Chiến lược Sự im lặng bất thường và câu chuyện công nghệ Nhật phải...

Sự im lặng bất thường và câu chuyện công nghệ Nhật phải thuộc về người Nhật

10
Việc Japan Inc không cứu được Toshiba không chỉ gây sốc với chính tập đoàn này mà còn khiến nhiều doanh nghiệp lớn khác của Nhật choáng váng.


Ảnh minh họa

Suốt gần 70 năm qua, Japan Inc , hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp Nhật, kết nối đầu tư đã đứng đằng sau giúp đỡ đắc lực cho doanh nghiệp Nhật, đảm bảo cho hoạt động kinh doanh ổn định của doanh nghiệp nước này.

Thế nhưng theo Financial Times, đối với trường hợp Toshiba, một trong những tên tuổi nổi bật nhất ngành công nghiệp Nhật, giới doanh nghiệp Nhật đã trải qua không ít ngày tháng lo sợ trong im lặng. Doanh nghiệp và công chúng Nhật run rẩy với viễn cảnh Toshiba bị bán cho Trung Quốc, công nghệ Nhật mất về tay đối thủ truyền đời của người Nhật.

Cùng lúc đó doanh nghiệp Trung Quốc, Mỹ chuẩn bị sẵn tiền để nếu Toshiba bán cổ phần, họ lập tức mua gom. Nhiều người đặt câu hỏi Japan Inc hiện đang ở đâu?

Việc Japan Inc không cứu được Toshiba không chỉ gây sốc với chính tập đoàn này mà còn khiến nhiều doanh nghiệp lớn khác của Nhật choáng váng bởi nó cho thấy khung chính sách hỗ trợ cho các siêu ngân hàng và tập đoàn điện tử có thể đang “tan rã”.

Chuyên gia quản lý quỹ tại WisdomTree Japan, ông Jesper Koll, nhận xét: “Phương châm hoạt động của Japan Inc luôn là “Tôi sẽ giúp khi bạn khó khăn”, và thực tế Japan Inc đã làm như vậy với nhiều doanh nghiệp Nhật nhiều lần trong thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai.”

Cũng theo ông Koll, rõ ràng Toshiba nắm giữ vị trí rất quan trọng trong ngành công nghiệp Nhật và có tầm ảnh hưởng đến không ít các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế, theo lẽ thường, Japan Inc sẽ can thiệp để tìm cho ra giải pháp. Nhưng lần này, họ đứng ngoài.

Trong gần nửa năm khi tình hình bi đát thật sự của Toshiba được công bố, giới doanh nghiệp Nhật đã chịu nhiều lời chỉ trích, chính phủ Nhật không ít lần đề nghị Japan Inc cứu Toshiba, Japan Inc không cứu. Khi từ chối cứu Toshiba, có phải Japan Inc đã tự bác bỏ vai trò của chính mình?

Nhiều nhà kinh tế học khẳng định với lịch sử và kinh nghiệm hoạt động của Japan Inc suốt từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, chắc chắn không khó khăn gì nếu họ muốn cứu Toshiba. Và nếu Japan Inc có khó khăn khi làm điều này, chắc chắn họ sẽ nhận được trợ lực lớn từ doanh nghiệp, ngân hàng lớn tại Nhật cũng như chính phủ Nhật.

Nhiều doanh nghiệp Nhật từng hưởng lợi từ Japan Inc. Một trong bốn tập đoàn tài chính lớn nhất nước Nhật, Mitsubishi UFJ, cùng với Japan Inc đã cứu công ty UFJ vào năm 2015. Năm 2012, Hệ thống mạng lưới đổi mới doanh nghiệp Nhật (INCJ) đã kết hợp với Toyota và Panasonic để ngăn công ty sản xuất chip Reneas bị một quỹ đầu tư của Mỹ thâu tóm.

Thế nhưng Toshiba đã bị bỏ rơi, ban lãnh đạo Toshiba tuyệt vọng cầu cứu chính phủ mà không nhận được sự hồi đáp.

Lẽ ra, doanh nghiệp Nhật đã có thể can thiệp để giúp Toshiba đỡ khó khăn về tài chính và tái cấu trúc doanh nghiệp. Nhưng khi Toshiba không nhận được sự hỗ trợ như vậy, người ta hiểu sự hỗ trợ mà Japan Inc và doanh nghiệp Nhật dành cho doanh nghiệp khác vẫn có, nhưng khác trước rất nhiều.

Và các doanh nghiệp lớn khác của Nhật cũng không dễ mà tự lực hành động cứu Toshiba kể cả nếu họ muốn. “Quản lý doanh nghiệp sẽ cần phải giải trình với cổ đông, họ không thể đầu tư tiền chỉ để cứu Toshiba”, cựu giám đốc điều hành công ty Elpida Memory, bà Yukio Sakamoto nhận xét. Elpida Memory là công ty sản xuất chip của Nhật nhưng đã bị công ty Micron Technology của Mỹ mua lại.

Theo lẽ thông thường, người Nhật luôn muốn giữ công nghệ Nhật bên trong biên giới Nhật. Lãnh đạo của rất nhiều doanh nghiệp Nhật đã thể hiện tâm lý vô cùng lo ngại với triển vọng công nghệ của Toshiba sẽ rơi vào tay của các đối thủ châu Á khác. Thế nhưng khi chính phủ Nhật tự mình lập liên doanh Nhật – Mỹ để cứu bộ phận sản xuất chip của Toshiba, không doanh nghiệp Nhật nào nộp đơn đấu thầu.

Câu chuyện xung quanh Toshiba cho thấy mối liên hệ giữa doanh nghiệp Nhật với nhau đang trở nên lỏng lẻo hơn. Tính toán của công ty chứng khoán Nomura cho thấy tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp Nhật của các ngân hàng và công ty chứng khoán lớn tại Nhật đã giảm dần.

Nếu như vào năm 1990, nhóm ngân hàng, công ty chứng khoán Nhật sở hữu đến 34% tổng lượng cổ phiếu doanh nghiệp Nhật thì đến năm tài khóa 2015, tỷ lệ này chỉ còn 10,3%. Nomura dự báo xu thế này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.

Vậy khi không nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp trong nước thì doanh nghiệp Nhật đi đâu? Nhiều tập đoàn Nhật với dự trữ tiền mặt lớn đang tìm kiếm thêm nhiều cơ hội kiếm tiền ở nước ngoài.

Không chỉ riêng với vụ việc Toshiba, vào năm 2016, khi Mitsubishi Motors gặp khó với bê bối gian dối nhiên liệu, Japan Inc cũng im lặng hoàn toàn. Cuối cùng, Mitsubishi Motors được bán cho Nissan. Nissan thực chất đang liên minh với Renault và cũng đồng nghĩa nằm ngoài diện hỗ trợ của Japan Inc.

Giáo sư kinh tế tại đại học Keio và từng là một quan chức trong chính phủ Nhật, ông Akira Kawamoto, khẳng định việc Japan Inc đứng ngoài các cuộc khủng hoảng doanh nghiệp Nhật nhiều khi lại tốt bởi nếu chính phủ Nhật luôn hỗ trợ doanh nghiệp, họ đang tạo ra “rủi ro đạo đức”, chủ doanh nghiệp sẽ hành xử vô trách nhiệm bởi họ biết họ sẽ luôn được chính phủ cứu. Điều đó tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng và vô trách nhiệm.

Theo DDDT