Đào tạo Hãy “nằm lòng’ những điều này nếu bạn thực sự nghiêm túc...

Hãy “nằm lòng’ những điều này nếu bạn thực sự nghiêm túc với công việc sáng tạo

118
Chẳng có công việc nào là dễ dàng, kể cả công việc sáng tạo cũng thế, nhưng nếu quyết tâm đi theo con đường của sáng tạo, có những điểm bạn cần lưu ý để làm nghề dễ dàng hơn.


Ảnh minh họa

Trên đời chẳng có việc nào là dễ, và việc sáng tạo cũng vậy. Những khó khăn của nghề sáng tạo thì nhiều chẳng kém bất kỳ nghề nào, nhưng đa số đều không bao giờ được người trong cuộc nhắc đến. Phần vì họ biết rằng hầu hết chẳng có ai muốn quan tâm. Phần vì đôi khi ngay cả chính bản thân họ cũng không nhận thức rõ ràng được chúng.

Công thức để thành công thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và không phải của ai cũng giống của ai. Nhưng nếu bạn cũng là người làm sáng tạo hay quan tâm đến công việc sáng tạo, dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý.

Hãy bắt đầu với những dự án nhỏ

Nhất là khi bạn còn trẻ. Để bắt đầu được một dự án với nhiều tham vọng và mục tiêu lớn lao thì dễ thôi, nhưng để hoàn thành được một thứ mình đã đặt ra từ cách đây chỉ cần 6 tháng thôi đã là một thử thách vô cùng khó khăn. Mà đấy là 6 tháng, vẫn còn dễ.

Khi bạn mới chân ướt chân ráo đặt chân vào thế giới sáng tạo, mà đã vội vàng khởi động một dự án mà bạn dự đoán sẽ cần ít nhất 1 năm để hoàn thành, thì bạn cứ yên tâm là khả năng cao bạn sẽ hoặc là không thể làm được, hoặc là khoảng thời gian đó sẽ kéo dài lên gấp 2-3 lần. Và trong cả quãng thời gian đó, bạn sẽ là một người đau khổ, và bạn sẽ ghét chính mình vì quá yếu đuối và lười biếng.

Thứ hai, khi bạn đã dành một khoảng thời gian dài với một dự án, việc bạn dần dần trở nên chán ngán với cái thứ bạn đang làm hiện tại và thèm được nhảy sang một dự án mới, một ý tưởng mới, sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra.

Và nếu bạn cứ làm việc theo kiểu tháng này một dự án, tháng sau chán lại nhảy sang một dự án khác, thì bạn chỉ tự hại chính mình mà thôi. Bởi tất cả những gì bạn còn lại sẽ chỉ là một đống đổ nát của những thứ vẫn chưa thành hình được. Và bạn biết không, những thứ đó bạn không bán được cho ai đâu.

Thứ ba, và cũng để trả lời cho lý do tại sao trên, đó là khi bạn còn trẻ, còn mới, còn nhiều điều để học về công việc sáng tạo bạn đang làm, thì cũng có nghĩa là tốc độ tiến bộ và tăng trưởng của bạn đang ở mức rất cao. Chỉ có càng về sau, khi bạn ngày càng có nhiều hiểu biết, kỹ năng và kinh nghiệm hơn, thì tốc độ phát triển của bạn mới càng chậm dần lại.

Học hỏi được nhanh thì đương nhiên là tốt cho bạn. Nhưng nó lại không tốt một chút nào đối với một dự án dài hơi. Vấn đề của việc bạn muốn thực hiện một dự án dài hơi khi bạn vẫn còn là một lính mới, đó là chỉ sau một khoảng thời gian ngắn bạn đã mau chóng tiến bộ vượt bậc hơn chính mình trước đó. Và bạn sẽ sớm nhận ra rằng cái ý tưởng ban đầu của mình thật quá kém cỏi và còn nhiều lỗ hổng về mặt bản chất.

Một yêu cầu tối quan trọng khi thực hiện một dự án dài hơi, đó là bạn lúc nào cũng phải hết mực tin tưởng vào nó. Niềm tin của bạn phải lớn lao đủ để bạn có thể chống chọi qua khó khăn cùng với nó suốt một thời gian dài. Vậy mà bây giờ mới chỉ 3 tháng mà bạn đã bắt đầu có dấu hiệu đánh mất niềm tin vào ý tưởng bạn đang làm, chỉ đơn giản bởi vì bạn đã tiến bộ lên, thì gần như 99% là dự án này của bạn sẽ thất bại.

Vì thế lúc này hãy nhớ rằng, 10 dự án lớn nhưng không có cái nào hoàn thành cũng không bằng một dự án tuy nhỏ những đã hoàn thành. Bởi việc hoàn thành được một dự án đó sẽ là một minh chứng hùng hồn cho sự nghiêm túc và khả năng kỷ luật cá nhân của bạn. Hãy để dành những dự án dài hơi cho sau này, khi bạn đã là một người dạn dày kinh nghiệm hơn, và tốc độ phát triển của bạn cũng đã ổn định hơn.

Tuy vậy, nếu như sau khi đọc xong những dòng này mà bạn vẫn quyết tâm cho rằng dự án lớn và đầy tham vọng bạn đang làm là xứng đáng, và rằng bạn đã đủ khả năng để theo đuổi nó đến cùng, thì bạn hãy cứ làm nhé. Chỉ cần bạn hãy hiểu rằng mình đang làm gì, rằng mình đã tính toán thiệt hơn kỹ càng như thế nào, trước khi quăng mình vào một cuộc hành trình đầy gian khổ mà trong đầu không có lấy một chút ý thức nào về những khó khăn đang chờ đợi mình.

Hãy biết yêu

Để làm được những điều lớn lao, con người ta cần một thứ thuốc có tên là tình yêu. Thật vậy, nếu bạn đã đọc về Đội quân đồng tính bất bại thành Thebes, chỉ với 300 binh sĩ mà độc cô cầu bại, thì bạn sẽ hiểu sức mạnh của thứ thuốc này lớn đến nhường nào.

Mặc dù nói điều này có hơi sến một chút, nhưng ai trong đời cũng nên ít nhất từng trải qua cái ngọt ngào và cái đắng cay của tình yêu ít nhất một lần thì cuộc đời mới trọn vẹn. Và điều này đặc biệt đúng đối với những người làm sáng tạo.

Bạn có thể không có thời gian cho những mối quan hệ, nhưng ít nhất hãy yêu say đắm lấy một người. Bởi tình yêu đó của bạn dành cho họ sẽ là nguồn động lực gần như là bất tận để bạn tiếp tục cố gắng và phấn đấu. Quả thực, nếu bạn dành 8 đến 10 tiếng mỗi ngày cho một công việc fulltime, thì dù cho khi ở chỗ làm có quyết tâm về nhà và tiếp tục công việc sáng tạo của mình đến đâu, khi về đến nhà gần như ngay lập tức sự quyết tâm đó của bạn sẽ tan biến như bong bóng xà phòng.

Vì thế hãy yêu lấy một ai đó (yêu đơn phương cũng được!) miễn là có một thứ gì đó giúp bạn đứng dậy. Như ông Nikola Tesla cũng vậy: cả đời cống hiến cho khoa học, không lấy vợ và cũng không biết đến sex là gì. Hôn nhân và tình dục thì có thể không, nhưng tình yêu thì nhất định phải có. Bằng chứng là ông vẫn đều đặn trao đổi thư từ và gửi hoa cho phu nhân Katharine Johnson (vợ của người bạn thân Robert Johnson), hay là việc ông đã đem lòng yêu lấy một con chim bồ câu trắng trên thềm cửa sổ khách sạn New York.

Tất nhiên, việc gì cũng có mặt trái của nó. Bạn cần tình yêu làm động lực, vì thế nên hãy cố gắng học cách làm chủ được nó, tránh trường hợp để tình yêu làm mờ mắt và rồi hủy hoại cả công việc của bạn. Đã là tình yêu thì chắc chắn phải có đau khổ. Đau khổ ở mức độ vừa phải thì rất tốt cho công việc sáng tạo của bạn, nhưng nếu để đến mức vật vã quằn quại, để người ca sĩ phải mất giọng, người họa sĩ phải cụt tay, thì hết sức nguy hiểm.

Làm gì khi bị “block”?

Artblock. Writer’s block. Creative block. Đủ các thể loại block khác nhau. Ai đã làm sáng tạo rồi, không sớm thì muộn, cũng sẽ phải trải qua cảm giác không lấy gì làm dễ chịu này. Ngành nào cũng thế.

Đó là khi cái con bé hay thằng bé ngốc nghếch ở bên trong bạn bỗng một ngày lăn ra than khóc, kêu rằng nó ốm. Ốm nặng đến mức khiến cho người chủ của nó phải ốm theo, từ thể chất cho đến tinh thần. Cái trò ốm này một khi đã trúng phải, thì người dù có là đại thiên tài đi chăng nữa cũng phải đầu hàng, vì không thể nào cho ra đời được một thứ gì mang dáng dấp của chất lượng, hay chí ít là bản thân chấp nhận được cả. Trên đời này cũng không thiếu người vì bị block mà đã phải từ bỏ nghề của mình.

Bạn sẽ căm ghét việc mình làm, và sẽ căm ghét luôn cả chính bản thân bạn. Bạn hậm hực nhớ rằng có một thời, đầu và tay là đôi bạn gắn bó khăng khít. Đầu nảy ra được ý tưởng gì, là tay sẽ thực hiện được nó. Gọn gàng và hiệu quả. Nhưng giờ thì khác. Giờ thì đầu có nghĩ ra được bao nhiêu ý tưởng bay bổng, điên rồ và thú vị đi chăng nữa, thì bàn tay cũng chỉ cho ra được con giun, con gián. Nhạt nhẽo, vô vị và hết sức thiếu sáng tạo. Những lúc như thế, việc bạn cần phải làm là gì?

Gợi ý này: việc bạn cần làm không phải là tự dộng đầu mình vào tường cho đến khi đầu bạn tụt tầm trí tuệ xuống cho vừa bằng trình độ với tay của bạn đâu.

Giống như những vết thương về thể chất, block cũng là một vết thương của tinh thần. Và bởi vì ít có ai coi nó như một vết thương cần được chữa trị đúng cách và kịp thời, nên hậu quả nó để lại đôi khi thật khủng khiếp. Tất nhiên, việc luyện tập để phục hồi thể chất là cần thiết, nhưng về cơ bản khi đã bị block, thì đó là tín hiệu báo với bạn rằng, con nhóc hay thằng nhóc đó trong bạn đang cần được nghỉ ngơi. Việc bạn cứ hung hăng luyện tập những mong vượt qua được nó sẽ chỉ làm mọi chuyện tồi tệ hơn mà thôi. Nếu bạn chấn thương khi đi tập gym, liệu bạn có cố gắng luyện tập với cường độ cao hơn bình thường để qua khỏi chấn thương không? Dĩ nhiên là không. Block cũng thế.

Bạn đã từng nghe thấy hiện tượng, một họa sĩ sau một thời gian dài không động vào vẽ, khi quay lại bỗng trở nên tiến bộ hơn trước chưa? Sự thực là, kể cả khi chúng ta không trực tiếp bắt tay vào thực hiện công việc hay giải quyết một vấn đề nào đó, thì tiềm thức của chúng ta vẫn luôn luôn tự hoạt động ở phía sau bằng cách của riêng nó. Và đôi khi, nhiệm vụ của bạn không có gì khác ngoài để yên cho nó tự làm việc.

Trong lúc đó, bạn có thể đi làm những việc khác mà bấy lâu nay bạn vẫn bỏ bê. Biết đâu bạn lại cảm thấy chúng thú vị hơn hẳn trước, khi giờ đây bạn không muốn phải đối mặt với sự bế tắc khổng lồ kia nữa. Thế nên hãy tạm buông tay. Rồi bạn sẽ tự cảm ơn chính mình về điều đó.

Bạn có thể là một tín đồ của quy tắc 10.000 giờ. Và cái quy tắc đó có thể dễ hình dung thật đấy. Nhưng nghe này: quy tắc đó nhắc đến số lượng thời gian bạn phải bỏ ra để trực tiếp luyện tập trước khi bạn có thể trở thành một nghệ nhân trong một lĩnh vực nào đó. Thế nhưng điều mà nó không nhắc đến, đó là việc bạn sử dụng 10.000 giờ đó như thế nào, với cường độ hàng ngày ra sao.

Dẹp quách cái ý nghĩ bạn có thể ào ào xô đổ mọi vật cản trong công cuộc tiến lên thành nghệ nhân của bạn đi. Người ta bảo rồi, muốn làm thợ đốn củi lâu dài, thì phải biết thỉnh thoảng lên núi mà mài rìu, chứ không phải cứ hùng hục mà phang. Đến máy móc dùng lâu còn phải sửa chữa thay dầu, huống chi là con người.

Nếu bạn muốn tiến xa, cách tốt nhất là hãy tôn trọng đứa trẻ đó bên trong bạn.

Theo trí thức trẻ