Chiến lược Muốn thăng chức sau 1 tháng nhận việc, được sếp ngợi ca...

Muốn thăng chức sau 1 tháng nhận việc, được sếp ngợi ca như thiên tài, hãy học theo cách của nhà sáng lập tập đoàn Daewoo

1
Đổi mới bắt đầu với quyết tâm của một cá nhân sáng tạo muốn phá bỏ thực tiễn hiện tại bằng việc tạo ra điều gì đó mới mẻ. Và những người sáng tạo làm nên lịch sử và giúp thế giới vận động.


Ảnh minh họa

“Chỉ một tháng sau khi nhận công việc, tôi được thăng chức và được khen ngợi như là một thiên tài. Thời đó, thăng chức được xem là một kỳ công thật sự đối với một nhân viên mới”, người sáng lập tập đoàn Daewoo Kim Woo Chung không giấu nổi tự hào khi chia sẻ trong cuốn hồi ký của mình. Làm sao ông có thể làm được điều nay?
Hãy làm thân với các cô nhân viên ngân hàng

Hãy bắt đầu từ câu chuyện của anh sinh viên mới tốt nghiệp ra trường có tên Kim Woo Chung.

Công việc đầu tiên của anh là chịu trách nhiệm dàn xếp với một ngân hàng về một công ty mới mang tên Hansung Industrial. Đây là công việc khá dễ dàng: Tất cả những gì anh phải làm là gửi hồ sơ của công ty cho bên ngân hàng, nơi hoặc chấp nhận hồ sơ để gửi lên cấp trên phê chuẩn, hoặc sẽ trả lại. Nếu hồ sơ bị trả lại, công ty sẽ phải có những thay đổi cần thiết và anh chỉ việc gửi lại hồ sơ lần nữa.

Tuy nhiên, người đảm đương vị trí này trước khi Kim Woo Chung đầu quân cho công ty đã có một thời kỳ không suôn sẻ với công việc. Anh ta mất rất nhiều thời gian trong ngày chạy đi chạy lại giữa công ty và ngân hàng. Mỗi lần soạn thảo tài liệu để đưa tới ngân hàng cũng mất thời gian, và nếu hồ sơ bị trả lại, anh ta sẽ càng mất thời gian hơn. Vì thế chỉ ít lâu sau khi Kim Woo Chung tiếp quản công việc, anh đã cẩn thận xem xét toàn bộ các quy trình để phát hiện vấn đề.

Kim Woo Chung trở thành người chuyên dàn xếp.

Việc đầu tiên anh quyết định làm là thiết lập mối quan hệ gần gũi với các cô gái ở ngân hàng chuyên làm nhiệm vụ nhận hồ sơ.

Bởi vì chính họ là những người quyết định xem liệu hồ sơ có được lên cấp trên để phê chuẩn hay không. Nếu không may có một lỗi nhỏ, các cô có thể chỉnh sửa và cứ thế gửi hồ sơ đi. Nhưng cũng có sự cạnh tranh ở đây: Rất nhiều công ty cũng nộp những hồ sơ tương tự, và hồ sơ của bạn càng nằm ở phía dưới trong chồng hồ sơ thì công ty của bạn càng phải đợi lâu mới được phê chuẩn.

Thời điểm đó, công ty của Kim Woo Chung có một nhà kho chất kín vải Italia nhập khẩu không bán được, và người chịu trách nhiệm về nhà kho lại không quan tâm đến tình hình. Cho nên Kim Woo Chung kết hợp hai thứ: Vải vẫn nằm đó và số phụ nữ ở ngân hàng có thể thích loại vải này. Anh đoán rằng khi bán số vải này cho các cô gái với giá rẻ sẽ làm lợi cho công ty ở nhiều phương diện: Mỗi ngày số vải còn tồn trong nhà kho thì công ty không chỉ mất lợi nhuận tiềm năng mà còn cả lãi suất tiềm năng từ số lợi nhuận đó.

Số vải gây ấn tượng với những phụ nữ ở ngân hàng đến mức thậm chí họ còn rủ bạn bè của họ tới mua. Họ thích cả loại vải mới lẫn giá cả, đồng thời công ty của Kim Woo Chung giải quyết được hàng tồn kho của công ty. Từ đó trở đi, hồ sơ mà anh mang tới ngân hàng luôn nhận được ưu tiên hàng đầu của những phụ nữ ở đây.

Vấn đề thứ hai là Kim Woo Chung vẫn vướng bận với rất nhiều công việc giấy tờ mà anh nghĩ có thể cắt giảm một nửa.

Việc này cũng dễ dàng hoàn thành hơn nhiều người vẫn nghĩ. Các loại công văn giấy tờ rất hạn chế, và mỗi loại tài liệu chỉ có vài con số thay đổi. Tất cả những chi tiết khác đều cố định: tên công ty, dấu của người làm đơn, địa chỉ v.v… Vì thế, bất kỳ khi nào có thời gian rảnh, Kim Woo Chung chỉ việc chuẩn bị thật nhiều công văn từ trước. Sau đó, tất cả những gì công ty phải làm là điền các con số và ngày tháng.

Mọi thứ được cải thiện, nhưng còn một vấn đề nữa: Kim Woo Chung vẫn phải tới ngân hàng vài lần một ngày.

Nhờ chịu khó tìm hiểu, Kim Woo Chung phát hiện ra rằng chỉ cần hai lần đi lại mỗi ngày, một lần buổi sáng và một lần buổi chiều. Người tiền nhiệm của anh trong công việc này chưa bao giờ dành thời gian lưu tâm tới một điều quan trọng – các tài liệu nộp lên ngân hàng vào buổi sáng được phê chuẩn vào cuối buổi chiều và tài liệu nộp buổi chiều được phê chuẩn vào sáng hôm sau. Không nhận ra chi tiết này, anh ta phải bỏ ra cả ngày chạy đi chạy lại tới ngân hàng để mang tài liệu mới tới đó mỗi lần.

Anh ta thuần tuý làm đúng những gì được người tiền nhiệm hoặc cấp trên dạy và không bao giờ nghĩ đến việc đổi mới để tiết kiệm thời gian, tiền bạc và thậm chí cả da giày của mình. Cho nên, Kim Woo Chung quyết định thay đổi cách thức làm việc để khớp với thời gian biểu của ngân hàng.

Đổi mới hay là chết?

Mấu chốt thành công của Kim Woo Chung là khả năng nhận thức được vấn đề và cải thiện tình hình hiện tại. Qua nhiều năm, ông tiếp tục rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề và nâng cao năng lực của mình trong đổi mới cách tân.

Đổi mới rất quan trọng cho cuộc sống, và việc đó không hề khó khăn như bạn nghĩ. Vấn đề không phải là đổi mới, mà là liệu bạn có muốn đổi mới hay không. Nếu bạn nhìn nhận những phát minh thật sự đáng giá một cách cẩn thận thì sẽ thấy hầu hết những phát minh ấy thực tế đều dựa trên những ý tưởng khá đơn giản nhưng thường mang lại kết quả to lớn. Đổi mới cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quản lý doanh nghiệp.

Phát triển sức sáng tạo bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi về hoàn cảnh hiện tại: “Ta đã nỗ lực hết mình chưa?” “Hoàn cảnh hiện tại có lý tưởng không?” “Chúng ta có thể tạo ra một sản phẩm tốt hơn không?” “Không còn phương pháp nào tốt hơn ư?” Việc tìm kiếm như thế kích thích sức sáng tạo tiềm tàng của bạn; bạn càng tích cực tìm kiếm thì kết quả sẽ càng lớn.

Đổi mới không phải là điều gì đó chỉ áp dụng với kinh doanh. Nó có thể áp dụng cho quá trình học tập của các bạn và cho mọi khía cạnh của cuộc sống. Nếu các bạn có một môn học mà các bạn không thích ở trường thì vấn đề không phải là môn học ấy mà có lẽ là cách bạn tiếp cận với nó. Cho dù vấn đề là gì thì vẫn luôn có cách giải quyết.

Theo Trí Thức Trẻ