Chiến lược Doanh nghiệp không nên trông chờ vào gói kích cầu

Doanh nghiệp không nên trông chờ vào gói kích cầu

5
TS Võ Trí Thành cho biết, dù dự trữ gần 20 tỷ USD ngoại tệ song Chính phủ không có đủ nguồn lực để tung ra gói kích cầu như 2009 trong khi vẫn đang thực hiện tái cấu trúc, mà chỉ riêng hệ thống ngân hàng đã cần 5-6 tỷ USD.
Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp trong cuộc hội thảo đánh giá kinh tế vĩ mô quý I và dự báo 9 tháng cuối năm 2012 được tổ chức mới đây, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương khẳng định, trong thời gian tới chắc chắn sẽ không có gói kích thích kinh tế lớn, toàn diện và đầy đủ tương tự như năm 2009.
Ông Thành đưa ra 4 lý do giải thích: Thứ nhất là Việt Nam đang thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, quá trình này buộc phải chịu đau và cắt bỏ những cái đáng phải gạt bỏ. Thứ hai, bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn đang làm mối lo ngại, dù kinh tế quý I có một số chuyển biến tích cực. Thứ ba, Chính phủ không có đủ nguồn lực, cho dù được hỗ trợ mạnh mẽ từ dự trữ ngoại tệ gần 20 tỷ USD. Nếu chỉ riêng chi phí cho tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì cũng đã cần tới 5% GDP của Việt Nam, tương đương 5-6 tỷ USD (GDP Việt Nam hiện là 120 tỷ USD). Thứ tư, tình hình khó khăn trong bối cảnh hiện nay đã khác so với năm 2009 (*).
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, nói như vậy không có nghĩa là không có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và dự kiến sẽ có nhiều giải pháp, hy vọng có thể công bố trong cuộc họp Chính phủ vào tháng 5 này.
Đồng thời, TS Võ Trí Thành đã đưa ra 4 giải pháp cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp, mà trước hết phải là hỗ trợ trực tiếp thông qua việc giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng “giảm giá” và tạo những điều kiện về mặt pháp lý để cả hai phía doanh nghiệp cũng như ngân hàng có thể gặp nhau. 
Như vậy, rõ ràng, hạ lãi suất không phải là đã ra “đáp số” của vấn đề mà mới chỉ là phép tính đầu tiên, chính sách chỉ thực sự có kết quả khi doanh nghiệp tiếp xúc được với nguồn tín dụng đã giảm giá, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, ông nhấn mạnh đến các biện pháp như khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, bảo lãnh tín dụng. Hiện tại, bảo lãnh tín dụng, khoanh nợ đang được thực hiện mạnh mẽ.
Phương án thứ hai theo ông mà các nhà chính sách có thể làm là hỗ trợ trực tiếp thông qua giảm chi phí cho doanh nghiệp, mà đơn cử là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Phương án này hiện đang có hai lựa chọn, một là giảm từ 25% xuống 20% hoặc một lựa chọn khác đang được cơ quan quản lý tài chính ủng hộ hơn là giảm từ 25% xuống 23%.
Phương án thứ ba là mở van tín dụng cho vay tiêu dùng, giảm thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ các chương trình nông nghiệp nông thôn tương tự như năm 2009 với số tiền có thể không lớn, vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng.
Và cuối cùng, theo ông Thành là một giải pháp rất quan trọng: xúc tiến thương mại. Theo đó, nhiều thị trường nước ngoài đang phục hồi, có nhu cầu với hàng của Việt Nam như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… bên cạnh các thị trường truyền thống EU và Hoa Kỳ. Do đó, nếu mở rộng mạng lưới thị trường rộng lớn này thì cũng đồng nghĩa với tăng được tổng cầu lên.
Ngoài ra, ông còn kể đến một sự hỗ trợ “vô hình” khác là sự động viên tinh thần của Chính phủ với doanh nghiệp. Hơn lúc nào khác, Chính phủ mong muốn lòng tin quay trở lại khi mà vài năm về trước, vào thời điểm dễ làm ăn, vòng quay đồng tiền Việt Nam là 2,5 lần thì hiện nay chỉ khoảng 0,8 lần. “Giờ chỉ cần tin rằng vòng quay này lên khoảng 1,3-1,4 lần thì tình hình đã khác, chưa kể đến các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp kể trên” – ông Thành khẳng định.
Phá giá tiền đồng chỉ làm lợi cho nhà xuất khẩu, không khuyến khích hoạt động xuất khẩu
Có mặt tại buổi hội thảo với tư cách diễn giả, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, thành viên Ban Cố vấn cho Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Đình Tuyển cũng đưa ra quan điểm của mình về việc điều hành tỉ giá trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay.
Ông nói, từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố biên độ điều chỉnh tỷ giá cả năm 2012 sẽ vào khoảng 3%, đây là mức hoàn toàn có thể đạt được nhưng có nên làm hay không lại là câu chuyện phải bàn.
Ông Tuyển khẳng định, không nhất thiết phải giữ biên độ tỷ giá ở 3%. “Tôi phản đối quan điểm phá giá đồng Việt Nam để khuyến khích xuất khẩu”, ông nói.
Theo lý giải của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại thì độ nhạy tỷ giá trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam là rất thấp. Việc điều chỉnh tỷ giá làm lợi cho nhà xuất khẩu nhưng không khuyến khích xuất khẩu. Điều này phụ thuộc vào cơ cấu xuất khẩu, và nếu điều chỉnh nhiều thì sẽ khiến lạm phát tăng.
Ủng hộ ý kiến của TS Võ Trí Thành, cho rằng năm nay sẽ không có gói kích cầu tựa như năm 2009, ông Tuyển cũng khuyến nghị cần phải thay vào đó bằng những biện pháp hỗ trợ thị trường để đảm bảo được tăng trưởng 5,5-6%. 
Tuy nhiên, theo như đánh giá của ông, trong lúc cần phải có những biện pháp nhanh hơn vì thực sự doanh nghiệp đã đuối sức thì bộ giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra có vẻ đi chậm hơn thực tế.

Theo Dân trí