Chiến lược Vì sao Trung Quốc lại trở thành thiên đường hàng nhái của...

Vì sao Trung Quốc lại trở thành thiên đường hàng nhái của thế giới?

6
Báo cáo của GIPC cũng cho thấy ngành hàng nhái của Trung Quốc đem về cho nước này 396 tỷ USD mỗi năm. Xếp sau Trung Quốc là Ukraine với 0,43% thị phần hàng nhái với tổng trị giá 2 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng với 0,33% và 1,5 tỷ USD.


Ảnh minh họa

Kinh doanh hàng giả hàng nhái không còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng trên thế giới. Thậm chí, ngành kinh doanh này đã trở thành một nguồn thu lợi đầy hấp dẫn với nhiều công ty trong khi các khung quy định của pháp luật vẫn còn rất lỏng lẻo trong chuyện bản quyền và định nghĩa hàng giả.

Số liệu năm 2016 của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy kim ngạch thương mại hàng giả trên toàn cầu đã đạt 500 tỷ USD, chiếm 2,5% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn thế giới. Trong đó, những thương hiệu đến từ Mỹ, Italy hay Pháp là các nhãn hàng chịu thiệt hại nhiều nhất. Ngược lại, những hãng sản xuất của Trung Quốc là được lợi nhiều nhất khi đây là nguồn gốc chính của nhiều loại hàng giả, hàng nhái trên toàn cầu.

Trong khi đó, báo cáo của GIPC thuộc Phòng thương mại Mỹ (USCC), khoảng 86% số hàng nhái trên thế giới hiện nay có xuất xứ từ Trung Quốc. Mặc dù chính quyền Bắc Kinh đã có nhiều biện pháp xử phạt và ngăn chặn tình trạng sản xuất hàng giả hàng nhái nhưng với lợi nhuận khổng lồ, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đổ xô vào ngành này.

Báo cáo của GIPC cũng cho thấy ngành hàng nhái của Trung Quốc đem về cho nước này 396 tỷ USD mỗi năm. Xếp sau Trung Quốc là Ukraine với 0,43% thị phần hàng nhái với tổng trị giá 2 tỷ USD.

Văn hóa hàng nhái

Tại Trung Quốc, vấn đề hàng nhái, hàng giả đã trở thành câu chuyện quá bình thường. Các nhà sản xuất có thể nhái mọi thứ, từ hàng thời trang, điện tử cho đến thực phẩm miễn là chúng đem lại lợi nhuận.

Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng cũng chuộng hàng nhái hơn hàng thật do lối sống vật chất ngày một tăng cao. Sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc đã tạo nên một lớp trẻ chuộng hàng hiệu, một xã hội đánh giá con người dựa trên những gì họ mặc, xe họ đi, dùng điện thoại nào… Hệ quả là nhiều người tiêu dùng không thể mua hàng hiệu chuyển sang các sản phẩm nhái để có thể “bằng bạn bằng bè”.

Một cuộc khảo sát của trường đại học Curtin University của Australia cho thấy gần 3/4 số người tiêu dùng tại các trung tâm mua sắm của Thượng Hải thừa nhận họ có sử dụng hàng giả. Theo các chuyên gia, những nhà phân tích mới chỉ đánh giá được mức chênh lệch giá cả mà chưa thể tính đến sự chênh lệch giá trị khi sử dụng hàng hiệu, dù thật hay giả, với không phải hàng hiệu.

Tại Trung Quốc, vị thế và sự tự tin của một người khi dùng thương hiệu nổi tiếng bất chấp hàng nhái cao hơn rất nhiều so với người không dùng và chính điều này khiến ngành hàng giả Trung Quốc vẫn tồn tại dù nhiều lần bị chính phủ truy quét.

Thêm vào đó, việc tồn tại hàng giả khiến những nhãn hàng thật có giá hơn trong mắt người tiêu dùng, tạo tiền đề để các hãng nâng giá sản phẩm một cách vô lý nhưng vẫn hút khách.

Báo cáo của Bain Consulting năm 2012 cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc chỉ chiếm 6% chi tiêu trên toàn cầu nhưng lại là khách hàng của 20% doanh số các thương hiệu xa xỉ.

Trong khoảng 2005-2014, số đơn khiếu nại vi phạm bản quyền tại Trung Quốc đã tăng 9 lần lên 133.000 đơn trong khi số vụ án làm hàng giả đã tăng 10 lần lên 11.000 vụ. Báo cáo mới đây cho thấy 30% số rượu và 70% số rượu vang tại Trung Quốc là hàng giả.

Tồi tệ hơn, sự bùng nổ của thương mại điện tử khiến ngành hàng giả hàng nhái càng có cơ hội phát triển bởi người tiêu dùng khó lòng kiềm tra trực tiếp được hàng hóa cũng như nguồn gốc xuất xứ. Hiện gần 2/3 số hàng hóa hiện nay được vận chuyển bằng được bưu điện, chuyển phát nhanh hay các dịch vụ khác và phần lớn trong số đó được mua trực tuyến.

Số liệu của OECD trong khoảng 2011-2013 cho thấy giày dép là mặt hàng bị làm nhái nhiều nhất, sau đó đến quần áo và thiết bị điện tử. Điều trớ trêu là thường những người bán hàng nhái hay vận chuyển hàng nhái không bị phạt quá cao, qua đó không đủ tính răn đe đối với loại tội phạm này.

Theo hiệp hội chống hàng nhái quốc tế (IACC), việc vận chuyển một chai dầu gội đầu làm giả hay những đôi giày nhái qua biên giới thường không khiến người buôn lậu phải ngồi tù lâu và điều này đã thúc đẩy các tập đoàn tội phạm gia nhập ngành này.

Trong khi đó, tổ chức Illicit Trade Monitor (ITM) cho biết các tập đoàn tội phạm ma túy Nam Mỹ hiện cũng đã gia tăng hoạt động trong kinh doanh hàng giả hàng nhái bởi chúng an toàn hơn buôn ma túy, không cần tốn quá nhiều tiền để hối lộ cũng như không phải chi nhiều cho việc mua sắm máy bay, ngụy trang vận chuyển.

Hiện nay, các đường dây buôn hàng giả đã có quy mô vô cùng rộng lớn cũng như xuyên biên giới nhiều nước. Một cuộc điều tra với loại thuốc giả Avastin điều trị ung thư được thực hiện vào năm 2012 tại Mỹ cho thấy đường dây buôn sản phẩm này đã đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Đan Mạch và Anh trước khi cập bến nước này.

Amazon cũng gặp khó

Theo nhiều chuyên gia, việc tăng cường các hiệp định thương mại tự do cũng đang thúc đẩy ngành hàng nhái, nhất là khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là nguồn gốc của hầu hết hàng giả.

Số liệu năm 2013 của Hải quan Mỹ cho thấy Trung Quốc chỉ chiếm 17% thị phần hàng sản xuất cho xuất khẩu trên thế giới nhưng lại chiếm tới 84% số hàng nhái toàn cầu. Trong những năm gần đây, hàng nhái Trung Quốc cũng chiếm hơn 50% tổng số hàng bị hải quan Mỹ thu giữ có tổng trị giá 1,35 tỷ USD.

Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) cách đây 15 năm, nhiều nước đã kỳ vọng chính quyền Bắc Kinh siết chặt quản lý bản quyền thương hiệu cũng như chấn chỉnh nạn hàng nhái. Tuy nhiên, dù đã có nhiều biện pháp nhưng tự do thương mại lại đang thúc đẩy nạn hàng giả nhiều hơn và thậm chí đẩy chúng lên một mức độ mới.

Vào năm 1995, báo cáo của tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy những liều vắc xin giả hoặc kém chất lượng đã được nhập vào Nigeria, khiến hơn 2.500 người thiệt mạng.

Ngay cả những trang thương mại điện tử nổi tiếng như Amazon hay Alibaba cũng không ngăn cản nổi bước tiến của hàng giả Trung Quốc. Một đôi giày 1.400 USD của Adidas có thể được dễ dàng tìm thấy với 40 USD trên các trang thương mại điện tử này.

Trong khi đó, hãng Apple cũng đã kiện Amazon khi có đến 90% số sạc điện thoại cho iPhone được bày bán trên trang là hàng giả.

Năm 2015, hãng tin nhà nước Xinhua cũng đã đưa tin rằng 40% số hàng bán online tại Trung Quốc là hàng giả và điều thú vị là các nhà sản xuất Trung Quốc chiếm tới hơn 11% thị phần của Amazon.

Nhằm cải thiện hình ảnh của sản phẩm Trung Quốc cũng như thương mại điện tử nước này, nhà sáng lập Alibaba, CEO Jack Ma đã từng tuyên bố hàng giả hàng nhái là ung nhọt và cần loại bỏ, đồng thời gia nhập IACC vào năm 2016. Dẫu vậy, rất nhiều vụ bê bối, tố cáo vẫn diễn ra với cùng 1 nguyên nhân: Alibaba bán hàng nhái.

Tại Trung Quốc, việc xem xét kết quả công việc của các cơ quan thường dựa trên những số liệu kinh tế, xã hội và điều này không khó hiểu khi nhiều hãng sản xuất vẫn được kinh doanh hàng nhái mà chưa bị chính phủ kiểm tra. Có lẽ, để đối phó được với tệ nạn này, chính quyền Bắc Kinh cần có một chiến lược dài hơi hơn là chỉ tập trung vào kiểm tra và tịch thu các sản phẩm hàng giả.

Theo Trí Thức Trẻ