Chiến lược 2012 – Năm khó khăn với doanh nghiệp

2012 – Năm khó khăn với doanh nghiệp

18
Người dân chi tiêu chặt chẽ hơn, ngay cả với các loại hàng tiêu dùng thiết yếu, cùng những khó khăn của kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất công nghiệp ngay từ đầu năm.

Bộ Công Thương vừa dự báo năm 2012 sẽ là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với tất cả các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngay từ đầu năm, sản xuất công nghiệp trong nước đã chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 1/2012 giảm 12,9% so với tháng 12/2011, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2011. Đáng nói là mặc dù đúng vào dịp Tết nhưng sức mua giảm khiến lượng tồn kho tăng cao, người dân chi tiêu chặt chẽ hơn, ngay cả với các loại hàng tiêu dùng thiết yếu. Các mặt hàng sản xuất công nghiệp khác cũng trong tình trạng thấp thỏm lo tiêu thụ.
Điển hình như mặt hàng ô tô, xe máy, dù là tháng tiêu thụ nóng để đón Tết nhưng thị trường lại vô cùng ảm đạm. Tình trạng này có nguyên nhân từ việc tăng phí trước bạ và phí cấp biển số xe tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh từ 1/1/2012 làm giảm mạnh nhu cầu người dân.
Theo đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, lượng tiêu thụ ô tô tháng 1/2012 chỉ gần bằng 50% so với tháng 12/2011 cho thấy thị trường thực sự khó khăn.
Tương tự, thị trường điện tử, điện máy cũng trầm lắng và kém sôi động. Không khí tưng bừng khuyến mãi của các siêu thị điện máy không làm cho lượng khách mua sắm tăng lên. Như sản xuất tủ lạnh, tủ đá giảm 34,8%; điều hòa nhiệt độ giảm tới 76,8% so với cùng kỳ.
Đối với ngành dệt may, hiện chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp lớn có đơn hàng đến quý 3,4/2012, trong khi cùng kỳ năm trước thì hầu hết doanh nghiệp đã kín đến những quý cuối năm.
Đây là hậu quả từ việc xuất khẩu chịu tác động mạnh từ các chính sách tài chính của Châu Âu và từ tiết kiệm tiêu dùng tại Nhật Bản cũng như nguyên liệu đầu vào tăng.
Ngành giấy thì khó khăn hơn khi tình trạng cạnh tranh gay gắt với nguyên liệu và sản phẩm giấy nhập khẩu làm phần lớn doanh nghiệp mất thế chủ động. Vì vậy, dù đã vào đầu học kỳ II nhưng sản lượng sản xuất giấy in, giấy viết các loại trong tháng 1 tiếp tục giảm khoảng hơn 14% so với cùng kỳ…
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước tháng 1 đạt 6,5 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước giảm 33%, khu vực FDI tăng gần 8%. Việc xuất khẩu tăng trong nhóm FDI tập trung chủ yếu vào nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện, gấp 2 lần so với cùng kỳ…
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải đã chỉ đạo cần triển khai cấp bách các biện pháp ngay trong tháng 2. Trong đó, khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu của thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần theo dõi sát biến động thị trường thế giới để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu, thực hiện các chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, góp phần kiềm chế nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Dân trí