Chiến lược Học triết lý kinh doanh của doanh nhân tài ba Inamori Kazuo

Học triết lý kinh doanh của doanh nhân tài ba Inamori Kazuo

53
“Vị thần doanh nhân” Inamori Kazuo cho rằng, để thành một doanh nhân tuyệt vời, mục tiêu là vô cùng quan trọng, dù đó là vì nhân viên, vì gia đình của nhân viên, vì các cổ đông, vì khách hàng, vì nhà cung ứng hay vì xã hội, vì đất nước. Nếu một doanh nhân để cái tôi ích kỷ tham lam chi phối, thua cuộc trong trận chiến tâm lý của chính mình, họ sẽ thất bại.


Ảnh minh họa

Sau đây là phần tóm tắt những bài học, triết lý kinh doanh đầy tính thực tiễn của doanh nhân Inamori Kazuo – người sáng lập Tập đoàn đa ngành Kyocera, nhà cố vấn có quyền hạn cao nhất của Hãng cung cấp dịch vụ mạng viễn thông KDDI và cũng là người “tái sinh” Hãng hàng không Nhật Bản (Japan Airlines) – từ cuốn Triết lý kinh doanh của Inamori Kazuo .

Ông là một trong những doanh nhân “huyền thoại” của Nhật Bản , cũng là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế và Cách sống .

Chương I: Câu chuyện mang tên Inamori Kazuo

Từ khi còn trẻ, tôi đã có tư duy mang tính triết học về con người, về giới kinh doanh. Ngoài sách chuyên ngành, những cuốn sách gối đầu giường của tôi chủ yếu là về Phật giáo và Triết học. Tôi thường xếp chúng ở trên giường và mở ra nghiền ngẫm trước khi đi ngủ. Rồi cuộc đời sẽ đi về đâu? Sinh vật gọi là loài người phải có cách sống như thế nào? Tôi luôn trăn trở về những vấn đề mang tính triết học như vậy ngay từ nhỏ.

Nếu sinh ra muộn hơn 20 năm thì có lẽ tuổi trẻ của tôi sẽ được sống trong một xã hội ổn định hơn, nền kinh tế cũng có những bước phát triển vững chắc nhất định. Thế nhưng, trong suốt quá trình trưởng thành, tôi đã tự tìm kiếm cho mình những chân lý mang tính triết học, tự xây dựng nên nhân sinh quan, giá trị quan, và tôi muốn nhân viên của mình làm việc với những tư tưởng mang tính triết học đó. Cũng có lúc tôi than vãn: “Sao mình phải tự làm khổ mình thế này?”, nhưng đến nay, khi ngẫm lại, tôi muốn cảm ơn cuộc đời đã mang lại cho mình những nghịch cảnh tuyệt vời đến vậy.

Nếu gặp phải khó khăn, đừng chạy trốn, hãy đón nhận bằng cách đối mặt trực diện với nó, và đó chính là hạt giống giúp bạn trưởng thành. Tùy theo cách bạn tiếp nhận khó khăn, kết quả bạn nhận được có thể là tích cực hay tiêu cực. Nếu những doanh nhân bị ảnh hưởng bởi những thông tin bên ngoài rằng nền kinh tế đang có chuyển biến xấu và nghĩ “môi trường kinh tế không tốt”, thì chính họ là nguyên nhân khiến việc kinh doanh của công ty trì trệ.

Điều hành một công ty giống như lái chiếc xe đạp gắn cánh quạt và có thể bay lượn trên bầu trời. Nếu không thể lái tốt, xe có thể vì trọng lực mà rơi xuống giữa chừng. Môi trường xấu giống như bàn tay vô hình đẩy chiếc xe đạp đang bay rơi xuống đất. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là những chiếc xe đạp vẫn còn mờ mịt về con đường sẽ đi, chỉ bay là là trên mặt đất một chút; bay cao hơn là doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn. Nếu những doanh nghiệp nhỏ và vừa nghĩ rằng “Ở chỗ này thôi cũng được rồi”, họ sẽ giậm chân tại đó.

Nếu muốn kế hoạch mới của mình mang lại thành quả nhất định, hãy cố gắng hết sức có thể, đừng để bóng ma nản chí vây quanh, cản đường bạn tiến về phía trước. Nếu không làm được như vậy, bất kỳ việc gì, dù có thể thực hiện được chăng nữa, cũng đều là không tưởng. Khi tiếp quản Japan Airlines (JAL), tôi cũng nhắc lại điều này. Tôi muốn nhân viên của mình, cũng như chính bản thân tôi, hiểu rằng nếu muốn tái sinh Hãng thì phải quyết tâm làm, phải làm bất cứ điều gì.

Không phải người đứng đầu hay doanh nhân nào của doanh nghiệp lớn cũng có ý chí đó. Họ đổ lỗi vì nền kinh tế suy thoái, vì công ty của họ không có một kỹ thuật nào đó. Quả thực, quãng thời gian mờ mịt của Nhật Bản xuất phát từ những người lãnh đạo dẫn dắt công ty, nhân viên mình bước đi trên thương trường nhưng lại thiếu ý chí mạnh mẽ.

Mục đích ban đầu khiến tôi thành lập Công ty Ceramic Kyoto là muốn công bố kỹ thuật của Inamori Kazuo cho thế giới. Tuy nhiên vài năm sau, khi đã có vài chục nhân viên, họ đã bộc bạch nỗi bất mãn: “Công ty thì mới thành lập, đến phòng ăn cũng không có, liệu công ty như thế thì có tương lai tốt đẹp không?”. Khi đó, tôi bừng tỉnh ngộ. “Giới thiệu kỹ thuật của Inamori cho toàn thế giới” không phải là mục đích, nó là thứ có được sau khi nhân viên của tôi cảm thấy hạnh phúc. Với suy nghĩ như vậy, dù công ty đã kinh doanh được tới năm thứ ba, tôi vẫn quyết định thay đổi phương châm kinh doanh thành “Vì một tương lai hạnh phúc cả về vật chất lẫn tinh thần cho toàn thể nhân viên”.

Ngay cả khi quyết định vực dậy hãng Hàng không Nhật Bản, tôi cũng đã theo đuổi phương châm này.

Nói một cách thẳng thắn nhất, doanh nhân là người mang sứ mệnh bảo vệ, gầy dựng công ty lớn mạnh để mang lại hạnh phúc cho nhân viên mình. Có lẽ, không có cách nói nào đúng đắn hơn thế.

Tôi cho rằng, lý tưởng nhất, đúng đắn nhất là khi có thể dựa trên công lý để vận hành công ty. Tuy nhiên, đáng tiếc là nhiều doanh nhân khi thành lập công ty lại bắt đầu bằng tham vọng và để tham vọng chi phối. Nhưng dù động cơ là gì đi nữa, điểm chung vẫn là phải trả giá bằng cách cố gắng hết sức, hy sinh bản thân. Tôi thường khích lệ học trò: “Khi em nghĩ rằng mình không thể cố gắng hơn nữa, đó mới là lúc công việc bắt đầu”. Bản thân tôi – người từ mình đứng ra thành lập công ty vào những năm 30 tuổi, 40 tuổi, đã không ít lần than vãn. Nhưng khi bước sang tuổi 50, tôi đã không còn than vãn nữa.

Khi đó, Kyocera đã có những bước tiến nhất định trên thị trường, tôi đã lập Quỹ Inamori và mở các khóa học Morikazu. Tôi đã kiêm nhiệm 3 vị trí: Tổng giám đốc Kyocera, Chủ tịch Quỹ Inamori và tham gia giảng dạy các khóa học. Đối với tôi, cả ba công việc đều là nhiệm vụ phải thực hiện vì xã hội, vì con người chứ không phải vì tham vọng. Công lý đã thúc đẩy tôi, khi ấy ở tuổi 50 với bừng bừng nhiệt huyết.

Chuẩn bị bước vào tuổi 80, tôi được thỉnh cầu hãy tái sinh JAL. Ở tuổi đó, tôi không thể dành nhiều thời gian cho công việc như trước. Thậm chí tôi còn không thể đi làm toàn thời gian được mà chỉ làm việc 3 ngày/tuần. Và thế là tôi nhận việc theo kiểu tuyển dụng tạm thời, không cần trả lương và nhận chức Chủ tịch JAL. Tôi cảm nhận đây chính là việc làm giúp ích cho đất nước và người dân Nhật Bản nên sẽ quyết tâm cố gắng hết mình.

Tại Nhật, sau khi trở thành doanh nhân của doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nhân hoàn toàn không có cơ hội được học về kinh doanh mà buộc phải đến những trường đào tạo cấp quản lý. Khắp Nhật Bản lúc đó hầu như không có trường đào tạo cấp quản lý về bản chất của kinh doanh, do đó tôi đã thành lập lớp học Morikazu với 8.000 người đang theo học.

Chương II: Tâm tư học trò của doanh nhân tài ba Inamori Kazuo

Takashi Sakamoto (72 tuổi) – Giám đốc Công ty CP Của Tôi, người kinh doanh chuỗi cửa hàng nổi tiếng Pháp Của Tôi, Italia Của Tôi…: “Tôi nghĩ mình chỉ học được một phần lời dạy của anh Inamori. Trong buổi trao đổi học thuật ở lớp Morikazu, học viên có một khoảng thời gian có thể đặt câu hỏi trực tiếp với thầy Inamori. “Hiện nay em đang tiếp quản công việc kinh doanh của cha, nhưng em đang gặp rắc rối vì xảy ra xung đột với em trai. Em nên làm như thế nào?”. Có rất nhiều câu hỏi về rắc rối của mọi người như vậy. Khi đó, tôi luôn thử tự tưởng tượng câu trả lời của thầy Inamori trong đầu nhưng hầu hết đều không chính xác. 10 câu chỉ có một câu đúng. Bởi vậy, mỗi lần tôi đều tự nhủ: “Thì ra phải có cách nghĩ như thế!”. Không phải tôi khiêm tốn mà tôi phải thú nhận mình chỉ học được một trong 10 phần quan niệm triết học của Inamori. Thầy Inamori đã làm được điều tuyệt vời là hồi sinh JAL, thầy sẽ còn có thể tiến xa hơn nữa, thành công hơn nữa. Bản thân tôi vẫn luôn nhận thức được rằng mình chưa có nhiều kinh nghiệm, mình chỉ đơn giản là một doanh nhân sẽ tiếp tục nỗ lực, luôn luôn nỗ lực cho tới lúc chết. Với tôi, tới từng này tuổi mà vẫn có một người thầy chỉ dẫn là một điều hạnh phúc”.

Ken Ohata – người thành lập và dẫn dắt Công ty Duks (chuyên buôn bán và trao đổi kính xe ô tô cho các đại lý xe và người tiêu dùng), “người hâm mộ điên cuồng” doanh nhân Inamori: “Đối với nhân viên, tôi luôn muốn mối quan hệ thân thiết như cha con. Tôi đối xử với nhân viên như con và nhân viên cũng coi tôi giống như cha của họ. Nếu chỉ là mối quan hệ đơn thuần giữa phía tuyển dụng và phía được tuyển dụng thì chúng ta không thể làm kinh doanh được. Thầy Inamori cũng từng nói: “Hãy kinh doanh với chủ nghĩa đại gia đình”. Liệu bạn có thể hy sinh bản thân và cố gắng hết sức vì nhân viên không? Nếu là những ông bố, bà mẹ, chắc chắn bạn sẽ nghĩ cho con cái trước tiên đúng không? Trường hợp này cũng giống như vậy!”.

Soushun Un – Chủ tịch Công ty Tư vấn Quản lý Inamori Kazuo (Bắc Kinh), người hâm nóng làn sóng Inamori tại Trung Quốc: “Tôi là người thích học hỏi. Tôi cũng từng học lịch sử thế giới, tìm hiểu những con người có tư tưởng ảnh hưởng đến thế giới, nhưng tôi không tìm thấy ai giống như thầy cả. Thầy Inamori vốn là một kỹ sư nhưng sau này, khi trở thành một doanh nhân, thầy được nhiều người biết đến. Thế nhưng với tôi, thầy chính là một nhà tư tưởng học, một triết gia theo đuổi những điều đúng đắn một cách triệt để. Tôi không phải tuýp người dễ dàng kính phục người khác. Nếu tôi không thể thật sự thấu hiểu bằng cả tâm hồn, dù có là người vĩ đại đến đâu, tôi cũng không tin. Thầy Inamori có là lãnh đạo của một công ty lớn đến đâu, tôi cũng không quan tâm, đơn giản là tôi bị cuốn hút bởi quan niệm triết học của thầy”.

Chương III: Rốt cuộc, doanh nhân là gì?

Từng tham dự Hội thảo Tài chính vùng Kansai do Matsushita Konosuke – nhà sáng lập Công ty điện tử tiêu dùng lớn nhất Nhật Bản Panasonic – làm diễn giả vào năm 1965, Inamori Kazuo đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Konosuke. 18 năm sau, ông mở lớp học Morikazu và trở thành người dẫn dắt, truyền cảm hứng cho những doanh nhân của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có thể nói trong 18 năm đó, ông đã đối diện với bản ngã, tìm ra chân lý cho câu hỏi “Rốt cuộc, doanh nhân là gì?”.

Khi kể về những khó khăn cũng như sự quyết đoán, kiên định của bản thân trong suốt khoảng thời gian gian truân ấy, Inamori Kazuo đã miêu tả chi tiết đến mức học viên cảm giác như họ đang ở trong hành trình thời gian đó vậy. Nó chứng tỏ ông vô cùng nghiêm túc với việc kinh doanh.

Có thể nói, phong cách kinh doanh Inamori phát triển như sau: Trước tiên, doanh nhân phải đặt mục tiêu kinh doanh lớn nhất là mang lại hạnh phúc cả về vật chất và tinh thần cho nhân viên. Để thực hiện được mục tiêu đó, doanh nhân phải có khát vọng đưa doanh nghiệp mình đứng đầu khu vực, đứng đầu đất nước, sau cùng là đứng đầu thế giới. Và để theo đuổi khát vọng lớn, doanh nhân phải vứt bỏ cái tôi tư lợi, ngày ngày nỗ lực không thua kém bất cứ ai. Nói cách khác chính là nhân cách biết tiết chế và kiên nhẫn của doanh nhân đó. Khi coi nhân cách đó là trọng tâm của kinh doanh, bạn có thể dung hòa quản lý kế toán và quan niệm triết học.

Doanh nhân không phải là người thúc ép nhân viên bằng phương pháp huấn luyện khắc nghiệt, cũng chẳng phải treo mức thù lao cao ngất ngưởng trước mắt nhân viên. Doanh nhân chính là người châm lửa, người thắp lên ngọn lửa quyết tâm của cả tổ chức. Nhân tố khiến cho công ty phát triển hay tàn lụi chính là doanh nhân.

Dù cố gắng đến đâu, tuổi trẻ của Inamori vẫn luôn gặp những điều không như ý muốn. Những khó khăn, gian khổ đã rèn giũa cho trái tim, tâm hồn Inamori để ông trở thành một Inamori quyết đoán ngày nay. Nếu đang phải đối mặt với khó khăn, đó là cơ hội tuyệt vời để bạn rèn luyện lại bản ngã, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác liệu mình có thể gánh vác sứ mệnh của một doanh nhân không. Chỉ cần bạn có được trái tim với suy nghĩ tích cực tuyệt đối, tin tưởng vào con đường mình đã chọn và cố gắng hết mình là đủ. Người minh chứng cho câu nói này chính là Inamori Kazuo.

Trong lời dạy của nhà tư tưởng học Nakamura Tempu mà Inamori rất ngưỡng mộ, có một câu mà ông rất trân quý: “Doanh nhân rốt cuộc là gì?”. Câu trả lời của Inamori có thể cô đọng lại chỉ bằng một câu nói: “Thành công của kế hoạch nằm ở sự đồng tâm nhất chí, quật cường, bất khuất. Quyết tâm vì một mục tiêu duy nhất, suy nghĩ cho người khác. Tấm lòng cao cả, tâm hồn quật cường, tất cả hòa làm một”.

Những cột mốc trong cuộc đời của Inamori Kazuo

– Năm 1932: chào đời tại con phố Yakuchi, thành phố Kagoshima.

– 13 tuổi: đọc cuốn Chân tướng của sinh mệnh khi nằm trên giường bệnh chống lại bệnh viêm phổi. Căn nhà bị thiêu rụi vì trận chiến không kích.

– 19 tuổi: nhập học khoa Hóa học ứng dụng, ngành Công nghệ, ĐH Kagoshima.

– 23 tuổi: gia nhập Công ty sản xuất vật chất cách điện Shofu. Tham gia nghiên cứu vật liệu sứ cao cấp.

– 26 tuổi: xung đột với cấp trên, nghỉ việc.

– 27 tuổi: thành lập Công ty CP Ceramic Kyoto, giữ chức Giám đốc kỹ thuật.

– 29 tuổi: nhân dịp trao đổi với tập thể nhân viên trình độ tốt nghiệp cấp ba, xây dựng phương châm kinh doanh.

– 34 tuổi: giữ chức giám đốc.

– 39 tuổi: đưa Công ty lên vị trí thứ hai sàn giao dịch chứng khoán Osaka, lên sàn giao dịch chứng khoán Kyoto.

– 44 tuổi: đưa Công ty lên sàn chứng khoán của Mỹ.

– 50 tuổi: đổi tên Công ty thành Công ty CP Kyocera.

– 51 tuổi: thành lập lớp học Moriyu (nay là lớp học Morikazu) về kinh doanh dành cho doanh nhân trẻ.

– 52 tuổi: dùng tài sản riêng lập Quỹ Inamori, giữ chức Chủ tịch. Thành lập Công ty CP Kế hoạch DDI, nhậm chức Chủ tịch HĐQT.

– 54 tuổi: thành Chủ tịch HĐQT của Kyocera.

– 65 tuổi: rời chức Chủ tịch HĐQT của Kyocera và Công ty CP Kế hoạch DDI, nhậm chức Chủ tịch danh dự. Trở thành tăng ni Phật tử chùa Enpuku phái Rinzai.

– 68 tuổi: hợp nhất DDI, KDD, IDO thành KDDI. Nhậm chức Chủ tịch danh dự.

– 69 tuổi: nhậm chức Cố vấn cao cấp nhất của KDDI.

– 73 tuổi: thành lập Học viện Kỹ thuật Kinh doanh Inamori (nay là Học viện Inamori) tại trường ĐH Kagoshima.

– 78 tuổi: nhậm chức Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Nhật Bản (Japan Airlines)

– 80 tuổi: nhậm chức Chủ tịch danh dự Japan Airlines.

– 81 tuổi: từ chức vị trí Chủ tịch HĐQT Japan Airlines.

Theo DNSG