Chiến lược Đặt tên cho con cưng doanh nghiệp

Đặt tên cho con cưng doanh nghiệp

19
Một cái tên phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp và có vẻ sắc sảo tất nhiên có sức thu hút đối với khách hàng. Nếu đã lỡ chọn cái tên rất mờ nhạt, tối nghĩa và thiếu khả năng khơi nguồn cảm hứng cho khách hàng thì doanh nghiệp vẫn có thể đổi tên như một số doanh nghiệp từng làm điều này thành công, chẳng hạn Xerox từng có tên là The Halloid Company, tên ban đầu của Nissan là Datsun… Theo các chuyên gia, doanh nghiệp có thể tuân theo những nguyên tắc dưới đây để tạo ra những cái tên ấn tượng.
1. Dễ nhớ
Những công ty lớn luôn có những cái tên có khả năng tạo ra “chất keo” trong tâm trí của người tiêu dùng. Trong quá trình tìm tòi sáng tạo để đặt tên cho doanh nghiệp, nên để ra một khoảng thời gian dài, ít nhất là một tuần, kể từ khi bắt đầu hội ý đến khi ra quyết định để cân nhắc kỹ các lựa chọn.
Ngay cả khi doanh nghiệp cảm thấy đã chọn ra được vài ba cái tên tốt thì vẫn nên tiếp tục hội ý. Tên tốt nhất là tên có thể được bật ra ngay trong đầu của mọi người mà không cần phải xem lại danh sách tên đã được chọn.
2. Ngắn gọn nhưng súc tích
Những cái tên như Nike, Apple, Facebook, Twitter, DreamWorks, Pixar và eBay có những đặc điểm gì chung? Trước hết, đó đều là những công ty thành công. Nhưng còn một điểm chung khác là tên gọi của những công ty này chỉ có hai âm tiết.
Nghiên cứu cho thấy những gì ngắn gọn thì luôn tạo ra khả năng nhớ lâu. Do đó, doanh nghiệp nên chọn những cái tên ngắn, mạnh mẽ, dễ nhớ.
3. Phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp
Nên cân nhắc đến hoạt động, sản phẩm hay dịch vụ đặc thù mà doanh nghiệp đang cung cấp khi đặt tên. Trường hợp của Marc Andreessen, đồng sáng lập của Netscape (công ty có tên gọi ban đầu là Mosaic), từng làm việc trong một dự án phát triển phần mềm mã nguồn mở là một ví dụ.
Trong cuốn sách Marc Andreessen: Web Warrior (Marc Andreessen: Người chinh phục web), tác giả Daniel Ehrenhaft kể lại rằng Andreessen rất hài lòng với tên gọi Mosaic, nhưng phần mềm này vẫn chưa thể chạy nhanh và an toàn như mong đợi
của anh.
Do đó, Andreessen đã quyết định viết lại chương trình và tạo ra phiên bản Godzilla thay thế cho các phần mềm internet trước đây của mình. Năm 2002, anh lại giới thiệu ra thị trường phiên bản Mosaic Godzilla, viết tắt thành Mozilla và đã làm thay đổi hoàn toàn thế giới internet.
Firefox – trình duyệt web hàng đầu của Mozilla hiện đang được xem là một trong những trình duyệt web được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới.

4. Gắn liền với một câu chuyện
Một số tên gọi công ty thường sáo rỗng và không tạo ra một nguồn cảm hứng nào cho khách hàng. Vào ngày lễ Tạ ơn năm 1904, Công ty Holt đã chụp những bức ảnh về chiếc máy kéo ủi đất chạy bằng động cơ hơi nước mới nhất của mình.
Trong tiểu sử của nhà sáng lập Công ty Benjamin Holt có đoạn kể rằng một nhiếp ảnh gia đã miêu tả “chiếc máy kéo này di chuyển như một con sâu bướm (carterpillar)”.
Khi nghe những lời nhận xét ví von như vậy, Holt đã bật ra tên gọi cho chiếc máy kéo ủi đất: “Caterpillar. Đó là tên cho chiếc máy kéo này!”. Đến năm 1910, Holt chính thức đăng ký nhãn hiệu Caterpillar cho công ty sản xuất thiết bị xây dựng của mình.
5. Sáng tạo ra một ngôn ngữ mới
Tạo ra một từ mới không phải là giải pháp cuối cùng, mà nên là lựa chọn đầu tiên khi doanh nghiệp xem xét đặt tên công ty. Hai nhà sáng lập của Google đã không đi tìm tên công ty của họ từ bất cứ một cuốn sách hay nguồn tài liệu nào vì trước đó những cái tên này chưa hề tồn tại.
Doanh nghiệp nên suy nghĩ một cách sáng tạo như kết hợp hai từ hoặc hai khái niệm lại với nhau hoặc cải biên một từ có sẵn để tạo ra một từ mới. Khách hàng sẽ luôn đánh giá cao những nhãn hiệu của những công ty độc lập, dám chấp nhận rủi ro để tạo ra sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh.

Theo DNSG