Chiến lược Nhân danh khoa học: Đừng tin mọi lời chuyên gia nói

Nhân danh khoa học: Đừng tin mọi lời chuyên gia nói

13
Con người có xu hướng chống lại những nhận định khoa học khi chúng đối nghịch lại niềm tin trực giác của họ, từ đó tạo cơ hội cho những lý thuyết ngụy khoa học len lỏi vào trong đời sống xã hội.


Ảnh minh họa

*Bài viết có sử dụng tư liệu của bác sĩ Atul Gawande đăng trên tờ Newyorker ngày 10/6/2016. Ông là bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Brigham and Woman ở Boston, giáo sư khoa Quản Lý và Chính Sách Sức Khỏe tại Harvard T. H. Chan School of Public Health, và giáo sư phẫu thuật tại Harvard Medical School. Với vai trò là nhà nghiên cứu trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng Mỹ, ông Gawawande đã có nhiều bài viết về lĩnh vực y tế cho tờ The Newyorker.

Chúng ta hãy đến với câu chuyện thuyết địa tâm và nhật tâm trong khoa học thiên văn. Theo bạn, Trái đất là trung tâm vũ trụ (thuyết địa tâm) khi mọi hành tinh đều quay quanh nó hay mặt trời mới là trung tâm vũ trụ (thuyết nhật tâm)?

Câu trả lời là cả 2 đều sai bét.

Thuyết địa tâm là thuyết thiên văn học định hình sớm nhất trong lịch sử nhân loại, được nhiều nhà khoa học như Aristotle hay Ptolemy công nhận. Trong khi đó thuyết nhật tâm chỉ được phát triển rộng rãi từ thế kỷ 17 bởi các nhà khoa học Copernicus, Kepler hay Galileo và chịu rất nhiều áp lực chống đối từ Thiên chúa giáo.

Ngày nay, rất nhiều người ủng hộ thuyết nhật tâm khi cho rằng mặt trời là trung tâm của vũ trụ khi các hành tinh khác, bao gồm trái đất, quay quanh nó.

Tuy nhiên, trên thực tế thì những nghiên cứu mới nhất của khoa học đã chứng minh được rằng thuyết nhật tâm chưa hoàn toàn chính xác. Theo đó, mặt trời chỉ là tâm của các hành tinh khác quay xung quanh và chỉ đứng yên nếu xét trên hệ quy chiếu phẳng của hệ mặt trời.

Mặt trời chỉ là 1 trong 200-400 tỷ ngôi sao của dải ngân hà (Milky Way) và liên tục di chuyển. Bởi vậy, không phải trái đất và cũng chẳng phải mặt trời là trung tâm của vũ trụ, chúng ta chỉ là những ngôi sao nhỏ bé trong dải ngân hàng với hàng tỷ ngôi sao khác.

Một câu hỏi tiếp theo, đỉnh Everest có phải là đỉnh núi cao nhất thế giới? Không hẳn.

Nếu tính từ mặt nước biển tới đỉnh núi thì đúng là đỉnh Everest là đỉnh núi cao nhất với 8.848 m, nhưng nếu tính từ chân núi, bao gồm phần chìm trong nước biển thì đỉnh Mauna Kea (Hawaii) mới là số 1 với 10.200m. Tuy nhiên, nếu tính từ mặt nước thì đỉnh Mauna Kea chỉ cao 4.204m.

Nghiên cứu khoa học: Lắm thầy nhiều ma

Bạn thấy gì từ những thông tin trên? Rõ ràng, những suy luận thông thường của con người từ hàng triệu năm qua đã liên tục bị thách thức và bác bỏ bởi khoa học. Giờ đây, những bộ óc khoa học liên tục đề nghị mọi người hãy từ bỏ những suy nghĩ trực quan để kiểm chứng các thông tin trước khi công nhận chúng.

Dẫu vậy, sự bùng nổ của công nghệ và phát triển của khoa học, đi theo hàng loạt những định kiến và sự thật bị phá bỏ khiến con người ngày nay mang nhiều niềm nghi ngờ và tính thích tranh chấp hơn trước. Họ thường nhân danh khoa học để chứng minh một luận điểm mà phần nhiều mang tính trực quan hơn là thực tế kiểm định.

Nhà vật lý vĩ đại Edwin Hubble vào năm 1938 đã từng nói rằng một nhà khoa học cần có sự nghi ngờ lành mạnh, đánh giá có chừng mực và trí tưởng tượng có quy củ. Nói các khác, các nhà khoa học và con người ngày nay cần có sự kiểm chứng với các luận điểm mới hơn là việc thích đi tranh chấp.

Vào tháng 2/1998, Bác sĩ Andrew Wakefield công bố nghiên cứu cho thấy có sự liên kết giữa các vắc xin phong bệnh với chứng tự kỷ và loãng xương ở trẻ nhỏ. Cụ thể, chất bảo quản Thimerosal được dùng trong vắc xin nhằm ngăn ngừa tình trạng nhiễm độc vi khuẩn là nguyên nhân gây ra những căn bệnh trên.

Dẫu vậy, nghiên cứu này chỉ được thực hiện trên 12 trẻ nhỏ nhưng vẫn được ông Wakefield công bố rộng rãi thành quả của phát hiện mới này. Kể từ đây, hàng loạt cuộc tranh cãi của các nhà khoa học diễn ra trong suốt 19 năm qua về tác hại của vắc xin liên quan đến chứng tự kỷ và loãng xương của trẻ em.

Rất nhiều thí nghiệm, nghiên cứu cho thấy vắc xin không liên quan đến 2 chứng bệnh này, hoặc không có bằng chứng rõ ràng cho thấy điều đó. Tuy nhiên, rất nhiều người dân Mỹ vẫn từ chối tiêm vắc xin do thông tin trên, họ thậm chí còn cho rằng các hãng dược đã trả tiền để các nhà khoa chọc bưng bít thông tin.

Một vài quốc gia trên thế giới đã cấm dùng Thimerosal nhưng tỷ lệ trẻ em mắc bệnh tự kỷ và loãng xương vẫn tăng lên. Thậm chí, một nghiên cứu ở Anh chứng minh sự liên quan giữa vắc xin với chứng bệnh tự kỷ đã bị rút lại do phát hiện giả mạo khi những nhà khoa học chịu trách nhiệm cho dữ liệu này đã cố tình làm giả và bóp méo sự thật. Rất nhiều nỗ lực nhằm xác nhận thành quả nghiên cứu trên đều không thành công.

Hiện vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy vắc xin khiến trẻ tự kỷ và loãng xương và rất nhiều nhà khoa học chứng minh đây là luận điểm vô căn cứ nhưng mọi người vẫn sợ. Vào năm 2016, tỷ lệ mắc sởi và quai bị tăng vọt ở Mỹ, Canada và các nước Châu Âu.

Rõ ràng, con người có xu hướng chống lại các khẳng định khoa học khi chúng đối nghịch với niềm tin trực giác của họ. Nhiều người không thấy ai bị quai bị hay sởi quanh mình mà chỉ thấy những đứa bé tự kỷ hay loãng xương, để rồi khi những câu chuyện như “Con tôi hoàn toàn bình thường cho đến khi tiêm vắc xin” diễn ra và mọi người bắt đầu lo sợ. Đến khi những nghiên cứu “nhân danh khoa học” được đưa ra, các bà mẹ đua nhau tin vào chúng mà không kiểm nghiệm hay nhìn vào những nghiên cứu khác.

Một khi những ý tưởng phản khoa học này bám rễ, việc loại bỏ chúng là rất khó dù rất nhiều bằng chứng khoa học đã chứng minh họ sai. Nói cách khác, uy tín khoa học đã bị suy giảm nghiêm trọng khi quá nhiều nghiên cứu, thống kê, báo cáo được tung ra hàng ngày từ những tổ chức, chuyên gia trời ơi đất hỡi mà không có sự kiểm chứng rõ ràng từ những người đọc chúng.

Nhà xã hội học Gordn Gauchat đã nghiên cứu những dữ liệu điều tra tại Mỹ trong khoảng 1974-2010 và nhận thấy khi trình độ giáo dục tăng lên, niềm tin của công chúng vào cộng đồng khoa học lại ngày một giảm sút, nhất là những người theo đường lối bảo thủ. Nghiên cứu của Gauchat cho thấy năm 1974, tầng lớp người bảo thủ có bằng đại học là những người tin vào khoa học nhất thì nay chính những người này lại ít tin vào các báo cáo nghiên cứu nhất.

Theo Gauchat, xã hội ngày nay chia thành các nhóm niềm tin khác nhau. Những nhóm tôn giáo chống đối lại thuyết tiến hóa của Darwin, trong khi những nhóm công nghiệp hoài nghi về tầm quan trọng của biến đổi khí hậu. Chúng ta cũng chẳng xa lạ gì với những trường phái chữa bệnh, sống dưỡng sinh được cho là từ các nghiên cứu bị vùi dập bởi những tổ chức y tế ăn tiền của các công ty dược.

Những nhóm này có một niềm tin trực quan của riêng mình và họ cố tình củng cố chúng bằng những nghiên cứu phản khoa học.

Kể từ đây, thuật ngữ ngụy khoa học (Pseudoscience) ra đời.

Nhân danh khoa học

Để bảo vệ những niềm tin của mình, các nhóm bác bỏ uy tín của khoa học và thay đổi bằng những cách phản biện khác nhau để củng cố luận điểm của bản thân.

Những người theo đạo, các thành viên theo phong trào dưỡng sinh tự phát hay những nhóm công nghiệp, chính trị không cố gắng phản bác khoa học theo lẽ thường bằng những thí nghiệm hay nghiên cứu cụ thể. Thay vào đó, họ xây dựng một hệ thống lý thuyết và cho rằng chúng mang tính khoa học hơn.

Có một điều khá thú vị ở những nhà ngụy khoa học này là họ họ luôn tranh luận rằng sự thống nhất trong các quan điểm khoa học trước đó là âm mưu đàn áp những luận điểm đối lập.

Sau đó, những nhóm này tạo ra các chuyên gia giả mạo có quan điểm đối lập nhưng không hề có một hoạt động khoa học đáng tin nào. Tất cả những gì các chuyên gia này làm là đi diễn thuyết, trình bày các “công trình” không được kiểm nghiệm, chọn lọc những dữ liệu khoa học gốc để tô vẽ và thách thức các luận điểm cũ. Đáng ngạc nhiên hơn, những nhà ngụy khoa học này sử dụng những so sánh khập khiễng và ngụy biện logic trong mắt các nhà nghiên cứu nhưng lại lừa được phần lớn người bình thường.

Năm 2011, chuyên gia biến đổi khí hậu John Cook của trường đại học Queensland và giáo sư Stephan Lewandowsky của trường đại học Tây Australia đã cho xuất bản cuốn sách “The Debunking Handbook” (Sổ tay hứng dẫn lật tẩy ngụy khoa học).

Theo đó, kết quả nghiên cứu của Cook và Lewandowsky cho thấy việc lật tẩy ngụy khoa học thường phản tác dụng khi chúng kích thích người bình thường tìm hiểu nhiều hơn về ngụy khoa học và có xu hướng tin vào chúng nếu những thông tin này củng cố quan điểm trực giác của họ.

Hiện nay, rất nhiều báo cáo, thông tin, bài viết không thể lấy những minh chứng thực nghiệm phạm vi rộng hoặc những tính toán cụ thể mà phải mượn từ những nghiên cứu của các nhà khoa học khác. Từ đây, việc bóp méo số liệu, thông tin trở nên dễ dàng hơn nhưng vẫn khiến người đọc có cảm tưởng là chúng logic.

Bạn đã bao giờ đọc một báo cáo, bài phân tích hay thậm chí bài báo mà xem xét kỹ nguồn tư liệu của chúng chưa? Bạn có thấy ngạc nhiên khi tất cả những bài luận văn khoa học đều phải dẫn chứng từng quan điểm dựa trên những nghiên cứu nào với rất nhiều tư liệu trích dẫn và nguồn tham khảo không?

Dẫu vậy, kiến thức ngày nay quá rộng lớn để một con người có thể tìm hiểu hết, để rồi rất nhiều người có học thức lâm vào những định kiến ngụy khoa học mà họ không biết. Các bác sĩ ngày nay chẳng lạ gì với việc dò hỏi, phản bác từ những bệnh nhân có học thức thay vì từ những người không biết nhiều, và phần lớn những phản biện này mang tính ngụy khoa học.

Đọc đến đây, chắc mọi người cũng nghi ngờ luôn bài viết này khi chúng không đưa ra được nhiều số liệu, dẫn chứng, những lập luận có cảm giác logic. Không sao cả, như Edwin Hubble đã nói, một người theo chủ nghĩa khoa học chân chính sẽ cố gắng tìm hiểu và chứng minh những vấn đề mới hơn là đi tranh luận. Bởi vậy, hãy cứ nghi ngờ mọi quan điểm và đừng hành động theo các nghiên cứu mà bạn chưa tự chứng minh được sự đúng đắn của nó.

Theo thời đại