Marketing Startup đừng đâm đầu làm quảng cáo nữa, hãy làm PR!

Startup đừng đâm đầu làm quảng cáo nữa, hãy làm PR!

11
Startup thường bị nhầm lẫn giữa truyền thông cho một doanh nghiệp lâu năm và PR cho những startup mới bắt đầu. Bài viết này sẽ phân định rõ ranh giới giữa 2 câu chuyện này.


Ảnh minh họa

Truyền thông quảng cáo sản phẩm không hề rẻ tiền chút nào. Facebook cũng đang tăng giá quảng cáo chóng mặt. Các nội dung thương hiệu đang dần trở nên nhàm chán trong mắt người dùng Facebook, Google. Khách hàng cần một nội dung phù hợp hơn, gắn liền với đời sống hàng ngày của họ.

Tại sao phải làm PR?

PR là viết tắt của từ Public Relationship – xây dựng quan hệ với công chúng. Xin hãy chú ý chữ “quan hệ”. Để trở thành một mối quan hệ với công chúng, thương hiệu cần tương tác 2 chiều – tức là người đọc, khách hàng tiềm năng của bạn sẵn lòng “share”, “inbox” nói chuyện cùng thương hiệu. Tất nhiên, để làm được điều này không hề dễ dàng chút nào.

Các thương hiệu đã có tuổi đời, họ có sẵn nguồn khách hàng quay lại (sử dụng lại) và khách hàng trung thành. Chuyện họ cần làm là dựa vào các công cụ quảng cáo để boom cho sản phẩm/dịch vụ/khuyến mãi mới đến các khách hàng của họ và những khách hàng tiềm năng.

Còn đối với startup, đây là câu chuyện từ con số 0. Không có khách hàng có sẵn, không có kinh nghiệm sử dụng sản phẩm, tại sao họ lại phải sử dụng dịch vụ của bạn? Thiếu lý do để tin tưởng (reason-to-believe), mọi thông tin quảng cáo rầm rộ (và tốn rất nhiều tiền) sẽ không thể thu được hiệu quả quá tốt.

PR giải quyết được câu chuyện này, PR sử dụng những kênh xuất bản nội dung có sẵn như báo mạng, kênh Facebook page giải trí… để phổ biến nội dung sản phẩm cực kỳ rõ ràng (nội dung chữ nhiều hơn quảng cáo thông thường), và gắn sản phẩm với giá trị cụ thể. Grab là một ví dụ điển hình, họ làm điều này cực kỳ thành công với 2 fanpage chính là Tuyết Bitch Collection và Thỏ Bảy Màu.

Làm PR chuyên nghiệp cần một nhân viên PR thuộc dạng “pro”. Các startup có thể thuê người làm PR theo dạng bán thời gian hoặc theo hợp đồng. Chỉ cần một người làm PR giỏi, thông tin sản phẩm của bạn có thể xuất hiện khắp mọi nơi với chi phí cực kỳ rẻ.

Nhưng điều startup cần quan tâm thứ 2 khi bắt đầu làm PR là: chúng ta có thể cung cấp giá trị gì cho khách hàng?

Nhiều startup bị nhầm lẫn khi cho rằng: chỉ cần nội dung sản phẩm tốt, PR đúng kênh là được. Quan niệm này không đúng, bạn vẫn cần phải học tập các công ty có tuổi đời: phải có giá trị “call-to-action” – làm sao cho khách hàng đọc thông tin PR xong là muốn dùng liền.

Kinh nghiệm từ một trường hợp thực tế: một ứng dụng đặt khách sạn mới ra mắt. Startup chỉ mong có lượng cài đặt mới là hàng chục ngàn người cài ứng dụng, mà không quan tâm đến chuyện người dùng sẽ cảm nhận thế nào.

Tôi đã từng tư vấn: hãy nhắm vào nhu cầu cụ thể, chi phí cài ứng dụng sẽ giảm rất nhiều. Nhu cầu cụ thể ở đây là gì? Nếu là khách sạn, nhu cầu nổi bật ngay mỗi tuần là tối thứ 7 đi chơi cùng bạn gái. Tại sao cần thuê khách sạn tối thứ 7 thì tôi xin phép không cần trình bày. Nếu thông tin PR phủ cực mạnh vào mỗi chiều thứ 6 cho thông điệp này, “khách sạn đẹp rẻ luôn sẵn sàng trên ứng dụng ABC vào mỗi tối thứ 7” – chắc chắn sẽ hiệu quả hơn bỏ tiền quảng cáo kiếm lượt cài đặt rất nhiều.

PR giải quyết một câu chuyện cực kỳ hiệu quả mà quảng cáo khó làm: thông điệp dễ nhớ trong thời gian dài và dễ chia sẻ hơn các banner quảng cáo khô khan. PR là thông điệp được trau chuốt hơn các câu quảng cáo sặc mùi tiền. Và khách hàng Việt Nam thì chưa bao giờ yêu thương quảng cáo…

Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ đề cập đến cách làm Online PR theo dạng “trao đổi ngang” và “tiếp thị liên kết” giá 0 đồng. Mời quý bạn đón đọc.

Theo Trí Thức Trẻ