viên công ty đã dẫn đến nhiều thiệt hại cho các ông chủ, dù những thiệt hại đó là vô hình và khó định giá được.

Do đó, điều khoản này – dù sao cũng là một phần rất nhỏ của một hợp đồng- vẫn được coi là nhẹ nhàng so với cả một tập hồ sơ chính sách được nghiên cứu và chuẩn bị kỹ càng bởi các luật sư dày dạn kinh nghiệm của công ty, những người luôn muốn đề phòng nạn chảy máu chất xám.

Bạn sẽ quyết định ra sao trước khi cầm bút ký vào HĐLĐ mà trong đó có có ghi rõ rằng Bạn sẽ không được phép làm việc hay cộng tác với bất cứ một công ty đối thủ nào khi Hợp đồng hết hiệu lực?

Có lẽ, những điều khoản này chỉ áp dụng đối với các top managers – những người giữ các vị trí then chốt trong công ty. Trong các trường hợp cá biệt hơn Nhà tuyển dụng cũng có thể áp dụng đối với các cấp lãnh đạo khác thấp hơn.

Lẽ đương nhiên, đối với các ứng viên tìm việc, điều khoản này hoàn toàn không có lợi. Tại các nước Tây Âu, chuyện cấm các nhân viên của mình làm việc hoặc cộng tác với các đối thủ cạnh tranh được coi là hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, hiện nay, tại Nga cũng như tại Việt Nam, các công ty không áp dụng những biện pháp cứng nhắc như vậy. Các ông chủ đơn thuần chỉ muốn ký văn bản thỏa thuận với nhân viên về việc giữ bí mật kinh doanh, theo đó, các nhân viên, khi được tiếp nhân vào làm việc, không được phép tiết lộ các bí mật kinh doanh của công ty cũng như không được phép tự động liên hệ với các khách hàng của công ty vì mục đích cá nhân.

Nhưng nếu như ông chủ vẫn cứ khăng khăng buộc Bạn phải chấp nhận điều kiện của ông ta – nếu Bạn muốn được thu nhận vào công ty, Bạn sẽ quyết định như thế nào?

Hoặc là Bạn nên từ chối thẳng thừng, đó là phương án đơn giản nhất không cần phải bàn đến nữa. Hoặc là Bạn sẽ phải đàm phán với nhà tuyển dụng, và để nắm chắc phần chủ động cho mình, Bạn nên tham khảo ý kiến của các luật sư có kinh nghiệm. Trong cuộc đàm phán này, Bạn nên cố gắng thuyết phục Nhà tuyển dụngï thay đổi điều khoản “cấm làm việc hoặc cộng tác với đối thủ cạnh tranh.” bằng một điều khoản khác nhẹ nhàng hơn như “không tiết lộ bí mật kinh doanh cho một bên thứ ba nào”.

Qua cuộc thương lượng này, Bạn phải hiểu được mục đích của Nhà tuyển dụng: họ chỉ muốn đơn thuần là giữ gìn và bảo vệ các bí mật kinh doanh hay muốn độc quyền sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của Bạn – một thứ tài sản quý giá thuộc sở hữu của Bạn – và không cho bất cứ một công ty nào được sử dụng. Nếu ở trường hợp đầu tiên, việc thỏa thuận có thể dễ dàng được thực hiện, nhưng trong trường hợp thứ hai, chắc chắn là Bạn sẽ phải từ chối, nếu như lý trí vẫn làm việc hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, việc thỏa thuận của Bạn có đạt được kết quả có lợi cho Bạn hay không một phần phụ thuộc vào kiến thức, trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc của Bạn. Thường trong một hợp đồng lao động kiểu này, các ông chủ bao giờ cũng muốn sử dụng các thuật ngữ trừu tượng chung chung, khó nhận diện được ý nghĩa của câu từ, do đó, đối với một nhân viên bình thường không có kiến thức về luật pháp, các ông chủ dễ dàng qua mặt.

Tốt nhất, nếu Bạn không được tin tưởng vào kiến thức luật pháp của mình, nên tham vấn ý kiến với các luật sư có kinh nghiệm. Và nếu như Banï vẫn không thể thuyết phục được ông chủ thay đổi quyết định, hãy cố gắng hạn chế tính hiệu lực của điều khoản nói trên.

Nhưng nếu giả sử Bạn đã ký hợp đồng lao động với một công ty X nào đó, sau một thời gian Bạn quyết định nhảy sang làm việc cho một đối thủ cạnh tranh của công ty X, làm sao để tránh các rắc rối khi phải đối mặt với những điều khoản Bạn đã ký trong hợp đồng?

Trước khi quyết định thay đổi chỗ làm việc, Bạn nên tham vấn ý kiến với các luật sư kinh nghiệm để tìm ra các biện pháp hữu hiệu bảo vệ quyền lợi của mình. Điều quan trọng tiếp theo là Bạn phải nên nói như thế nào với ông chủ của Bạn về chỗ làm mới. Trước lúc nghỉ việc tại công ty cũ, chớ nên thu thập các thông tin số liệu hoặc mang chúng ra khỏi văn phòng. Trong đơn xin nghỉ việc, Bạn cũng nên nói rõ cho mọi người biết rằng Bạn sẽ bàn giao công việc chu đáo, và sẽ tuyệt đối giữ kín các thông tin bí mật của công ty.

Tin rằng, với cách xử sự khéo léo, hợp tình, hợp lý của Bạn, có thể ông chủ của Bạn còn viết thư cám ơn Bạn vì những gì Bạn đã làm cho công ty, và biết đâu, lá thư giới thiệu của ông ta sẽ giúp Bạn có thêm nhiều ưu thế cho chặng đường kiếm việc sau này.

Theo Bwportal