Chiến lược Toshiba quá to lớn, vì thế Nhật Bản không thể để công...

Toshiba quá to lớn, vì thế Nhật Bản không thể để công ty sụp đổ?

38
Toshiba là công ty Nhật Bản giới thiệu tivi và laptop cao cấp cho hàng triệu người trên thế giới. Ngày nay, họ đang lâm vào khủng hoảng sống còn.


Ảnh minh họa

Tuần này, Toshiba cảnh báo khó sống sót qua khỏi khủng hoảng khi khoản lỗ tính đến tháng 3/2017 chạm mốc 1.000 tỷ yên (9 tỷ USD). Tuy nhiên, gã khổng lồ công nghiệp với 190.000 lao động khắp thế giới quá quan trọng với Nhật Bản để có thể sụp đổ.

Hơn 100.000 nhân viên của Toshiba đang sống tại Nhật Bản, một vài trong số này làm việc trong các ngành quan trọng. Toshiba đang rút khỏi lĩnh vực xây dựng hạt nhân, nguyên nhân gốc rễ dẫn đến khủng hoảng tài chính hiện tại. Công ty con Westinghouse Electric tại Mỹ đã phải nộp đơn xin phá sản tháng trước và thậm chí còn bị xóa tên khỏi danh sách công ty.

Dù vậy, Toshiba vẫn còn mảng kinh doanh nguyên tử quan trọng tại Nhật Bản. Họ đã ngừng hoạt động tại nhà máy Fukushima Daiichi, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân sau trận động đất và sóng thần khủng khiếp năm 2011.

Và, chính phủ Nhật Bản có truyền thống nhập cuộc để cứu các công ty lớn đang gặp khó khăn. Kazunori Ito, một nhà phân tích tại hãng nghiên cứu Ibbotson Associates Japan, nhận xét Toshiba quá quan trọng để chính phủ có thể bỏ rơi họ.

Hàng tỷ USD nợ nần

Toshiba vẫn đang trong tình thế bấp bênh. Một nguy cơ là ngân hàng ngừng hỗ trợ công ty song những người cho vay cho đến nay dường như sẵn sàng tìm ra một giải pháp thay vì mạo hiểm đánh mất tất cả khi Toshiba sụp đổ.

Cuối năm 2016, Toshiba nợ tín dụng 1,4 nghìn tỷ yên (13 tỷ USD). Xếp hạng tín dụng bị xuống hạng cuối tháng 12/2016 đồng nghĩa với người cho vay có quyền thu hồi một phần khoản nợ này. Tuy nhiên, đã 3 tháng trôi qua, họ vẫn chưa làm như vậy.

Trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư bán phá giá cổ phiếu Toshiba. Giá trị chứng khoán giảm hơn một nửa sau lần cảnh báo đầu tiên tháng 12. Thảm họa kế toán từ vấn đề của Westinghouse làm tăng nguy cơ Toshiba bị ra khỏi thị trường chứng khoán Tokyo.

Cuộc đua gọi tiền mặt

Ban quản trị công ty đang cố gắng hết sức để kêu gọi tiền bạc nhằm bù đắp cho tổn thất khổng lồ. Để làm vậy, họ sẵn sàng bán đi vương miện đá quý của mình.

Sau bê bối kế toán năm 2015, Toshiba đã phải kiếm tiền khẩn trương. Công ty bán mảng y tế với giá 666 tỷ yên (6 tỷ USD) năm 2016 và cho biết thương vụ giúp tập trung vào mảng kinh doanh nhà máy điện hạt nhân và chip nhớ flash cốt lõi.

Nay, các bộ phận ấy cũng như “cá nằm trên thớt”. Toshiba đang bắt đầu tiếp nhận lời chào mua mảng chip nhớ giá trị, hi vọng mang về ít nhất 2 nghìn tỷ yên (18 tỷ USD). Họ cũng nỗ lực để bán khoản tài sản 16 tỷ yên (1,5 tỷ USD) để có “nền tảng tài chính hiệu quả”.

Sau khi bán đi các mảng này, Toshiba còn lại gì? Công ty cho biết từ nay tập trung vào “kinh doanh cơ sở hạ tầng xã hội”, tức là hệ thống vận tải và các sản phẩm như máy điều hòa, thang máy.

Dù thế nào, Toshiba cuối cùng chỉ còn là cái xác không hồn, một thất bại bẽ bàng của biểu tượng Nhật Bản 142 tuổi.

Theo ICTNews