Marketing Thương hiệu “vang bóng một thời” Bông Bạch Tuyết hồi sinh: 3...

Thương hiệu “vang bóng một thời” Bông Bạch Tuyết hồi sinh: 3 năm liền có lãi, sắp trở lại sàn chứng khoán

44
Trong năm 2017, Bông Bạch Tuyết sẽ tăng vốn từ 68,4 tỷ đồng lên 98 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Bông Bạch Tuyết tăng vốn kể từ năm 2002.


Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Trung tâm lưu ký chứng khoán, Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết, một thương hiệu “vang bóng một thời” sắp quay lại với thị trường chứng khoán sau 8 năm kể từ ngày hủy niêm yết do làm ăn thua lỗ.

Hoạt động kinh doanh của Bông Bạch Tuyết đang dần được cải thiện những năm gần đây. Sau giai đoạn thua lỗ triền miên, từ năm 2014 vừa qua, Bông Bạch Tuyết đã bắt đầu có lãi trở lại. Sang năm 2015 và 2016, con số lợi nhuận tiếp tục tăng lên.

Theo nghị quyết đại hội cổ đông, năm 2017 Bông Bạch Tuyết đặt mục tiêu doanh thu 101 tỷ đồng và lợi nhuận là 24,3 tỷ đồng, tăng trưởng 19% và 65% so với 2016.

Hành trình từ đỉnh cao xuống vực sâu

Bông Bạch Tuyết tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết thành lập năm 1960, là nhà máy của tư nhân chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ.

Đến năm 1975, Nhà máy được Quốc hữu hoá và năm 1979 đổi tên thành Xí nghiệp Quốc doanh Bông Bạch Tuyết, sau đó năm 1992 đổi tên thành Công ty Bông Bạch Tuyết. Đây là giai đoạn Bông Bạch Tuyết nhập khẩu dây chuyền sản xuất hiện đại, cải tiến công nghệ, tung sản phẩm mới chiếm lĩnh thị trường cả nước.

5 năm sau, Bông Bạch Tuyết chuyển đổi mô hình thành Công ty cổ phần với vốn điều lệ 11,4 tỷ đồng trong đó Nhà nước nắm giữ 30% vốn. Mô hình hoạt động mới đưa sản phẩm bông y tế của Bông Bạch Tuyết chiếm 90% thị phần cả nước còn sản phẩm băng vệ sinh chiếm 30%. Bông Bạch Tuyết tăng vốn lên 68,4 tỷ đồng vào năm 2002 bằng nguồn vốn tự tích luỹ.

Thành công này đưa cổ phiếu của Bông Bạch Tuyết lên sàn chứng khoán tháng 3/2004 nhưng cũng từ đây hoạt động kinh doanh của Bông Bạch Tuyết đi xuống. Trong 4 năm từ 2005-2008, nội bộ công ty thường xuyên xảy ra xung đột, quản lý gặp nhiều mâu thuẫn, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả.

Ông Tạ Xuân Thọ, Nguyên Tổng giám đốc Bông Bạch Tuyết từng thừa nhận, chính việc nhập thêm máy móc đã khiến năng lực sản xuất tăng vọt, trong khi năng lực bán hàng không kịp đáp ứng. Kết quả là, năm 2006, Bông Bạch Tuyết lỗ 8,5 tỷ đồng và năm 2007 lỗ tiếp 6,8 tỷ đồng. Các công ty kiểm toán đã chỉ ra nhiều yếu tố loại trừ mang tính trọng yếu của Bông Bạch Tuyết.

Liên tục thua lỗ, Bông Bạch Tuyết đã buộc phải ngừng sản xuất từ tháng 7/2008 còn cổ phiếu huỷ niêm yết từ tháng 8/2009.

1 tháng sau khi bị huỷ niêm yết, Bông Bạch Tuyết hoạt động trở lại. Công ty quyết tâm khắc phục sai lầm và đề ra hướng tập trung vào sản phẩm chủ lực là bông, gạc y tế. Thế nhưng, các khoản nợ ngân hàng khiến Bông Bạch Tuyết chưa thể thoát khỏi hoàn cảnh thua lỗ. Bông Bạch Tuyết liên tục lỗ các năm 2010 đến 2013.

Theo Bông Bạch Tuyết, tuy 3 năm gần đây công ty có lãi nhưng hoạt động của công ty vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các khoản nợ cũ và khoản lỗ luỹ kế từ các năm trước

Tăng vốn lần đầu tiên sau 15 năm

Các sản phẩm chủ yếu của Bông Bạch Tuyết hiện nay là bông, gạc y tế, bông tẩy trang, bông viên, tăm bông, khăn gạc, khẩu trang y tế… Trong đó bông y tế chiếm tỷ trọng hơn 65% doanh thu. Hiện nay, sản phẩm băng gạc y tế công ty sản xuất hơn 200 loại sản phẩm để phục vụ thị trường và khách hàng trên cả nước. Các sản phẩm bông, băng phục vụ ngành y tế thì rất đa dạng nên vẫn còn nhiều hướng để phát triển sản phẩm.

Bông Bạch Tuyết khẳng định sẽ tiếp tục tìm hướng phát triển và trong năm 2017 tới đây sẽ tăng vốn điều lệ từ 68,4 tỷ đồng lên 98 tỷ đồng. Đây là lần tăng vốn đầu tiên của Bông Bạch Tuyết trong 15 năm qua.

Theo trí thức trẻ