Chiến lược Để ngành kinh tế mũi nhọn du lịch cất cánh, GS đại...

Để ngành kinh tế mũi nhọn du lịch cất cánh, GS đại học Kinh tế quốc dân chỉ ra không thể thiếu chất kết dính này

3
Thực tế cho thấy, quốc gia nào có hệ thống logistics phát triển thì quốc gia đó có ngành du lịch phát triển như Nhật Bản, Singapore , Đức, Hà Lan, Mỹ


Ảnh minh họa

Du lịch- ngành công nghiệp mũi nhọn cần chú trọng

Thế giới văn minh ngày nay đặt cho ngành du lịch nhiều tên gọi khác nhau “con gà đẻ trứng vàng”, “ngành công nghiệp không khói”, “ngồi nổ để phát triển kinh tế” và là “ngành công nghiệp số 1 của thế kỷ XXI”. Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng du lịch lớn bởi tài nguyên du lịch nước ta phong phú, đa dạng có sức thu hút cao. Đối với nước ta, du lịch ngày càng có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động và nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện chính sách an sinh – xã hội.

Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 1995 – 2010: 9,6%/năm. Giai đoạn 2011 – 2015: 5,72% (khách quốc tế), 16,3%/ năm (khách nội địa). Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001. Du lịch Việt Nam đã củng cố và duy trì vững chắc với trên 15 thị trường truyền thống, trong đó một số thị trường có số lượng khách trên 1,0 triệu khách như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…

Thị trường khách du lịch phát triển phù hợp với định hướng chiến lược. Thị trường khách du lịch nội địa liên tục tăng trưởng đạt 16,3%/năm, phản ánh nhu cầu đi lại du lịch rất lớn của người dân Việt Nam. Chính vì thế Nghị quyết số 08 /NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính Trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành công nghiệp không khói này.

Thế nhưng, báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 10 Quốc Hội khóa XIII đã chỉ rõ “Phát triển du lịch còn chậm, chưa tưng xứng với tiền năng và lợi thế, chất lượng dịch vụ còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao”. Để ngành này trở thành ngành mũi nhọn, Nghị quyết số 08 /NQ/TW đã chỉ ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch Việt Nam gồm: Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện thể chế, chính sách; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch ; Tăng cường xúc; tiến quảng bá du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Chất kết dính bị bỏ quên

Ngoài những giải pháp phát triển trên, các chuyên gia logistics cho rằng cần phải có các giải pháp đốt phá, mang tính liên ngành, liên vùng – Giải pháp logistics để hóa giải các vấn đề đang đặt ra hiện nay của ngành du lịch Việt Nam, cả trước mắt và lâu dài, trước hết cần tập trung vào một số giải pháp. Bởi khi logistics du lịch phát triển, đảm bảo sự liên kết, phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, sử dụng các nguồn lực trong điều kiện khả năng và năng lực của tổ chức để đáp ứng tốt nhất những nhu cầu và nguyện vọng của du khách theo triết lý “JIT” với chi phí thấp nhất, sẽ tạo đột phá trong phát triển bền vững du lịch thời gian tới. Logistics là khoa học tối ưu hóa tổ chức và quản lý, là nghệ thuật, là sự kết nối.

Trước mắt cần xây dựng Chiến lược và quy hoạch phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với vị trí là “nhạc trưởng”, logistics là “chất kết dính”, là loại hình dịch vụ tổng hợp, mang tính liên ngành và ứng dụng triệt để các thành quả của công nghệ thông tin, việc quản lý logistics đòi hỏi sự tham gia, phối hợp khoa học của nhiều ngành như giao thông vận tải, kế hoạch và đầu tư, thương mại, hải quan, công nghệ thông tin… do đó, để đảm bảo sự phối hợp, thống nhất và tối ưu hóa dòng vận động hàng hóa, dịch vụ, tiền tệ và thông tin giữa các ngành, các địa phương, vùng lãnh thổ và với khách hàng.

Đây là nền tảng cho sự phát triển hiệu quả chuỗi cung ứng các sản phẩm dịch vụ du lịch, cần phải xây dựng một hệ thống logistics quốc gia hiện đại được quy hoạch đầu tư xây dựng bài bản cho cả trước mắt và lâu dài. Thực tế cho thấy, quốc gia nào có hệ thống logistics phát triển thì quốc gia đó có ngành du lịch phát triển như Nhật Bản, Singapore , Đức, Hà Lan, Mỹ…

Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển logisitcs du lịch, đặc biệt cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics. Tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các trung tâm logistics (trong đó thực hiện cả các chức năng làm điểm dừng, nghỉ trên các tuyến du lịch) với phương tiện kỹ thuật hiện đại đồng bộ, được kết nối, nhằm hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển ngành công nghiệp du lịch như hệ thống giao thông vận tải, các nhà ga, hệ thống cảng sông, biển, cảng hàng không.

Phát triển hoạt động logistics và tăng cường quản trị logistics tại các doanh nghiệp du lịch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch Việt Nam . Doanh nghiệp cần chú trọng tập trung phát triển các dịch vụ khách hàng, dự báo nhu cầu, quá trình đặt chỗ, tối ưu hóa vận chuyển du khách, quản trị dự trữ và lựa chọn điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách.

Tổ chức và quản lý hiệu quả hoạt động logistics ngược trong kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là thu gom, xử lý phế thải từ các hoạt động du lịch trên các tuyến du lịch đường bộ, khu và điểm du lịch, điểm dừng nghỉ (hiện còn tự phát) nhằm bảo tồn và tôn tạo tài nguyên du lịch, luôn bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn và thân thiện cho du khách. Đồng thời tổ chức và quản lý tốt các hoạt động logsitics ngược trong các hoạt động cung ứng, mua bán hàng hóa, dịch vụ, xuất khẩu tại chỗ cho du khách tại các khu, điểm du lịch của các địa phương, thành phố.

Để tăng cường phối hợp với các ngành và hiện thực hóa liên kết kinh tế giữa các ngành, các địa phương, vùng lãnh thổ có tiềm năng phát triển du lịch, cần tập trung quy hoạch và xây dựng các trung tâm logistics tại các điểm kết nối các loại phương tiện vận tải mà các địa phương, vùng lãnh thổ có lợi thế như đường bộ, đường sắt, đường thủy hoặc trên các tuyến quốc lộ như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và các tuyến du lịch đường bộ khác…… vừa để thúc đẩy phát triển bền vững du lịch theo hướng văn minh, chuyên nghiệp, vừa thúc đẩy xúc tiến quảng bá, lưu thông hàng hóa, dịch vụ.

Đáng tiếc hiện nay là ngay cả tuyến du lịch đường bộ lớn nhất Việt Nam như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và nhiều tuyến đường cao tốc của Việt Nam được đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng nhưng không hề được quy hoạch, xây dựng các điểm hậu cần – Trung tâm logistics, chẳng khác nào xây dựng các khu chung cư cao cấp nhưng lại không xây dựng các khu vui chơi, giải trí, trường học, còn các trường Đại học thì lại không có khu vui chơi, nhà thi đấu tổng hợp…(trong khi ở các nước cứ 50- 70km trên các tuyến quốc lộ, cao tốc lại có một trung tâm logistics được xây dựng rất khang trang).

Dẫn đến sức hấp dẫn cho du khách thấp, sử dụng hạ tầng giao thông kém hiệu quả, tuyến Quốc lộ 1A lại thường quá tải… hệ thống “cơm tù”, “điểm dừng nghỉ cưỡng bức” trên các tuyến quốc lộ có cơ hội phát triển hoặc người dân tự phá hàng rào trên tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai để cung ứng dịch vụ cho xe vận chuyển hàng hóa, hành khách, gây ấn tượng xấu, đặc biệt là khách quốc tế trên đường đến các khu, điểm du lịch. Mặt khác làm tăng tai nạn giao thông, làm cho diện mạo hệ thống giao thông được đầu tư hàng trăm ngàn tỷ trở nên lộn xộn và nhếch nhác, gây phản cảm đối với du khách.

Theo trí thức trẻ