Kiến thức quản trị 4 bài học từ thất bại của các startup gọi vốn triệu...

4 bài học từ thất bại của các startup gọi vốn triệu USD

19
Với sự cạnh tranh quyết liệt của hàng ngàn công ty khởi nghiệp (startup) trên khắp thế giới, không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ thất bại của các công ty này thường là 75%.


Ảnh minh họa

Thực sự đây là một điều tốt, vì sự ra đời và chết đi của các startup giúp cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển ổn định. Các doanh nhân khởi nghiệp cũng có thể học hỏi nhiều từ những sai lầm đó để rút ra được kinh nghiệm thành công.

Cassandra Phillips – người sáng lập hội thảo chuyên bàn về thất bại Failcon, cho biết: “Nguyên nhân thất bại thường là do bạn khởi nghiệp cùng với những người không có kỹ năng bổ sung gì cho bạn, hoặc ngược lại, các bạn có sự cân bằng hoàn hảo về kỹ năng nhưng lại có cách giao tiếp hoàn toàn khác nhau”.

4 công ty startup dưới đây từng huy động được khá nhiều vốn, và được truyền thông tung hô một thời, nhưng đều đã gục ngã vì các sai lầm chiến lược.

1. Gowalla

Ra mắt hồi năm 2007, mạng xã hội Gowalla từng có lúc thu hút được hàng triệu người dùng, nhưng rốt cuộc đã phải đóng cửa chỉ sau 5 năm hoạt động.

Gowalla gặp khá nhiều khó khăn trong việc thu hút đông đảo người dùng. Đầu tiên là bị Foursquare lấy mất sự chú ý từ dư luận. Tiếp theo đó, quy trình “check in” địa điểm trên Gowalla không thân thiện với người dùng.

Gowalla cũng hoạt động dưới dạng trang web di động, do lúc đó công nghệ smartphone chưa đủ tiến bộ để hỗ trợ cho các ứng dụng di động (app). Số lượng người dùng và mức độ nhiệt tình của họ đã giảm dần khi Gowalla chuyển trọng tâm và gỡ bỏ các tính năng.

Gowalla đã huy động được 8,3 triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tư mạo hiểm, nhưng cuối cùng công ty này đã bị Facebook mua lại với giá vỏn vẹn 3 triệu USD.

Bài học rút ra: Tránh cạnh tranh trực tiếp với những gã khổng lồ. Nếu bạn muốn cạnh tranh với Facebook, bạn đang phải đối mặt với một trận chiến rất khó khăn.

Hãy đảm bảo công nghệ của bạn có thể mang lại những gì bạn đã hứa hẹn. Có lẽ nếu Gowalla ra mắt bây giờ thì mọi chuyện đã dễ dàng hơn, khi mà các ứng dụng di động đã đạt được sự phát triển rất tốt do điện thoại thông minh ngày càng nhanh hơn và có nhiều người dùng hơn.

2. Pay By Touch

Với ý tưởng việc sử dụng dấu vân tay để thanh toán các hóa đơn, Pay By Touch đã thu hút được khá nhiều nhà đầu tư, với tổng vốn huy động lên tới 340 triệu USD. Tuy nhiên, startup này chưa bao giờ thực sự tỏa sáng. Các cáo buộc về gian lận, cộng thêm các mâu thuẫn trong hội đồng quản trị, đã liên tục đeo bám đội ngũ sáng lập của Pay By Touch cho đến khi hãng này tuyên bố phá sản vào cuối năm 2007.

Các nhà đầu tư đã khá bất mãn khi nhà sáng lập John P. Rogers chi hàng trăm triệu USD để mua lại các đối thủ cạnh tranh, trong khi không đủ tiền trả lương cho nhân viên. Một nguyên nhân khác dẫn tới thất bại của Pay By Touch là do nhiều khách hàng vẫn quen với việc sử dụng thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ thay vì chuyển sang một công nghệ mới.

Bài học rút ra: Pay By Touch đã đưa ra một giải pháp cho một vấn đề không tồn tại, đây là một trong những cái bẫy phổ biến nhất mà các startup hay mắc phải.

Phillips nói: “Ai cũng nghĩ những gì họ làm là mới mẻ, hấp dẫn và thú vị, và khi họ hỏi ý kiến bạn bè thì đều nhận được những câu trả lời như ‘Yeah, tuyệt đấy’. Tuy nhiên, để một sản phẩm được sử dụng rộng rãi, nó phải là thứ mà mọi người nhận thấy họ không thể sống thiếu nó. Hơn một nửa số startup thất bại là vì lý do này”.

3. RealNames

Được thành lập vào năm 1997, RealNames cho phép người dùng Microsoft Internet Explorer đăng ký tên miền bằng cách sử dụng thanh địa chỉ của trình duyệt, mà không cần phải dùng tới các nhóm tên miền cấp cao như “.com” hay “.net”.

Với ý tưởng này, RealNames đã gây quỹ được hơn 130 triệu USD. Tuy nhiên, công ty đã phải ngừng hoạt động vào năm 2002 sau khi Microsoft quyết định chuyển hướng 1 tỷ lượt truy cập mà RealNames xử lý mỗi quý sang công cụ tìm kiếm MSN của hãng này.

Bài học rút ra: Sự tồn tại của RealNames phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của một công ty khổng lồ khác. Đừng để sản phẩm của bạn lệ thuộc vào công ty của người khác.

4. Pets.com

Là một trong những thảm họa nổi tiếng nhất thời bong bóng dotcom đầu những năm 2000, Pets.com là một trang thương mại điện tử chuyên bán các sản phẩm chăm sóc thú cưng trên mạng. Tuy chỉ tồn tại trong vòng 2 năm từ 1998 đến 2000, nhưng Pets.com đã huy động vốn được tới 300 triệu USD.

Công ty này đã đổ hàng triệu USD vào các chiến dịch tiếp thị, bao gồm cả việc mua quảng cáo tại sự kiện đắt đỏ nhất trong năm ở Mỹ là Super Bowl. Các nhà lãnh đạo của Pets.com tin rằng họ đã tìm thấy một thị trường không bao giờ bị thiệt hại bởi suy thoái kinh tế, cho đến khi họ thấy rằng đây là một thị trường ngách không đem lại đủ doanh thu.

Những mặt hàng cho thú cưng có chi phí vận chuyển quá cao. Các mặt hàng có giá cao hơn như đồ chơi thì lại không thể được bán với giá đủ cạnh tranh. Doanh thu của Pets.com phụ thuộc quá nhiều vào các chiến dịch khuyến mãi, và điều này làm suy giảm lợi nhuận của công ty.

Từ lúc IPO tháng 2/2000 đến khi đóng cửa vào tháng 11 cùng năm, giá cổ phiếu Pets.com tuột dốc không phanh từ 11 USD xuống còn vỏn vẹn 19 xu.

Bài học rút ra: Hãy thành thực với bản thân về những gì bạn đã làm được. Phillips nhấn mạnh: “Quá nhiều doanh nhân khởi nghiệp không thành công vì họ sợ phải nhờ sự giúp đỡ hoặc không thể nói ra thực tế khi đang phải vật lộn với khó khăn. Tôi cam đoan rằng mọi thứ sẽ dễ dàng hơn gấp ba lần nếu bạn thành thật với chính mình và những người xung quanh. Nhưng tiếc thay, quá ít doanh nhân làm được điều này”.

Theo DNSG