Chiến lược Những doanh nghiệp lãi cả nghìn tỷ chỉ sau 6 tháng

Những doanh nghiệp lãi cả nghìn tỷ chỉ sau 6 tháng

10
Đẳng cấp “ông lớn” tiếp tục được khẳng định, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng tiếp tục thể hiện ưu thế vượt trội so với các ngành nghề khác.


Ảnh minh họa

Các doanh nghiệp niêm yết trên sàn đã hoàn thành việc công bố BCTC 6 tháng đầu năm 2017, một bức tranh chung được nhìn nhận là tương đối khả quan khi có khoảng 50% doanh nghiệp đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng, gần 40% doanh nghiệp ghi nhận giảm lãi và có ít hơn 10% đơn vị ngậm ngùi với tình trạng lỗ. Theo đó danh sách những doanh nghiệp lãi tới hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong vòng nửa đầu năm 2017 trở lên hết sức nổi bật và đáng quan tâm.

Đẳng cấp “ông lớn”

Vinamilk tiếp tục thể hiện đẳng cấp tuyệt đối của mình khi kết thúc 6 tháng đầu năm 2017 báo lãi 5.857 tỷ đồng, thị trường trong nước tiếp tục là đầu tàu giúp VNM tăng trưởng. Theo thông tin từ Công ty Nielsen, sản phẩm sữa tươi Vinamilk 100% của công ty tiếp tục là sản phẩm đứng đầu về cả sản lượng lẫn doanh số bán ra trong phân khúc sữa tươi từ năm 2015 tới nay.

Mới đây, Tạp chí Forbes Việt Nam đã công bố danh sách “40 thương hiệu công ty có giá trị nhất Việt Nam”, thương hiệu Vinamilk đứng vị trí số 1, với trị giá hơn 1,7 tỷ USD. Với kết quả tăng trưởng 2 con số và gia tăng thị phần, Vinamilk tiếp tục khẳng định vị trí số 1 của mình trong ngành sữa.

Nhờ nỗ lực tăng trưởng trong cả 2 quý kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2017, Vietcombank (VCB) đã vươn lên dẫn đầu lợi nhuận ngành ngân hàng, ngân hàng này lãi 4.222,3 tỷ đồng nhờ cả 2 quý kinh doanh tăng trưởng trên 20%. Bên cạnh đó, Vietcombank hiện còn là ngân hàng trả lương “hậu hĩnh” nhất cho cán bộ, trong 6 tháng ngân hàng này đã dành 2.409 tỷ đồng cho quỹ lương và phụ cấp cho nhân viên (tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm ngoái) theo đó bình quân, mỗi cán bộ Vietcombank lĩnh khoảng 26,1 triệu đồng một tháng, tăng 4 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông lớn ngành thép Hòa Phát (HPG) 6 tháng đầu năm 2017 lãi ròng 3.470 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ 2016. Thép xây dựng và ống thép tiếp tục là các sản phẩm đóng góp chính vào kết quả ấn tượng của Hòa Phát 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên lãi ròng quý 2/2017 của Hòa Phát đã sụt giảm với con số không hề nhỏ 24% so với cùng kỳ và 21% quý 1/2017 bất chấp doanh thu tăng 4%.

Tập đoàn Vingroup (VIC) đạt 3.135 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 2.054 tỷ đồng – tăng trưởng 33%. Trong quý 2/2017, các lĩnh vực hoạt động của Vingroup tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ, hệ thống khách sạn Vinpearl và vui chơi giải trí Vinpearl Land đã đưa vào vận hành thêm 7 khách sạn, 1 sân golf và 2 khu giải trí trên toàn quốc, nâng tổng công suất khách sạn lên gần 11.000 phòng, 3 sân golf và 5 khu vui chơi giải trí trải dài từ Bắc vào Nam, đồng thời đưa thương hiệu Vinpearl hiện diện tại 5 địa danh du lịch hoàn toàn mới là Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hội An (Quảng Nam) và Cam Ranh (Khánh Hòa).

Sabeco (SAB) trong kỳ mặc dù đã rất mạnh tay chi tới 790 tỷ đồng cho việc quảng cáo, tiếp thị, hỗ trợ sản phẩm cao hơn 73% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận của Sabeco chỉ tăng nhẹ, đạt 2.425 tỷ đồng 6 tháng trong đó riêng quý 2 chỉ đạt 1.237 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế – giảm 12% so với quý 2/2016.

Petrolimex (PLX) mặc dù doanh thu vẫn tăng trưởng 23%, nhưng chi phí đều tăng cao nên chỉ đạt 1.776 tỷ đồng lợi nhuận ròng – giảm 12% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực tài chính – ngân hàng giữ ưu thế vượt trội

Góp mặt trong danh sách lãi nghìn tỷ nửa đầu năm có tới 6/15 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng trong đó ngành ngân hàng có những cái tên nổi bật như Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG), BIDV (BID), Vpbank (VPB), MBBank (MBB), 5 ông lớn này tiếp tục thu về hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận chỉ trong nửa đầu năm 2017, đáng chú ý là trường hợp của VPBank với lãi ròng tới hơn 2.600 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016, ngân hàng này còn dẫn đầu về hiệu quả kinh doanh với tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ bình quân tới 26,1%.

MBBank trong 6 tháng đầu năm nhìn chung cũng có KQKD tốt hơn, thu nhập từ lãi và các hoạt động khác đều cho kết quả kinh doanh lạc quan hơn so với cùng kỳ, ngân hàng này lãi ròng 1.997,6 tỷ đồng đạt mức tăng trưởng 32% so với cùng kỳ.

Có một thực tế không thể phủ nhận là các ngân hàng tư nhân đang ngày càng làm ăn khấm khá. Nếu các ngân hàng top trên không nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng hoạt động, cải thiện hiệu quả kinh doanh thì sẽ sớm bị các ngân hàng phía sau vượt mặt trong tương lai không xa. Điển hình với việc VPBank có vốn điều lệ chỉ bằng 24% vốn điều lệ BIDV, tổng tài sản chỉ bằng 29% của BIDV nhưng lợi nhuận chỉ kém BIDV khoảng 200 tỷ. Và với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng mặt của VPBank thì có thể chỉ tới cuối năm nay nhà băng này sẽ vượt qua BIDV và năm sau có thể lên sánh ngang với Vietcombank và VietinBank khi kế hoạch lãi 8.500 tỷ đã được đặt ra.

Trong nhóm tài chính đáng chú ý có sự góp mặt của Tập đoàn Bảo Việt (BVH), nhờ bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ tăng doanh thu lần lượt 31,4% và 22,43% cùng kỳ với tổng cộng 15 công ty thành viên mở mới nửa đầu năm. “Trái ngọt” đầu tư chứng khoán cũng giúp doanh thu tài chính của Tập đoàn này tăng mạnh, đẩy lợi nhuận quý 2 tăng vọt đạt 697 tỷ đồng cao gấp 1,8 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, BVH lãi ròng 1077,6 tỷ đồng tăng 41% so với cùng kỳ.

Bất ngờ CII, HNG

Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII) với doanh thu tăng tới 204% so với cùng kỳ CII báo lãi ròng lên đến 348 tỷ, tăng 150% so với cùng kỳ nâng con số lũy kế 6 tháng đầu năm 2017 lên 1.578 tỷ đồng cao gấp nhiều lần so với con số 164,8 tỷ đồng cùng kỳ và vượt 10% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2017. Kết quả ấn tượng này của CII chủ yếu do đóng góp của quý 1, quý I CII ghi nhận lãi sau thuế của công ty mẹ 1.227 tỷ đồng, tăng gấp gần 47 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là nhờ đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào công ty con trong đó chủ yếu là khoản lãi đánh giá lại giá trị hợp lý của công ty con Công ty CII B&R và CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Vinaphil (VPII).

Trường hợp của HAGL Agrico (HNG) cũng đã lọt vào danh sách này, con số lãi trước thuế 1.044 tỷ đồng trong quý 2 và lũy kế 6 tháng đạt 1.054 tỷ đồng của HNG đã gây xôn xao giới đầu tư. Mức lợi nhuận này – chủ yếu đến từ thanh lý khoản đầu tư với 978 tỷ đồng – cao hơn rất nhiều so với con số ước tính lãi 215 tỷ đồng mà ban lãnh đạo công ty đưa ra tại ĐHCĐ cổ đông thường niên tổ chức vào ngày 30/6/2017. Tuy nhiên, đồng thời với khoản lãi bất thường này thì HAGL Agrico cũng phải hồi tố một khoản lỗ lớn vào kết quả kinh doanh năm 2016.

Nửa cuối năm vẫn còn phải cố gắng

Mặc dù lãi cao trong nửa đầu năm tuy nhiên mục tiêu của các ông lớn này trong năm 2017 cũng rất lớn, theo đó trong nhóm này hiện mới chỉ có CII, BVH và HNG đã hoàn thành vượt mục tiêu kinh doanh cả năm của mình còn lại tỷ lệ chủ yếu ở mức trên 50%.

Trong đó, riêng khối ngân hàng nửa cuối năm 2017 dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng có thể sẽ kém sáng. Nguyên nhân thứ nhất là tỷ lệ lãi biên (NIM) của các ngân hàng tiếp tục sụt giảm mạnh cùng với quyết định hạ trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước mới đây. Bên cạnh đó, đi kèm với việc tín dụng tăng trưởng nhanh trong những tháng đầu năm, theo các chuyên gia, nợ xấu tại nhiều ngân hàng có xu hướng tăng lên.

Theo Infonet/HSX&HNX