Kiến thức quản trị Chuyện cuối tuần: Đừng tưởng tìm sư bán lược là ý tồi

Chuyện cuối tuần: Đừng tưởng tìm sư bán lược là ý tồi

15
“Nếu muốn thành công, bạn phải dấn thân vào những con đường mới, chứ không phải đi du lịch trên lối mòn của những thành công đã được thừa nhận” – John D. Rockefeller.


Ảnh minh họa

Có những lúc, bạn muốn mua một món đồ đắt tiền nhưng lại không thuyết phục được nửa kia của mình. Hãy thử đọc câu chuyện này và biết đâu, ngay ngày mai bạn đã có những thứ bạn muốn!

Chuyện kể về một cặp vợ chồng khá trẻ sống ở một bang nhỏ thuộc nước Mỹ – cô Julie và chồng cô, anh Jacob. 2 vợ chồng đang sống trong một căn hộ nhỏ ngoại ô, gần nơi 2 người làm việc. Đây là căn hộ anh chị thuê từ khi mới cưới nhau và đến nay 2 con anh chị đã lớn, căn nhà có vẻ đã nhỏ lại với gia đình họ.

Julie muốn thuyết phục chồng mua nhà nhưng Jacob còn đắn đo, kinh tế gia đình anh không quá dư dôi, anh không muốn bỏ ra số tiền quá lớn vào việc đó. Anh cho rằng như thế quá mạo hiểm và dễ vượt quá khả năng chi trả của anh.

Nhưng ý muốn có một căn nhà của riêng mình luôn thôi thúc Julie. Sau một thời gian tìm hiểu, một sáng cuối tuần đẹp trời cô hỏi chồng:

“Hiện tại, anh có thể bỏ ra bao nhiêu tiền để mua nhà?”

“40.000 USD” – anh Jacob trả lời vợ

Julie lại hỏi: “Nếu mua xong, anh có thể bỏ thêm bao nhiêu tiền để sửa sang lại ngôi nhà mới?”

“ 10.000 USD nữa”. Anh vẫn trả lời vợ.

Ngày hôm sau Julie dẫn chồng đi xem một ngôi nhà rất xinh xắn mà cô cho rằng chắc chắn là chồng cô sẽ rất thích.

Đến nơi, người chồng nhìn thấy một ngôi nhà có cổng trồng đầy hoa rất đẹp.

Anh hỏi vợ: “Ngôi nhà này giá bao nhiêu?”

Julie không trả lời, tiếp tục vào trong. Ngôi nhà có vườn cây và hồ cá nhỏ mà chồng cô vẫn ao ước.

Anh lại hỏi vợ: “Ngôi nhà này giá bao nhiêu tiền?”

Vợ anh tiếp tục mỉm cười, dẫn chồng vào xem tiếp phòng khách sang trọng, phòng ngủ tiện nghi và một phòng bếp ấm áp.

Người chồng không thể dấu nổi tò mò: “Ngôi nhà này giá bao nhiêu?”

Người vợ vẫn không trả lời cho đến khi họ kết thúc chuyến thăm ngôi nhà mới. Họ trở về nhà.

Lúc này, Julie mới hỏi chồng: “Anh có thích căn nhà chúng ta vừa xem không?”

Người chồng trả lời: “Rất tuyệt nhưng chắc là quá khả năng của chúng ta.”

Người vợ hỏi: Anh yêu, anh có thể ở nhà thuê thêm bao lâu nữa?

Người chồng trả lời: 20 năm.

Người vợ: 1 năm thuê nhà là 1.000 USD, 20 năm là 20.000USD. Căn nhà đó trị giá 80.000USD thôi, nếu chia cho 20 năm anh ở nhà trọ, thì mỗi năm anh chỉ mất 4.000$, mỗi tháng anh chỉ mất 334USD, mỗi ngày anh chỉ mất 11USD để có thể được ở căn nhà đó ngay.

“Vậy chúng ta có thể làm thêm 1 giờ đồng hồ mỗi ngày để chúng mình có thể được ở ngôi nhà này được không?”

Cái kết của câu chuyện này không cần nói đến. Tuy nhiên, đây lại là bài học rất lớn cho những người bán hàng.

Một người bán hàng bình thường chỉ biết nỗ lực bán sản phẩm. Nhưng, một ngôi sao bán hàng biết cách giúp khách hàng tiềm năng chứng kiến và trải nghiệm sản phẩm, truyền cảm hứng đến khách hàng.

Đặc biệt, người bán hàng phải luôn ghi nhớ: Nếu khách nói “Không” lần đầu tiên, bạn cũng đừng bao giờ nói không và quay lưng đi. Hãy thử cơ hội khác. Và quan trọng nhất, hãy xem đó là khách hàng tiềm năng, không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai.

Chỉ 10 trong số 100 người bạn tiếp xúc nói “CÓ” đã là một thành công. Nhưng 90 người còn lại cũng có thể mang đến cho bạn hơn 10 lời nói CÓ trong tương lai từ chính họ hoặc những người thân quen: Họ là những khách hàng tiềm năng.

Bán hàng không phải là trò chơi số lượng, mà là trò chơi con người, là một cuộc săn tìm. Bạn là người dẫn dắt cuộc đi săn, là người chiến thắng bất chấp tất cả.

Hẳn rất nhiều trong số các bạn đã từng, và sẽ có một lúc nào đó tham gia những buổi phỏng vấn tuyển dụng. Và những tình huống đặt ra khi tuyển dụng thì rất nhiều và hầu như không công ty nào giống nhau.

Một công ty nọ muốn tuyển sale bán hàng. Qua 3 vòng sơ tuyển, còn lại 3 người lọt vào vòng cuối cùng. Đúng hẹn, 3 anh đến công ty chờ đợi. Tuy nhiên, khác với tưởng tượng, không có cuộc phỏng vấn nào diễn ra như ý nghĩ của cả 3 anh chàng.

Vào phòng họp, vị lãnh đạo doanh nghiệp đưa cho mỗi người 1 túi, bên trong có 100 chiếc lược. Tình huống đưa ra là các ứng viên mang lược đến các chùa quanh khu vực để bán.

Dù rất hoang mang, nhưng 3 chàng trai cũng nhận túi đồ va ra đi.

-Anh chàng thứ nhất tên A, vốn là người kiên nhẫn. Anh dành cả buổi để kiên trì thuyết phục các nhà sư. Cuối cùng, một số nhà sư cũng thương tình mua giúp anh ta mấy chiếc.

-Người thứ hai tên B vốn là một anh chàng thông minh lanh lợi. Anh vào chùa, đi vãn cảnh một vòng, gió thổi mạnh làm tóc rối bời. Giữ nguyên mái tóc ấy, anh đến gặp vị sư trụ trì thưa chuyện: “Bạch thầy, trên núi cao gió thổi mạnh, thí chủ thập phương đến đây dâng hương mà tóc rối, e không thành kính trước cửa Phật. Xin chùa chuẩn bị một vài chiếc lược để trước lúc dâng hương, các phật tử chải tóc cho gọn gàng”. Nghe anh ta nói có lý, sư trụ trì đồng ý mua 10 chiếc lược đặt tại 10 khu vực ngồi nghỉ của nhà chùa.

Người bán hàng này được đánh giá là có năng lực quan sát, suy đoán mọi việc, dám nghĩ dám làm.

-Đến lượt anh thứ 3, anh đi thẳng đến ngôi chùa có tiếng trong vùng, gặp thượng tọa trụ trì liền thưa: “Bạch thầy, chùa ta lớn nhất vùng này, thiết nghĩ cũng nên có chút tặng phẩm cho người làm việc thiện. Con có mang theo ít lược của công ty. Thầy có thư pháp hơn người, xin viết lên lược ba chữ “Lược tích thiện” làm tặng phẩm. Món quà này thật nhiều ý nghĩa”. Nhà chùa hứng thú mua 100 chiếc làm quà.

Du khách thập phương nghe đồn đến chùa vãn cảnh tích đức còn có kỷ niệm mang về càng vui mừng. Một đồn mười, mười đồn trăm, dân chúng đổ về chùa dâng hương ngày càng đông, danh tiếng chùa ngày càng lừng lẫy và công ty ký được hợp đồng bán hàng nghìn chiếc lược cho nhà chùa.

Ứng viên thứ ba này được tuyển thẳng làm phụ trách bán hàng vì có khả năng phân tích nhu cầu và tâm lý của đám đông, có ý tưởng sáng tạo và giải pháp cụ thể, mở ra một thị trường tốt cho sản phẩm.

Bài học rút ra: Ngoài việc phát hiện ra nhu cầu tiêu dùng tiềm năng của thị trường, người bán hàng giỏi còn phải là người tạo ra nhu cầu, kích thích nhu cầu xuất hiện và phát triển để bán được càng nhiều hàng càng tốt.

“Nếu muốn thành công, bạn phải dấn thân vào những con đường mới, chứ không phải đi du lịch trên lối mòn của những thành công đã được thừa nhận”. Không có con đường cụ thể cho sự thành công bởi những người khác nhau sẽ đi trên những con đường khác nhau.

Theo trí thức trẻ