Chiến lược Cả Warren Buffett và Bill Gates cùng công nhận “Đam mê là...

Cả Warren Buffett và Bill Gates cùng công nhận “Đam mê là khởi nguồn của thành công”, thực tế thì sao?

3
Nếu hồi trẻ Steve Jobs theo đuổi công việc mà ông ấy yêu thích, có lẽ ngày nay chúng ta sẽ không có Macbook, iPhone.


Ảnh minh họa

Vừa qua, hai vị tỷ phú thế giới Warren Buffett và Bill Gates đã có một chuyến đi thú vị đến thăm cửa hàng đồ gia dụng Nebraska Furniture Mart của Berkshire, nằm trong khuôn khổ đại hội cổ đông thường niên Berkshire Hathaway. Chia sẻ trên blog cá nhân, tỷ phú Bill Gates nói:

“Khi thời tiết nóng lên, một số người đi biển, một số khác lại thích picnic trong công viên. Cá nhân tôi có một nơi mà tôi luôn tới vào mỗi mùa xuân bất kể điều kiện là gì: Đại hội cổ đông thường niên Berkshire Hathaway nằm tại Nebraska, Omaha cùng với CEO kiêm chủ tịch Warren Buffett – bạn tôi”.

Tỷ phú Buffett cũng có những chia sẻ về ước mơ rất đỗi bình dị của ông trước đây. “Tôi đã từng đặt mục tiêu trở thành người kiểm tra đệm. Tôi nghĩ đó là một công việc tuyệt vời”. Nhưng nhiều năm sau thay vì trở thành người kiểm tra đệm, Buffett đã mua lại cả một công ty đệm.

Khi được Bill Gates hỏi liệu ông có thể nhớ đã mua tấm đệm đầu tiên khi nào hay không. Nhà đầu tư huyền thoại xứ Omaha đã trở lời rằng: “Tôi thường không mua sắm vật dụng cho gia đình. Tôi thực sự không thể nhớ mình đã mua gì”.

Nhưng cả hai vị tỷ phú đều đồng ý về một yếu tố đã thúc đẩy thành công của họ: Họ đã làm những gì họ thích. Trong khi Buffett đầu tư và tìm kiếm những giao dịch tốt (thay vì mua sắm), Gates lại làm ra những chiếc máy tính và phần mềm.

“Xây dựng Microsoft cực kỳ vui, bởi vì chúng tôi đã có tầm nhìn đúng về phần mềm cho nên chúng tôi có động lực rất lớn”, Bill Gates kể lại.

Chủ tịch quỹ Berkshire Hathaway nói rằng điều quan trọng là phải chọn một công việc hoặc nghề nghiệp mà bạn yêu thích. “Hầu hết mọi thành công đều phải bắt nguồn từ niềm đam mê”.

Đó là điều mà mọi doanh nhân thành công thường tìm kiếm ở nhà đầu tư tiềm năng của họ. Trường hợp điển hình là Max Gunawan – nhà sáng lập công ty đèn LED Lumio có trụ sở ở San Francisco – người đã xuất hiện trên chương trình “Shark Tank” năm 2014 để tìm kiếm nhà đầu tư sau khi gọi được 578.000 USD trong vòng Kickstarter. Anh kêu gọi tỷ phú Mark Cuban và một vài người khác bỏ ra 250.000 USD để mua vào 8% cổ phần của Lumio.

Các nhà đầu tư thích sản phẩm này, nhưng họ cũng bị ấn tượng bởi việc Gunawan đã dành ra 4 tháng cắm trại bên ngoài nhà máy của anh ở Trung Quốc để hoàn thiện sản phẩm. Họ biết Gunawan không chỉ có niềm tin mà còn có niềm đam mê vào sản phẩm của mình. Cuối cùng Gunawan đã nhận được 350.000 USD và bán được 10% cổ phần Lumio. Hiện tại sản phẩm của Lumio được bày bán tại các cửa hàng cao cấp trên toàn thế giới.

Không phải ai cũng đồng ý rằng đam mê dẫn đường tới thành công và bằng chứng sống là Steve Jobs. Như những gì Cal Newport viết trong cuốn sách của mình “So Good They Can’t Ignore You: Why Skills Trump Passion in the Quest for Work You Love”. “Nếu ngày trẻ Steve Jobs nghe theo lời khuyên và theo đuổi công việc mà ông ấy yêu thích, chúng ta có lẽ sẽ không có Macbook, iPhone như ngày hôm nay mà thay vào đó chúng ta sẽ bắt gặp ông với vai trò là giáo viên ở trung tâm thiền Los Altos”.

“Nhưng ông ấy đã làm khác”, Newport viết. “Apple Computer rõ ràng là không được sinh ra nhờ đam mê, thay vào đó nó là kết quả của một cơ hội may mắn – một kế hoạch ngắn hạn đã bất ngờ cất cánh. Chắc chắn sau cùng thì Jobs cũng dần xây dựng được niềm đam mê với công việc của mình, tôi không nghi ngờ gì về điều đó. Nếu bạn từng nghe những bài diễn thuyết nổi tiếng của ông, bạn sẽ thấy một người đàn ông rất yêu những gì ông ấy đang làm. Điều đó có nghĩa là gì?. Chỉ là thật tốt nếu bạn thích những gì bạn làm”.

Theo trí thức trẻ