Chiến lược Chuyện doanh nghiệp logistics đóng hơn 2 tỷ chi phí mỗi tháng...

Chuyện doanh nghiệp logistics đóng hơn 2 tỷ chi phí mỗi tháng và nút thắt về môi trường kinh doanh

4
Bên lề buổi hội thảo mới diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Tương – Phó tổng thư ký hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam – đã chia sẻ nhiều trăn trở của mình việc môi trường kinh doanh tại Việt Nam, nhìn từ lát cắt của ngành logistics. 


Ảnh minh họa

Hôm ngày 4/4, trong phỏng vấn bên lề hội thảo “Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng – Thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại tại Việt Nam” được tổ chức bởi diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF), các đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ kỳ vọng của mình về những cải thiện cần làm đối với môi trường kinh doanh Việt Nam ngay lúc này.

Theo đại diện các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng và những nỗ lực này cũng đã mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, ở nhiều ngành, khó khăn trong thủ tục hành chính, hệ thống phí, lệ phí nhiêu khê và thiếu minh bạch vẫn là rào cản lớn cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Cụ thể, trong cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tương – Phó tổng thư ký hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, có thể thấy những thiếu sót hiện hữu của môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là trong ngành logistics.

Theo ông, bản chất của việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng chính là để giúp các doanh nghiệp giảm giá thành và từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Nói riêng trong ngành logistics thì nhiệm vụ của các doanh nghiệp trong ngành là làm sao giảm thời gian cung cấp dịch vụ, giảm giá thành, qua đó tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, những điều lý tưởng này dường như chưa diễn ra trong ngành logistics.

Ông Nguyễn Tương lấy ví dụ về chuyện thu phí ở cảng Hải Phòng đã làm dư luận xôn xao cách đây gần 2 tháng. Ông tiết lộ có những doanh nghiệp xuất nhập khẩu như May 10 phản ánh việc đã phải đóng đến 2 tỷ – 2,2 tỷ chi phí thêm trong năm 2016 vừa qua.

Còn nhóm các doanh nghiệp logistics là nhóm làm dịch vụ vận chuyển cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì cũng chẳng có kết cục khá hơn. Thậm chí, rủi ro còn là cao hơn cho nhóm doanh nghiệp này do các nghiệp vụ tạm ứng thường được thực hiện.

“Ví dụ cụ thể một doanh nghiệp làm dịch vụ logistic thì một tháng có thể làm được 5000 container 40 feet qua cảng Hải Phòng. Mỗi container chúng tôi nộp 500.000 đồng, tính ra là hơn 2,7 tỷ một tháng. Số tiền này chúng tôi phải ứng ra cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, sau 1 tháng mới thu lại được.

Thử hỏi, với con số 2,7 tỷ/tháng chi phí như vậy thì là biết bao nhiêu khó khăn cho doanh nghiệp” – ông Nguyễn Tương nói.

Không chỉ có doanh nghiệp Việt Nam kêu ca mà thậm chí cả các chủ tàu nước ngoài cũng phàn nàn về các mức phí ‘trời ơi’ đang được thu tại các cảng ở Việt Nam.

Còn nhớ, trong một cuộc hội thảo về xuất nhập khẩu Việt Nam – Nhật Bản mới đây, vị đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đã phải thốt lên “chúng tôi không biết điều gì đang xảy ra khi phải nộp mức phí cao như thế”.

Ví dụ, theo lời ông Nguyễn Tương thì một container 20 feet sẽ bị thu 2,1 triệu, 40 feet sẽ bị thu 3,2 triệu. Các loại phí này cũng không hề được công khai minh bạch. Tại cảng, người ta thu các các loại phí về làm vệ sinh, sửa chữa (cho container hàng) – những mức phí mà theo lời ông Nguyễn Tương là “thu là sai hoàn toàn”.

Mức thu phí cao, không minh bạch là một chuyện, vị Phó Tổng thư ký còn chỉ ra bất cập về chuyện “thu tiền tức thời” của các đơn vị hải quan tại các cảng.

Theo đó, các cơ quan hải quan thường có động tác là 31/12 thông báo, thì 1/1 thu luôn, khiến cho doanh nghiệp hầu như không kịp chuẩn bị. Đôi co một hồi thì hải quan nói đã thông báo trước rồi, tuy nhiên theo ông Tương thì đây “toàn không phải là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, người phải bỏ tiền ra trả phí”.

Cũng bên lề hội thảo, ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc điều hành tập đoàn FPT đã bổ sung thêm cho ý kiến của ông Nguyễn Tương.

Ông Hà tiết lộ chìa khóa thực sự để các doanh nghiệp lớn mạnh không phải những hỗ trợ kiểu hỗ trợ vật chất, ví dụ như tăng tiền, tăng ngân sách hay chi thêm cái này cái kia, mà cái quan trọng là phải có một môi trường kinh doanh hiệu quả.

Đề làm được điều đó, việc đơn giản hóa thủ tục, giảm thuế phí…mới chỉ là một phần. Điều quan trọng là với những chính sách đó thì Chính phủ cần có một lộ trình cam kết thực hiện thật liên tục và trong thời gian dài.

Theo Trí Thức Trẻ