Kiến thức quản trị Bài toán tìm vốn khởi nghiệp

Bài toán tìm vốn khởi nghiệp

13
Với các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN), nguồn vốn luôn là yếu tố quan trọng nhất và việc huy động vốn được ví như giải bài toán phức tạp, vừa mang tính pháp lý, vừa có tính nghệ thuật.

 
Mới đây, TP.HCM đã phát động xây dựng “Thành phố khởi nghiệp (KN) cho giới trẻ”. Trước đó, vào giữa năm 2016, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM kết hợp với Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (HSIF) với vốn ban đầu là 30 tỷ đồng. HSIF đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tạo được nguồn vốn 100 tỷ đồng nhằm giúp các DNKN phát triển các dự án sáng tạo, bao gồm các hoạt động hỗ trợ, bảo trợ và đầu tư hướng đến các sản phẩm đổi mới, sáng tạo, góp phần thay đổi cuộc sống. Đầu tháng 3 năm nay, TP.HCM cũng đã thành lập mạng lưới hỗ trợ phụ nữ KN và kinh doanh (WISE). WISE sẽ tổ chức những hoạt động, sự kiện nhằm cung cấp kiến thức cho phụ nữ KN, kết nối các startup nữ với các nhà đầu tư, cố vấn… Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện có khoảng 1.800 DNKN, 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.

Không chỉ có các tổ chức, ban ngành, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng hỗ trợ các DNKN. Tháng 9/2016, Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) do FPT, Dragon Capital Group và Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) điều hành đã chính thức vận hành. Sau 4 tháng khởi động, Quỹ đã chọn được 8 startup vào vòng đào tạo kéo dài 3 tháng. Mỗi startup được VIISA đầu tư 30.000USD… Mới đây, các startup này đã có buổi thuyết trình để gọi vốn từ các nhà đầu tư NSI Ventures, Golden Gate Ventures, FPT, Dragon Capital Group… Hiện tại, VIISA đang tổ chức để chuẩn bị cho khóa đào tạo thứ 2 và tiếp tục dành từ 200.000 – 500.000USD để đầu tư cho các startup.

Bên cạnh các chương trình hỗ trợ vốn từ các cơ quan, ban ngành, thời gian qua cộng đồng KN liên tiếp nhận tin vui khi các quỹ KN quốc tế có uy tín đã đầu tư vào Việt Nam. Điển hình là Quỹ Đầu tư mạo hiểm 500 Startup của Mỹ đã thành lập quỹ nhỏ trị giá 10 triệu USD, rót vốn vào khoảng 100 – 150 dự án KN Việt Nam và sẽ còn tiếp tục tăng vốn trong 5 năm tới. Trong năm 2016, nhiều dự án KN cũng đã nhận được các khoản đầu tư lớn từ nước ngoài. Chẳng hạn như Momo do Công ty CP M-Service sở hữu nhận được khoản đầu tư lên đến 600 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư Standard Chatered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng Goldman Sachs. Gotit nhận được khoản đầu tư 200 tỷ đồng và lọt vào top 2 ứng dụng trên Apple Store…

Nguyễn Hoàng Anh – sáng lập viên, CEO của Fastsell cho rằng, bất cứ DNKN nào khi bắt đầu tại Việt Nam đều khó khăn về vốn. Để gọi vốn thành công, theo Nguyễn Hoàng Anh, bản dự án của startup phải thể hiện được tổng quan về thị trường, tiềm năng, lộ trình phát triển sản phẩm, nhu cầu tài chính, các bước gọi vốn tiếp theo. Bản kế hoạch cũng sẽ giúp cho việc tuyển dụng, thu hút những nhân sự quan trọng tham gia dự án. Với cách làm này, Fastsell đã rút ngắn được thời gian tìm vốn, tập trung phát triển được sản phẩm để đưa ra thị trường và chứng minh tính khả thi. “Khi bạn đã chấp nhận mạo hiểm ở giai đoạn đầu thì bạn sẽ có cơ hội thuyết phục các nhà đầu tư tiếp tục rót vốn ở vòng tiếp theo. Và cách Fastsell chọn là tham gia VIISA”, Nguyễn Hoàng Anh cho biết.

Còn với nhà điều hành Butterfly Hub Trần Đằng Vân thì Butterfly salon (ứng dụng di động áp dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo vào ngành công nghiệp sắc đẹp, giúp người dùng luôn được cập nhật các mốt thời trang mới nhất và tìm được kiểu tóc phù hợp với họ) của Công ty đang rất phù hợp với thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, vì mới có mặt tại Việt Nam 3 tháng (Butterfly Hub khởi nghiệp tại Mỹ vào năm 2015) nên muốn phát triển, đưa vào ứng dụng rộng rãi cần phải có chiến lược truyền thông, tiếp thị bài bản đến người tiêu dùng mà trước tiên là các salon làm dịch vụ. Vì vậy, ngoài nguồn vốn 400.000USD của bản thân và từ bạn bè, Công ty phải tham gia chương trình gọi vốn từ các nhà đầu tư quốc tế như NSI Ventures, Golden Gate Ventures, Dragon Capital Group…

Theo DNSG