Đào tạo Rào cản lớn nhất của sáng tạo chính là sự bận rộn

Rào cản lớn nhất của sáng tạo chính là sự bận rộn

10
Khi Einstein vật lộn với những vấn đề phức tạp, ông cần có cảm hứng và ý tưởng sáng tạo để hoàn thành công việc ông thường nghe nhạc của Mozart và bỏ mặc công việc xung quanh.


Ảnh minh họa

Lịch sử cho thấy nhiều nhà phát minh nổi tiếng có được những ý tưởng đột phá khi để cho tâm trí được tự do suy nghĩ. Chẳng hạn, vào năm 1881 Nikola Tesla bị ốm nặng khi đang trên đường đến Budapest. Ở đó, bạn ông là Anthony Szigeti đưa ông đi dạo để giúp ông hồi phục. Một lần khi họ đang ngắm hoàng hôn, Tesla bất ngờ có một ý tưởng về từ trường quay – và sau đó ý tưởng này đã dẫn đến dòng điện xoay chiều mà ta vẫn dùng ngày nay.

Tương tự, nhà bác học Albert Einstein thường tìm đến âm nhạc – đặc biệt là nhạc Mozart – khi ông phải vật lộn với những vấn đề phức tạp và cần có cảm hứng.

Như vậy nói một cách đơn giản: sự sáng tạo xuất hiện khi tâm trí của bạn không tập trung, mơ mộng hay suy nghĩ vẩn vơ.

Nghiên cứu của giáo sư Jonathan Schooler từ Đại học California, Santa Barbara cho thấy người ta sáng tạo hơn sau khi vừa mơ mộng hay không suy nghĩ điều gì cụ thể.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Annual Review of Psychology, nhà tâm lý học Jonathan Smallwood cũng cho biết khi người ta gặp phải một việc khó, sẽ tốt hơn nhiều nếu trước hết họ tập trung giải quyết một việc dễ dàng hơn, cho phép đầu óc thư giãn và suy nghĩ vẩn vơ, sau đó quay lại tập trung vào việc khó. Làm như vậy là nhằm cân bằng tư duy hướng tuyến – vốn đòi hỏi tập trung cao độ – với tư duy sáng tạo, vốn được sinh ra từ sự thoải mái. Thay đổi qua lại giữa hai hình thức tư duy này là cách tốt nhất để làm tốt những công việc liên quan đến tính sáng tạo.

Cuộc sống hiện đại đã kìm hãm sự sáng tạo như thế nào?

Vấn đề là nhiều người cả một ngày dài không để cho đầu óc được thảnh thơi một phút nào. Lúc làm việc, chúng ta liên tục phân tích vấn đề, tổ chức dữ liệu – những hoạt động đòi hỏi phải tập trung. Khi nghỉ ngơi, chúng ta đắm mình vào smartphone khi đứng xếp hàng trước tiệm ăn hay thả mình trong những bộ phim truyền hình sau giờ làm.

Chúng ta cần phải tìm cách cho bộ não nghỉ ngơi. Nếu tâm trí liên tục phải xử lý thông tin, ta sẽ không có cơ hội để cho các suy nghĩ tự do dạo chơi và trí tưởng tượng bay xa. May mắn thay, có một số điều bạn có thể làm để tăng sự sáng tạo cho bản thân mình.

Trước hết, hãy biến việc đi dạo thật lâu – không cầm theo điện thoại – trở thành thói quen hàng ngày. Một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy những người đi bộ hàng ngày có khả năng tư duy sáng tạo tốt hơn những người bình thường, và những ai đi bộ ngoài trời có nhiều ý tưởng mới mẻ, sáng tạo hơn so với những người đi bộ trên máy chạy trong nhà.

Thứ hai, hãy thoát ra khỏi vùng an toàn của mình. Thay vì tập trung chuyên biệt vào lĩnh vực của mình, hãy học thêm các kỹ năng mới. Hãy đến một nơi hoàn toàn mới, gặp gỡ những con người mới. Nghiên cứu chỉ ra rằng trải nghiệm của bạn càng phong phú thì càng mở rộng khả năng và giúp bạn tạo ra được những giải pháp đột phá.

Thứ ba, dành thêm thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Nhà tâm lý học Barbara Fredrickson cho biết nhờ vui chơi mà chúng ta thấy hạnh phúc hơn và sáng tạo hơn vì nó giúp tâm trạng của bạn được cải thiện. Vì thế hãy dành thêm thời gian chơi đùa với chú chó của bạn, hay chơi với bọn trẻ hoặc gia nhập một CLB sưu tập tem chẳng hạn.

Và cuối cùng, hãy liên tục thay đổi qua lại những công việc đòi hỏi sự tập trung với những hoạt động ít cần động não hơn. Giáo sư Adam Grant từ trường Quản lý Wharton cho biết làm theo cách này sẽ giúp bộ não có thời gian nghỉ ngơi – tạo khoảng trống cho những ý tưởng lớn được tạo ra.

Theo trí thức trẻ