Đào tạo Cách để tạo ra những thay đổi tích cực cho nhân viên

Cách để tạo ra những thay đổi tích cực cho nhân viên

12
Một nhà lãnh đạo luôn phải đối diện với thách thức làm sao để tiến hành những thay đổi trong nội bộ công ty theo hướng tích cực. Những gợi ý về giải pháp cho nguồn nhân lực sau đây có thể sẽ hữu ích.

1. Phát triển và chia sẻ các mục tiêu với nhân viên

Hãy xác định đường hướng phát triển cho công ty của mình và làm thế nào để đi được đến đúng đích. Các mục tiêu cần phải rõ ràng, phù hợp, vừa phải, trong khả năng thực hiện được, thực tế và kịp thời. Sau đó, nên chắc chắn là mọi nhân viên đều biết và hiểu rõ cần phải làm gì để tiến đến được những mục tiêu đó.

2. Phân công công việc và xác định vai trò rõ ràng

Xác định một cách cụ thể những gì mà mỗi người phải làm và nên làm. Đảm bảo rằng mọi người đều biết những nỗ lực của họ đóng góp vào thành công của công ty như thế nào. Việc không phân định rõ trách nhiệm dẫn đến xung đột, chán nản, khó chịu và khiến nhân viên xuống tinh thần. Khi sự phân công công việc trở nên rõ ràng và chính xác, người lãnh đạo dễ dàng tránh được thái độ từ chối, tiêu cực từ phía nhân viên.

3. Phát triển chương trình nhân viên tình nguyện

Tập hợp những người lao động lại và nghĩ cách để công ty có thể đóng góp trở lại cho cộng đồng. Các nhân viên sẽ xem đây như là một bước đi tích cực của công ty trong việc giúp đỡ những người khác trong xã hội. Nếu đã gây được ảnh hưởng trong công ty rồi thì lúc này chính là cơ hội để làm điều tương tự với cộng đồng. Đây luôn là cách giúp nâng cao tinh thần rất tốt.

4. Quản lý bằng việc gần gũi và thân thiện với nhân viên hơn

Hãy rời khỏi phòng làm việc riêng, quan sát xem nhân viên đang làm gì, nói chuyện với họ để họ biết rằng bạn thực sự quan tâm đến công việc của họ. Tìm hiểu xem quan hệ giữa mọi người hòa hợp với nhau tốt đến mức nào, từng người có khúc mắc gì với công việc hay với những người khác ra sao. Đừng xem nhân viên chỉ như là những người làm thuê cho mình. Hãy luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi, đưa ra những lựa chọn dễ hiểu, giải thích rõ ràng mục tiêu của công ty, trở thành một nguồn tài nguyên quý giá đối với các nhân viên.

5. Xác định những xung đột tiềm tàng trước khi bùng nổ

Hãy nói chuyện với các nhân viên và xác định xem để đạt được thành công, họ vướng phải những khó khăn gì. Đó có thể là tài nguyên, công cụ, ngân quỹ, phương pháp và thậm chí là những người quản lý. Nhiệm vụ của người lãnh đạo là tìm ra những bế tắc đó và gỡ bỏ chúng. Hãy áp dụng những kĩ năng đã được kiểm chứng này làm giảm sự căng thẳng và xây dựng một môi trường làm việc tích cực.

6. Bao quát tình hình chung

Xác định sức mạnh và những hạn chế của công ty. Đó có thể là vấn đề con người, kết cấu quản lý, nhân viên được đối xử và quản lý như thế nào, mức độ rõ ràng trong mục tiêu, vai trò, phương pháp, hệ thống và mức độ tác động lẫn nhau giữa các cá nhân. Sau đó hãy làm gì đó để cải thiện tình hình.

7. Luôn tính đến nhân viên trong những kế hoạch giúp công ty thay đổi

Hình thành một nhóm để chỉ ra những vấn đề bạn đã phát hiện được.Trước khi tiến hành bất kỳ thay đổi nào, bạn nên triệu tập các nhân viên lại để thảo luận về sự cần thiết phải thay đổi và cách tiến hành thay đổi như thế nào. Hãy làm sao để người lao động cảm thấy họ liên quan đến quá trình này. Như thế sẽ giúp giảm bớt sự chống đối đối với những thay đổi.

8. Tìm ra những người xuất sắc và khen thưởng xứng đáng cho họ

Khi làm tốt một công việc gì đó, ai chẳng muốn được tất cả mọi người biết đến. Những lời khen ngợi xác nhận những nỗ lực và chứng minh thành công của họ. Hãy chắc chắn rằng những người thể hiện năng lực tốt nhất tại công ty biết rõ lãnh đạo đánh giá cao công việc của họ và sẽ tưởng thưởng họ bằng tiền bạc hay sự thăng tiến.

9. Phát triển chương trình rèn luyện khả năng quản lý

Hãy xây dựng những những nhà quản lý trong tương lai của bạn ngay từ bây giờ, đừng chỉ trông đợi vào may rủi. Tìm ra những kĩ năng cốt lõi dẫn đến thành công của những nhà lãnh đạo và quản lý hiện nay. Sau đó, phát triển những nhân tố này ở những nhân viên khác. Điều đó đồng nghĩa với việc tạo được nguồn dự trữ liên tục các cá nhân đủ khả năng quản lý và lãnh đạo trong công ty.

10. Đề nghị những khoảng thời gian thân thiện định kỳ

Điều này sẽ cho phép các nhân viên phát triển cung cách làm việc đưa ra ý kiến trước đám đông và chia sẻ ý tưởng trong một môi trường thân mật, đồng thời tạo cơ hội làm cho mọi người tìm hiểu thêm về nhau. Những hoạt động này có thể tiến hành cả trong lẫn ngoài nơi làm việc, nó tạo cho người lao động sự thỏa mãn và hứng thú khi làm việc với những người khác.

Theo Lãnh Đạo