Chiến lược Bí quyết cần để “châu chấu đấu được voi”: Mạnh gấp 10...

Bí quyết cần để “châu chấu đấu được voi”: Mạnh gấp 10 lần địch thì bao vây, mạnh gấp 5 lần địch thì tấn công, yếu hơn địch thì tránh

21
Chúng ta hãy cùng nhìn một số bí quyết để các doanh nghiệp nhỏ có thể “đấu” được với các doanh nghiệp mạnh về tiềm lực tài chính, công nghệ cũng như con người.


Ảnh minh họa

Gần đây, khi thương hiệu Mì ăn liền gắn liền với thế hệ 7x, 8x lên sàn chứng khoán đã khiến nhiều nhà đầu tư chú ý hơn đối với doanh nghiệp này. Nhiều người cho rằng, Miliket đã từng đi đầu trong ngành và chiếm vị trí độc tôn nhưng cuối cùng lại không giữ được vị thế của mình. Có người nói, Miliket quá bảo thủ, không chịu đổi mới cho phù hợp với thời đại. Có người cảm thông hơn thì bảo rằng Miliket đã làm hết sức mình khi nhận ra đối thủ mạnh dần lên…

Mỗi người một ý và ai cũng có phần đúng. Tạm bỏ qua vấn đề vì đâu Miliket mất đi vị thế của mình, chúng ta hãy cùng nhìn một số bí quyết để các doanh nghiệp nhỏ có thể “đấu” được với các doanh nghiệp mạnh về tiềm lực tài chính, công nghệ cũng như con người.

Bí quyết số 1: Tránh voi chẳng hổ mặt nào!

Đối đầu trực diện với kẻ mạnh hơn, bạn có nghĩ rằng hậu quả sẽ như thế nào? Tránh đi chắc chẳng ai bảo bạn kém thông minh.

Miliket cũng vậy. Thị trường mì tôm trở nên hấp dẫn và đối thủ nhìn thấy được, đối thủ gia nhập sân chơi sau khi Miliket đang ở thế độc tôn trên thị trường. Nhưng, một tay bạn không thể che hết bầu trời và một doanh nghiệp dù giỏi đến mấy cũng không thể ôm trọn thị trường vốn rất lớn và còn có thể lớn hơn nữa.

Miliket không thể như Thánh Gióng, lớn thật nhanh khi nhu cầu thị trường nở ra. Trong khi đó, đối thủ nhìn thấy tiềm năng của thị trường và để thâm nhập được thị trường, họ dùng vốn lớn. Tiềm lực tài chính cũng những kinh nghiệm “đi mua” từ tây đến ta một cách dễ dàng trong thời đại mới, những doanh nghiệp này bước vào thị trường đã lớn như một con voi.

Những con voi lớn mặc sức tung hoành ngang dọc với sức vóc đáng nể của mình. Họ dội bom quảng cáo để mong những người chưa biết đến mì tôm thì biết đến họ. Những người biết rồi thì cũng thử lựa chọn họ xem sao….Miliket lúc này như đứa trẻ nhỏ. Ra mặt cạnh tranh với con voi có lẽ là điều không nên làm hoặc nếu làm thì khả năng bị nhận kết cục đau thương là rất lớn.

Thay vì dội bom quảng cáo ồn ã như đối thủ, Miliket chẳng chi nhiều.

Thay vì đẩy hàng hết vào siêu thị này đến siêu thị nọ để mong độ phủ lớn thật nhanh, Miliket chỉ dùng một số kênh phân phối đặc biệt là kênh truyền thống.

Thay vì cố gắng đa dạng hóa thật nhiều sản phẩm để vợt hết các phân khúc người tiêu dùng khác nhau, Miliket cứ đi rất chậm. Đến giờ, sau gần chục năm thị trường mì gói sôi động thì giá cả các phân khúc mì của Miliket vẫn tiền nghìn…

Nhìn vào Miliket suốt chục năm qua, người ta chỉ nhìn thấy những bước tiến chậm chạp. Vừa đi, vừa né có phần rất đáng thương. Các nhãn hàng mì lớn cũng bỏ quên Miliket trong danh sách đối thủ nặng ký của mình, họ dội bom quảng cáo để cạnh tranh nhau.

Miliket tồn tại ngay giữa tâm bão cạnh tranh của các hãng lớn.

Bí quyết 2: Nhất định phải sống. Sống được thì mới tăng trưởng được

Những năm 2007-2008, thị trường chứng khoán bùng nổ và hàng loạt công ty chứng khoán ra đời. Rồi, những “đế chế” tài chính lớn hình thành. Ồ ạt tăng vốn, ồ ạt tìm kiếm khách hàng, ồ ạt đầu tư…

Thế rồi, thị trường chứng khoán lao đốc. Hơn 130 công ty chứng khoán đã chỉ còn phân nửa. Hơn một nửa số công ty chứng khoán đã thua lỗ nặng nề cùng sự lao dốc của thị trường, cùng việc cho vay ồ ạt để rồi nhà đầu tư cháy tài khoản không trả nổi nợ nần…

Nhiều công ty trước kia khoe tiềm lực nhân sự hàng trăm, nghìn người đối mặt với làn sóng đóng cửa chi nhánh, sa thải bớt nhân sự, cắt giảm chi phí…

Tưởng rằng “Too big too fail” nhưng cuối cùng, những công ty mở rộng nhanh nhất, cho vay nhiều nhất, đầu tư ồ ạt nhất…lại là những công ty “ra đi” khỏi thị trường sớm nhất.

Chỉ còn một nửa là tồn tại. Nếu nhìn qua danh sách những công ty tồn tại, chúng ta sẽ thấy không ít công ty chứng khoán nhiều năm liền vẫn giữ quy mô vốn nhỏ, phân bổ đầu tư vừa phải, cho vay vừa phải, kiểm soát được chi phí thấp…tồn tại.

Nửa số công ty chứng khoán khác sụp đổ đã để lại hàng trăm nghìn cách hàng bơ vơ. Và, các công ty chứng khoán tồn tại đã có cơ hội lấy được những khách hàng này.

Bí quyết 3: Đừng đứng yên một chỗ, cùng lắm là dẫm chân một chỗ

Khi bạn yếu, nếu đứng một chỗ, đối thủ sẽ dễ dàng nhìn thấy bạn và loại bỏ bạn ra khỏi cuộc chơi khi cần. Một doanh nghiệp khi không có nguy cơ rõ ràng đối với các doanh nghiệp khác hoặc nguy cơ đó không lớn bằng các nguy cơ khác thì doanh nghiệp lớn sẽ loại dần từ nguy cơ lớn đến nguy cơ nhỏ hơn.

Kẻ số 1 luôn có xu hướng nhìn vào kẻ đang ở vị trí số 2 xem họ tiến quân theo cách nào để loại bỏ dần nguy cơ số 2 vươn lên chiếm vị trí của mình. Còn kẻ số 2 sẽ nhìn lên số 1 để vươn lên và thi thoảng nhìn xuống số 3 để tạo khoảng cách. Còn số 3, quãng đường trước mặt họ quá dài và họ bận rộn để tiến lên hơn là ngồi nhìn xem số 4, số 5, 6 đang ở đâu.

Và, lúc này, nếu ở vị thế yếu, bạn sẽ được đối thủ tạm để yên. Kẻ mạnh thi thoảng mới liếc mắt nhìn xuống bạn. Bạn càng ẩn mình hoặc dịch chuyển ra khỏi vị trí của mình, kẻ mạnh càng ít nhìn thấy bạn hơn. Hãy thay đổi bản thân mình dù thị phần của bạn không lớn, vị thế của bạn không tăng lên, doanh thu, lợi nhuận có thể giảm. Nhưng, sự thay đổi dần bản thân sẽ giúp bạn rất nhiều khi cuộc chiến dài hơi với chi phí cao khiến các đối thủ ở vị trí số 2,3,4,5 rơi rụng dần. Họ sụp đổ, sự thay đổi của bạn sẽ giúp bạn lấy dần những mảng thị phần mà đối thủ bỏ rơi.

Theo trí thức trẻ